Sự kiện. tháng 12/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

THÔNG BÁO SỐ 3 - HỘI THẢO VĂN HÓA VIỆT NAM NĂM 2022

Trân trọng giới thiệu Thông báo số 3 của Ban Tổ chức Hội thảo Văn hóa Việt Nam 2022 với chủ đề: “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.

Ngày 17/12/2022, tại thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đã diễn ra Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề: “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Ninh tổ chức.

Chủ trì Hội thảo có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và các đồng chí đại diện Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội thảo.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cử tri cả nước. Có hơn 800 đại biểu tham dự Hội thảo trực tiếp tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh và hơn 1000 đại biểu tham dự trực tuyến tại một số điểm cầu và qua các nền tảng Internet. Tham dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội; các đồng chí đại diện Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; các đồng chí đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; đại diện Thường trực các tỉnh, thành ủy, Ủy ban nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện một số cơ sở nghiên cứu, đào tạo về văn hóa, nghệ thuật; đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và liên quan tới văn hóa.

Hội thảo đã nghe phát biểu khai mạc của Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; báo cáo đề dẫn của Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, phát biểu chỉ đạo của Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng. Trong quá trình Hội thảo còn có các tham luận, ý kiến phát biểu, thảo luận của các bộ, ngành trung ương, các địa phương, các chuyên gia trong và ngoài nước. Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, ý kiến tham luận sâu sắc và trách nhiệm, có tính xây dựng cao trên tinh thần chia sẻ, dân chủ, cởi mở, thẳng thắn và thiết thực. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu kết luận và bế mạc Hội thảo.

Tại Hội thảo, các ý kiến đã làm sáng tỏ các cơ sở chính trị, cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn, đề xuất các giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021 về hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm các nguồn lực cho phát triển văn hóa. Nội dung các ý kiến tham luận, trao đổi đã bám sát chủ đề trọng tâm của Hội thảo với nhiều góc nhìn khác nhau về thể chế, chính sách, nguồn lực cho phát triển văn hóa; khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của thể chế, chính sách và nguồn lực trong phát triển văn hóa, là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của nền văn hóa quốc gia, dân tộc. Trong thời gian qua, nhiều chính sách văn hóa đã được ban hành, tác động tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực văn hóa. Các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa được đa dạng hóa. Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác xây dựng thể chế, ban hành chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa còn tồn tại nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở nhìn nhận, phân tích thực trạng, nhận diện những cơ hội và thách thức, các tham luận và trao đổi tại Hội thảo cũng đã xác định nhiều vấn đề đặt ra trong hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đánh giá Hội thảo Văn hóa 2022 là hoạt động thiết thực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa là nội dung lớn, quan trọng và thiết thực. Đây cũng là vấn đề khó, được xác định là một trong những điểm nghẽn lớn trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Việc lựa chọn chủ đề và cách thức tổ chức Hội thảo cho thấy cách tiếp cận đúng đắn, khoa học và hiệu quả của Quốc hội trong tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Để khơi thông và phát huy giá trị nguồn lực văn hóa, đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách về văn hóa, cần quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa, phải hiểu đúng, đầy đủ, toàn diện về văn hóa, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Nguồn lực cho phát triển văn hóa không chỉ là tài chính, cơ sở vật chất, mà còn là nguồn lực con người, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, truyền thống dân tộc...; không chỉ là nguồn lực của nhà nước, mà còn là nguồn lực của toàn xã hội. Thể chế, chính sách đúng đắn, phù hợp, bao quát, sẽ khơi thông được nguồn lực to lớn của đất nước cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị phải nhận thức đầy đủ, xác định rõ trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng pháp luật, chính sách văn hóa; phải phối hợp chặt chẽ, thực chất trong quá trình xây dựng pháp luật, chính sách; nghiêm túc lấy ý kiến, tiếp thu và giải trình ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của luật pháp, chính sách về văn hóa.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh thể chế, chính sách phải kiến tạo để chấn hưng, phát triển văn hóa và thúc đẩy hội nhập quốc tế, bảo đảm 05 yêu cầu: (1) Tạo hành lang pháp lý để tổ chức và triển khai thuận lợi mọi hoạt động văn hóa trong khuôn khổ pháp luật dưới sự lãnh đạo của Đảng; (2) Phát huy tối đa năng lực sáng tạo, sự đa dạng và năng động của văn hóa, tạo điều kiện hội nhập thị trường văn hóa quốc tế; (3) Chú trọng tính đặc thù của văn hoá, vừa bảo đảm phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm tự do sáng tạo trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn; (4) Văn hóa phải là một trong các trụ cột để phát triển bền vững đất nước; (5) Giải quyết hài hòa 5 mối quan hệ: giữa bảo tồn, phát triển văn hóa với tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; giữa lợi ích kinh tế của chủ thể với lợi ích văn hóa của cộng đồng; giữa yếu tố dân tộc và quốc tế; giữa truyền thống và hiện đại; giữa văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa, bác học. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ 9 nhóm chính sách lớn, quan trọng cần được tập trung nghiên cứu, thể chế hóa để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo sự phát triển đột phá cho phát triển văn hóa: (1) Chính sách phát triển con người Việt Nam toàn diện; (2) Chính sách xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh với các trọng tâm là xây dựng đời sống văn hóa; phát triển và quản lý hệ thống hạ tầng, thiết chế và không gian văn hoá đồng bộ, hiệu quả; (3) Chính sách nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; (4) Chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; (5) Chính sách thúc đẩy sự phát triển văn học, nghệ thuật; (6) Chính sách phát triển công nghiệp văn hóa; (7) Chính sách đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; (8) Chính sách phát triển nguồn nhân lực văn hóa; (9) Chính sách thúc đẩy hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần tập trung triển khai 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, cụ thể:

  1. Cần khẩn trương xây dựng và ban hành Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa để tập trung nguồn lực thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030. 9 nhóm chính sách đã được chỉ ra tại Hội thảo là các nội dung quan trọng để xây dựng khung chính sách cho Chương trình này.
  2. Rà soát các nội dung về văn hóa trong 02 Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tiếp thu các ý kiến có giá trị tại Hội thảo để có những điều chỉnh phù hợp, đạt kết quả tốt hơn.
  3. Tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược, chương trình, đề án về xây dựng văn hóa công sở, văn hóa học đường, văn hóa doanh nghiệp, ngoại giao văn hóa…
  4. Có kế hoạch cụ thể để đầu tư các công trình văn hóa mang tính biểu tượng quốc gia và thời đại Hồ Chí Minh; phát triển các sản phẩm văn hoá có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng, phấn đấu có các tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 100 năm ngày thành lập nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  5. Rà soát toàn diện và đề xuất đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa để thu hút, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn. Có chính sách phù hợp cho các đơn vị sự nghiệp có khả năng cung ứng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa theo cơ chế thị trường và những đơn vị cung ứng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa không có tính chất kinh doanh.
  6. Đẩy mạnh thu hút đầu tư cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch, sản phẩm thương mại mang bản sắc văn hóa Việt Nam.
  7. Chú trọng các cơ chế, chính sách phát huy, tạo điều kiện, khuyến khích, năng lực sáng tạo của các chủ thể văn hóa.

         Trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị và giải pháp, sau khi kết thúc Hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo sẽ xây dựng Báo cáo tổng thuật gửi tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành và địa phương để phục vụ kịp thời công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển văn hóa.

                                                                          BAN TỔ CHỨC