Sự kiện. tháng 12/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CHIỀU NGÀY 17/12: TỔNG THUẬT ‘’HỘI THẢO VĂN HÓA 2022’’

13h30 ngày 17/12, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh, Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề: ‘’Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa’’ tiếp tục với Phiên toàn thể. Hội thảo được chủ trì bởi Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí đại diện Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội thảo.

SÁNG NGÀY 17/12: TỔNG THUẬT ‘’HỘI THẢO VĂN HÓA 2022’’

TOÀN VĂN PHÁT BIỂU CỦA ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN TẠI HỘI THẢO VĂN HÓA 2022

TOÀN VĂN BÀI PHÁT BIỂU CỦA ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, GIÁM ĐỐC HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH, CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG LÝ LUẬN TRUNG ƯƠNG NGUYỄN XUÂN THẮNG TẠI HỘI THẢO VĂN HÓA 2022

Toàn cảnh Hội thảo Văn hoá 2022

Trong Phiên toàn thể, Hội thảo tiếp tục nghe phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các báo cáo đánh giá về chính sách, pháp luật và nguồn lực cho phát triển văn hóa; kinh nghiệm quốc tế của một số nước và ý kiến tham luận, thảo luận của lãnh đạo một số địa phương, các chuyên gia trong nước, quốc tế, doanh nghiệp.

Hội thảo tiếp tục tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Đồng thời đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ liên tục cập nhật chi tiết nội dung sự kiện:

16h56: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tổng kết, bế mạc "Hội thảo Văn hoá 2022"

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 1 ngày tổ chức khẩn trương khoa học, Hội thảo đã hoàn thành toàn bộ chương trinh dự kiến đề ra. Hội thảo thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, các cơ quan, Nhân dân và cử tri cả nước.

Được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Bắc Ninh và trực tuyến, Hội thảo có sự tham gia của khoảng 800 đại biểu tham gia trực tiếp tại Bắc Ninh trong đó có nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành chuyên gia nhà khoa học các cơ sở nghiên cứu, đại diện tổ chức quốc tế.

Bên cạnh nhà quản lý, người làm công tác khoa học có nhiều đại biểu là người trực tiếp làm công tác văn hóa. Có khoản 2000 đại biểu theo dõi trực tuyến qua 10 điểm cầu. Có 10.000 người theo dõi Hội thảo qua Cổng thông tin điện tử Quốc hội và website chính thức của Hội thảo; có trên 30.000 người theo dõi rên nền tảng trực tuyến và khoảng 200.000 người tiếp cận trên nền tảng số. Có 53 cơ quan thông tấn báo chí với khoản 150 phóng viên trực tiếp tham gia đưa tin về sự kiện.

Chủ tịch Quốc hội cho biết vào năm 2023, nước ta sẽ kỷ niệm 80 năm đề cương văn hóa Việt Nam; cho biết ngay sau khi nước nhà giành độc lập từ 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng và Nhà nước ta luôn nhấn mạnh vai trò vị trí của văn hóa. Tại Hội nghị toàn quốc về văn hóa vào tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: văn hóa là hồn cốt của dân tộc, đặt mục tiêu chấn hưng và phát triển văn hóa…

Do đó, Hội thảo góp phần tiếp tục thầm nhuần quan điểm thông suốt tư tưởng và xác định việc phải làm về thể chế chính sách và nguồn lực để hiện thực hoa mục tiêu yêu cầu chấn hưng, phát triển văn hóa để văn hóa ngang hàng chính trị và kinh tế.

Về nội dung của hội thảo, Hội thảo đã đánh giá thực trạng công tác thể chế hóa, ban hành các chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Hội thảo nhất trí đánh giá những kết quả đã đạt được; khẳng định công tác thể chế hóa quan điểm chủ trương của đảng tiếp túc được quan tâm đạt được kết quả nổi bật.

Chủ tịch Quốc hội đã điểm lại một số kết quả cơ bản, trong đó có từng bước khắc phục tình trạng luật khung luật ống; song song với đó các thiết chế văn hóa, bộ máy, quản lý văn hóa ngày càng được hoàn thiện. Nhiều chính sách văn hóa được ban hành tác động tích cực, thúc đẩy phát triển lĩnh vực văn hóa như phát triển con người Việt Nam toàn diện, xây dựng môi trường văn hóa, lĩnh vực văn hóa, đời sống văn hóa. Cùng với đó, nguồn nhân lực và các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa ngày càng được đảm bảo tốt hơn.

Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác xây dựng thể chế, ban hành chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa còn tồn tại nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc. Một số vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn chậm được thể chế. Khâu thực thi vẫn là khâu yếu. Thể chế tự chủ đơn vị sự nghiệp nói chung và các đơn vị trong lĩnh vực văn hóa chậm hoàn thiện. Hệ thống chính sách còn bất cập hiệu quả thấp. Chính sách phát triển công nghiệp văn hóa chậm ban hành…. Các chính sách khuyến khích xã hội hóa chưa thực sự tạo ra động lực phát huy tiềm năng sáng tạo văn hóa. Cơ chế tài chính chưa khuyến khích sự sáng tạo, chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Cả về nhân lực, vật lực và tài lực còn những hạn chế. Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và cán bộ làm công tác văn hóa còn nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Tài nguyên văn hóa nhất là di sản, các làng nghề…chưa được khai thác hết.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Hội thảo cũng đã đề cập đến nhiều vấn đề bảo đảm thể chế và nguồn lực. Về thế chế và chính sách về văn hóa, liên quan văn hóa, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải kiến tạo cho việc chấn hưng và phát triển văn hóa, thúc đẩy hội nhập sâu rộng về văn hóa, quảng bá với quốc tế và tiếp thu tinh hoa. 

Như vậy, phải bảo đảm các yêu cầu là tạo hành lang pháp lý để tổ chức và triển khai thuận lợi mọi hoạt động văn hóa trong khuôn khổ pháp luật dưới sự lãnh đạo của Đảng; phát huy tối đa năng lực sáng tạo, sự đa dạng và năng động của văn hóa, tạo điều kiện hội nhập thị trường văn hóa quốc tế; chú trọng tính đặc thù của văn hoá, vừa bảo đảm phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm tự do sáng tạo trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn; văn hóa phải là một trong các trụ cột để phát triển bền vững đất nước.

Đồng thời, phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn, phát triển văn hóa với tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; giữa lợi ích kinh tế của chủ thể với lợi ích văn hóa của cộng đồng; giữa yếu tố dân tộc và quốc tế; giữa truyền thống và hiện đại; giữa văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa, bác học.

Hoàn thiện thể chế về văn hóa phải được tiến hành đồng bộ, kịp thời. Trước hết là rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn thiếu trong các lĩnh vực văn hóa; sửa đổi, bổ sung, khắc phục các bất cập trong các chính sách đã ban hành; kịp thời hoàn thành việc thể chế hóa nghị quyết Đại hội XIII, nhất là những vấn đề mới.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại Hội thảo cũng thống nhất 9 nhóm chính sách lớn, quan trọng, cần được tập trung nghiên cứu, thể chế hóa để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo sự phát triển đột phá cho phát triển văn hóa. Theo đó, chính sách phát triển con người Việt Nam toàn diện. Con người là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu, là mục tiêu của sự phát triển. Chính sách xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh với các trọng tâm là xây dựng đời sống văn hóa; phát triển và quản lý hệ thống hạ tầng, thiết chế và không gian văn hoá đồng bộ, hiệu quả. Chính sách nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm truyền thông, thúc đẩy quảng bá, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống; có chính sách đầu tư để phát triển truyền hình và phát thanh trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn.

Cùng với đó là các chính sách: Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; chính sách thúc đẩy sự phát triển văn học nghệ thuật. Chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, cần tập trung nghiên cứu, hoàn thiện nhóm chính sách, để tạo đột phá cho phát triển bền vững ngành công nghiệp văn hóa. Chính sách đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực văn hóa. Chính sách phát triển nguồn nhân lực văn hóa – đây là được coi là "khâu đột phá" trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Chính sách thúc đẩy hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Về nguồn lực cho phát triển văn hóa, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Hội thảo đã chỉ rõ, để hoàn thiện chính sách huy động các nguồn lực cho phát triển văn hóa cần phát huy đầy đủ nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, cả trong nước và ngoài nước. 

Từ đó, Hội thảo cũng đã thống nhất kiến nghị 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp cần tập trung làm ngay. 

Một là, sớm xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa với 9 nhóm chính sách đã được chỉ ra tại Hội thảo là các nội dung quan trọng để xây dựng khung chính sách cho Chương trình này. 

Hai là, rà soát các nội dung về văn hóa trong 02 Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tiếp thu các ý kiến có giá trị tại Hội thảo để có những điều chỉnh phù hợp, đạt kết quả tốt hơn.

Ba là, tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược, chương trình, đề án về xây dựng văn hóa công sở, văn hóa học đường, văn hóa doanh nghiệp, ngoại giao văn hóa…

Bốn là, đầu tư các công trình văn hóa mang tính biểu tượng quốc gia và thời đại Hồ Chí Minh. Phát triển các sản phẩm văn hoá có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng, phấn đấu có các tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm

Năm là, đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa để thu hút, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.

Sáu là, đẩy mạnh thu hút đầu tư cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch, sản phẩm thương mại mang bản sắc văn hóa Việt Nam. 

Bảy là, chú trọng các cơ chế, chính sách phát huy, tạo điều kiện, khuyến khích, năng lực sáng tạo của các chủ thể văn hóa.

16h54: Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh điều phối thảo luận

Phát biểu kết thúc Phiên thảo luận bàn tròn tại Hội thảo Văn hóa 2022, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh cho biết, qua ý kiến của các vị diễn giả cho thấy cần nhiều hội thảo, nhiều diễn đàn như vậy nhằm đi sâu vào phân tích thể chế, chính sách, cũng như cách thức huy động nguồn lực phát triển văn hóa.

Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh khẳng định, trong phiên thảo luận chiều 17/12 đã có cái nhìn sâu hơn về nguồn lực để phát triển văn hóa; đôi khi chỉ cần một cách tiếp cận mới, một thể chế mới, một nguồn lực mới thì tất cả đều sẽ được khởi thông. Khi đó công nghiệp văn hóa sẽ tìm thấy thị trường và văn hóa sẽ được bảo tồn và phát triển.

16h51: Tổng Giám đốc BHD Ngô Bích Hạnh phát biểu

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, Tổng Giám đốc BHD Ngô Bích Hạnh cho rằng, sản phẩm công nghiệp văn hóa hầu hết là những sản phẩm, tài sản vô hình, không hữu hình. Trong khi đó, hầu hết ở các quy định pháp luật ở nước ta đều chưa công nhận tài sản vô hình này….

Tổng Giám đốc BHD Ngô Bích Hạnh cũng nhấn mạnh, chính bởi là những sản phẩm vô hình nên không thể dùng để đi vay. Trong khi đó, việc xâm hại bản quyền đôi khi chỉ bị phạt 5-10 triệu. Do vậy, Nhà nước cần có các cơ chế để bảo vệ giá trị sản phẩm đối với các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa. 

Bên cạnh đó, để phát triển công nghiệp văn hóa chúng ta cần có nguồn vốn, nguồn lực. Theo Tổng Giám đốc BHD Ngô Bích Hạnh, đây cùng là một thành phần của nền kinh tế và mang lại lợi nhuận, đặc biệt là về lĩnh vực sản xuất phim ảnh. Tuy nhiên, hiện nay thể chế, chính sách pháp luật của Việt Nam chưa có cơ chế hỗ trợ nên vẫn còn rất nhiều khó khăn, bất cập.

Đứng từ phía doanh nghiệp, Tổng Giám đốc BHD Ngô Bích Hạnh mong muốn Nhà nước sẽ xây dựng một tổ chức chuyên môn hỗ trợ trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Thành phần có thể có Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… để có thể hỗ trợ, đưa ra những chính sách bảo vệ, phát triển công nghiệp văn hóa trong thời gian tới.

16h50: Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh điều phối thảo luận

Điều phối phiên thảo luận, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam cho biết, chiều nay Hội thảo đã bàn nhiều về các nội dung liên quan đến thể chế cũng như các phương án để phát triển văn hoá và có rất nhiều ý kiến tham gia. Tuy nhiên, từ đầu đến giờ chưa có ý kiến của đại biểu từ góc độ doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng là cấu phần quan trọng trong phát triển văn hoá, đặc biệt là liên quan tới PPP.

Tổng Giám đốc Lê Quang Minh mời Tổng Giám đốc BHD Ngô Thị Bích Hạnh kiến nghị từ góc độ doanh nghiệp liên quan đến các nội dung Hội thảo thảo luận từ sáng, trong đó có vấn đề PPP và hoàn thuế?

16h48: PGS.TS Đinh Hồng Hải - Đại Học Khoa học, Xã hội và Nhân văn phát biểu thảo luận

Tham gia thảo luận, PGS.TS Đinh Hồng Hải cho biết, Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị năm 2017 gọi văn hóa là một mũi nhọn. Tuy nhiên văn hóa là gì và giá trị như thế nào thì hiện chúng ta vẫn thấy mơ hồ. Trả lời cho câu hỏi này, PGS.TS Đinh Hồng Hải cho biết, ở đây văn hóa là biểu tượng và nêu ví dụ cầu Long Biên hay đường sắt quốc gia chính là tài sản văn hóa. Vậy tài sản văn hóa này nằm ở đâu?

PGS.TS Đinh Hồng Hải nêu rõ, nếu như so sánh đường sắt quốc gia và cầu Long Biên với tháp Eiffel và Tượng nữ thần Tự do được xây cùng thời với nhau, thì đây là những công trình tiêu biểu của các châu lục khác nhau. Họ đã sử dụng các công trình đó, nguồn lực đó để kiếm được rất nhiều tiền. Trong khi chúng ta chưa thu được gì, 

Đưa ra thêm ví dụ của thời hiện đại là chúng ta xây đường sắt Cát Linh Hà Đông 15 năm cho 13 km, trong khi đường sắt Bắc Nam dài 2400 km, qua đó thấy được nguồn lực lớn đến mức độ như thế nào. Do vậy, PGS.TS Đinh Hồng Hải cho rằng, đây không chỉ là tài sản văn hóa mà nó là tài sản quốc gia, một tài sản khổng lồ.

Ngoài ra, để biến nó thành một loại tài sản quốc gia thông qua tài sản văn hóa này, PGS.TS Đinh Hồng Hải nhấn mạnh, chúng ta cần phải thể chế hóa, mà thể chế hóa thì chỉ có Quốc hội mới làm được việc này.

16h47: Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh điều phối thảo luận

Đề cập đến nguồn lục nhưng không phải là tiền mà là những di sản vô giá do lịch sử để lại, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh giới thiệu PGS.TS Đinh Hồng Hải, Trường Đại học Khoa học xã hội Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - ông có cách tiếp cận rất đặc biệt khi đưa ra ví dụ về đường sắt răng cưa Đà Lạt. Mời PGS.TS Đinh Hồng Hải chia sẻ thêm về vấn đề này.

16h46: Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông trả lời ý kiến về việc cần có văn bản quy định chính thức về áo dài. 

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết trước đây đã từng đề xuất công nhận quốc phục và quốc hoa của Việt Nam. Tuy nhiên đây là vấn đề cần phải xem xét thận trọng, kĩ lưỡng, cần có thời gian chiêm nghiệm, kiểm tra. 

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, hiện nay ở nhiều nơi như ở Huế cũng đang có phong trào tích cực là mặc áo dài. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng trong tương lai có quy định chính thức về áo dài là điều nên làm nhưng vẫn còn cần thận trọng.

16h45: Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh điều phối thảo luận

Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh cho biết, tại giờ giải lao Hội thảo, cá nhân Tổng Giám đốc đã nhận được kiến nghị từ nghệ nhân áo dài ngũ thân Năm Tuyền liên quan đến lễ phục và quốc phục. Hiện nay chưa  có văn bản nào quy định hướng dẫn về văn hóa mặc truyền thống, trong đó áo dài được nhắc đến nhưng chưa được công nhận là thương hiệu quốc gia và chưa có văn bản hướng dẫn quy chuẩn. Áo dài cần phải phát triển có định hướng và cần sự vào cuộc thông qua các văn bản pháp luật. Quan điểm của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch như thế nào về kiến nghị này?

16h43: Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, việc quản lý cổ vật được quy định tương đối rõ trong các quy ước quốc tế. Luật Di sản văn hóa của chúng ta, với sự tham gia triển khai tích cực của các bộ, ban, ngành, đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong việc quản lý cổ vật theo đúng các quy định quốc tế.

Thời gian qua, có nhiều tin tức về các cổ vật của nước ta ở nhiều địa điểm trên thế giới. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ đã có định hướng thống kê các cổ vật này, có lộ trình cụ thể để thống nhất với các ban, bộ, ngành, trình Thủ tướng Chính phủ để từng bước tiến hành đưa cổ vật hồi hương. 

Theo Thứ trưởng, việc đưa cổ vật hồi hương là rất phức tạp, chịu ảnh hưởng những quy định quốc tế, mối quan hệ với nước bạn, hình thức phối hợp tư nhân với nhà nước. Tiếp đến, trong việc tiến hành sửa đổi Luật Di sản văn hóa, sẽ có những thay đổi về ưu đãi thuế để huy động được nguồn lực thực hiện tốt việc đưa cổ vật hồi hương.

16h42: Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh điều phối thảo luận

Cảm ơn chia sẻ việc hồi hương cổ vật của Giám đốc Sở Văn hóa, và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh nêu câu hỏi với Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông: “Vấn đề đưa cổ vật về nước đang rất được dư luận quan tâm hiện nay. Bên cạnh việc Nhà nước, rồi các mạnh thường quân đấu giá đưa cổ vật về nước. Từ những vụ việc vừa rồi, tới đây Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có những định hướng như thế nào về việc hồi hương cổ vật?”

16h39: Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phan Thanh Hải cho biết, lãnh đạo tỉnh Thừ Thiên Huế luôn luôn xem văn hóa di sản là thế mạnh. Ứng xử với văn hóa di sản luôn luôn dành cho sự ưu tiên đặc biệt. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ thành lập hệ thống bảo tàng ngoài công lập. Ngành văn hóa thể thao của tỉnh đã triển khai đưa vào áp dụng. Trong thời gian ngắn tỉnh đã thành lập được 05 bảo tàng ngoài công lập. Số bảo tàng ngoài công lập nhiều nhất so với các tỉnh và hoạt động rất hiệu quả. 

Ngoài ra, về việc đưa bảo vật, cổ vật hồi hương, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ưu tiên nguồn lực và thể hiện tinh thần dũng cảm, mạnh dạn trong vấn đề này.

16h38: Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh điều phối thảo luận

Điều phối phiên thảo luận, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh nêu rõ mỗi một địa phương sẽ có những cách làm riêng, tỉnh Thừa Thiên Huế trong phóng sự cũng như những chia sẻ của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho thấy, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có những Nghị quyết riêng ban hành để triển khai phát triển văn hóa. 

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Lê Quang Minh đặt vấn đề rằng không biết Thừa Thiên Huế có tiền để làm việc đó hay có những thứ tự ưu tiên riêng khác với các địa phương khác?

16h34: Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải

Trùng tu, bảo tồn văn hóa, các di sản là nhiệm vụ quan trọng Đề cập về giữ gìn bản sắc văn hóa Huế, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải cho biết, việc huy động nguồn lực ngân sách đóng vai trò quan trọng. Quỹ bảo tồn di sản có nhiều tác dụng trong việc bảo tồn, trùng tu các di sản của Thừa Thiên Huế.

Ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị quyết định về việc xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng của di sản văn hóa và bảo vệ bản sắc văn hóa Huế, ngày 13/11/2021, Quốc hội có Nghị quyết số 38 về việc cho phép Thừa Thiên Huế thực hiện thí nghiệm một số cơ chế, chính sách đặc thù. Trong một nhóm gồm 6 cơ chế, chính sách phải đề cập đến việc cho phép Thừa Thiên Huế giữ lại toàn bộ nguồn thu từ phí tham quan thực để hiện việc trùng tu, bảo vệ di sản và cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa Huế. Đây là quỹ do Chính phủ thành lập nhưng giao cho Thừa Thiên Huế quản lý, sử dụng quỹ này thì có thể được sử dụng trực tiếp cho việc trùng tu, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản đặc thù của cố đô Huế. Có thể nói, đây là chính sách rất kịp thời.

16h32: Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh điều phối thảo luận

Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh cho rằng, qua chia sẻ của Nhà văn Hữu Việt có thể thấy chúng ta cần có cái nhìn tổng thể, không thể không quan tâm đến vấn đề “cơm áo, gạo tiền”, cũng cần có câu trả lời tại sao nhiều bạn trẻ không tiếp tục theo đuổi văn chương sau khi vụt sáng, vì không nhìn thấy tương lai.

Chuyển sang vấn đề khác, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh nêu vấn đề đối với ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho Thừa Thiên – Huế, tỉnh đã thể chế hóa nghị quyết này như thế nào để bảo vệ và phát huy giá trị di sản của tỉnh?

16h28  Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Việt

Trả lời câu hỏi “nhà văn cần gì”, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Hữu Việt cho biết văn học cũng rất cần thể chể, chính sách và nguồn lực. 
Về thể chế, nhà văn Hữu Việt cho biết nhiều hoạt động, nhiều nội dung trong lĩnh vực văn hóa chưa được luật hóa trong đó có lĩnh vực văn học. Nhà văn cũng cần phải biết đường biên được làm gì, không được làm gì. Nắm được điều đó mới mở rộng được sức sáng tạo của người cầm bút. Đến nay, các cơ quan mới đang nghiên cứu để xây dựng nghị định trong lĩnh vực văn học. Mục tiêu đề ra là khai phá sức sáng tạo của người cầm bút thì nghị định mới thành công.

Nhà văn Hữu Việt cũng cho biết trong văn học yếu tố con người là yếu tố quan trọng bởi tính chất đặc điểm của bộ môn này. Do đó cần chú trọng đầu tư cho con người đóng vai trò quyết định cho phát triển văn học.  Theo nhà văn Hữu Việt, đầu tư nguồn lực con người phải đầu tư vào tiềm năng văn học và nó nằm ở thế hệ trẻ, phải để cộng đồng, thế hệ trẻ thấy được khuyến khích, tôn trọng gánh trên vai trách nhiệm lưu giữ “chân - thiện – mĩ” của người Việt. 

Nhà văn Hữu Việt cũng nhất mạnh phải đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm bởi thực tế đầu tư cho văn hóa nói chung và văn học nói riêng thì đầu tư còn dàn trải. Nhà văn Hữu Việt cho rằng đầu tư cho văn học không hẳn là đầu tư cho từng cá nhân người cầm bút mà đầu tư cho các hoạt động văn học, qua đó lan tỏa tình yêu văn học cho thế hệ trẻ.

16h27: Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh điều phối thảo luận

Từ góc độ nhà văn, ông thấy rằng tiền bạc không quá quan trọng kể cả tài năng lớn và tài năng nhỏ. Vậy thưa ông, nhà văn hiện nay cần gì?

16h25: Nhà văn Hữu Việt - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu thảo luận

Trả lời câu hỏi tại sao chưa có tác phẩm lớn, chưa có cây bút lớn, nhà văn Hữu Việt cho rằng, ở đây không liên quan trực tiếp đến vấn đề tài chính, mà đây là vấn đề tài năng. phải là người có hiểu biết sâu sắc về thế giới, về nhân sinh, và phải viết ra điều đó bằng tất cả tài năng của mình. Do đó, nhà văn Hữu Việt cho rằng, đây là vấn đề tài năng. 

Như vậy rõ ràng là tiền bạc không thể ngăn cản được những tài năng lớn. Bên cạnh đó, nhà văn Hữu Việt còn thấy rằng, tiền bạc cũng không thể ngăn cản được những tài năng nhỏ hoặc là những chớm tài năng. Ở đây rõ ràng có một giá trị tinh thần nào đó dẫn dắt để tác giả viết nên tác phẩm của mình. Vì thế, nhà văn Hữu Việt cho rằng vấn đề tiền bạc có liên quan nhưng không quyết định việc có tác phẩm lớn hay có nhà văn lớn. Có nhà văn lớn thì sẽ là một câu chuyện khác.

16h24: Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh điều phối thảo luận

Cũng liên quan đến nguồn lực văn nghệ sỹ, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh đặt câu hỏi đối với Nhà văn Hữu Việt, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn: “Tại sao từ nhiều năm trở lại đây chúng ta không có nhiều tác phẩm lớn, nhà văn lớn, chúng ta đã nhiều lần đặt ra và theo quan điểm cá nhân tôi, hỏi như vậy có phần hơi vô tâm. Bởi chúng ta đều biết, vài chục triệu đồng tiền nhuận bút cho 1 tác phẩm mà tác giả thai ngén cả năm trời thì không một nhà văn nào có thể sống bằng nghề cầm bút. Nhà văn Hữu Việt có suy nghĩ và cần gì từ Nhà nước?

16h22: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận bàn tròn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, vào thời điểm ban hành Luật về Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Bộ đã thực hiện rà soát và chưa kiến nghị đưa lĩnh vực văn hóa vào…

“Lý do là bởi khi đưa lĩnh vực văn hóa vào, chúng ta cần phải chắc chắn đảm bảo được lợi nhuận cho nhà đầu tư, đồng thời cũng phải đảm bảo được không xung đột với các giá trị văn hóa truyền thống”- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông Lý giải. Tuy nhiên thực tiễn luôn thay đổi liên tục, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, cũng đã nhận được những đề xuất của thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội về vấn đề này. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu và sẽ trình các cấp có thẩm quyền xem xét, để triển khai thí điểm áp dụng hình thức đầu tư theo Đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư có thế áp dụng được trong lĩnh vực văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa như âm nhạc, điện ảnh, thời trang… Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo Chính phủ vấn đề này để kiến nghị Quốc hội cho thí điểm áp dụng.

16h21: Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh điều phối thảo luận

Điều phối phiên thảo luận, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam cho biết, trong sáng cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã chia sẻ một phần liên quan đến những dự kiến của Bộ Kế hoạch Đầu tư liên quan đến mô hình PPP. Đến thời điểm hiện nay, văn hóa chưa được bổ sung trong lĩnh vực, Tổng Giám đốc mời Thứ trưởng Trần Duy Đông có thông điệp rõ ràng về kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi bổ sung lĩnh vực văn hóa trong lĩnh vực đầu tư theo đối tác công tư (PPP)?

16h18: PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, khi nguồn lực nhà nước khan hiếm, cần huy động nguồn vốn xã hội, nguồn vốn tư nhân để giải quyết. Tuy nhiên, ngay trong lĩnh vực kinh tế, việc phối hợp nguồn vốn công tư cũng không phải là điều đơn giản. Về nguyên tắc là có lợi ích, nhưng trong thực tế tiến hành thì rất phức tạp, có thể gây mâu thuẫn xã hội.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, trên góc nhìn thời đại với sự chuyển đổi từ lao động chân tay sang lao động trí óc, văn hóa có thể đem lại lợi ích to lớn, đem lại lợi ích cho các nhà đầu tư tư nhân, nên đối tác công tư là hoàn toàn khả thi và có triển vọng. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, vẫn còn vướng mắc khi có những dự án cụ thể, giá trị lợi ích tài chính đem lại không rõ ràng, gây khó khăn cho triển khai. Cần xác định rõ giá trị văn hóa cụ thể trong các dự án để có thể đẩy mạnh việc phối hợp nguồn lực công tư trong phát triển văn hóa.

16h17: Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh điều phối thảo luận

Điều phối phiên thảo luận, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh đặt câu hỏi đối với PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bình luận như thế nào về thực hiện mô hình PPP đối với lĩnh vực văn hóa, trong khi hiện nay chúng ta chưa có quy định về PPP trong lĩnh vực văn hóa?

16h16: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông

Theo Thứ trưởng, hoạt động văn hóa không tạo ra giá trị tài chính trực tiếp, nhưng tạo ra giá trị gia tăng lớn. Nên trong đánh giá hiệu quả dự án văn hóa, không nên chỉ đánh giá đơn thuần về khía cạnh lợi nhuận kinh tế, mà còn xem xét nhiều khía cạnh như kiến tạo giá trị không gian cảnh quan, tăng cường kết nối, giao lưu, sáng tạo, cộng hưởng.

Thứ trưởng cho rằng, cần đánh giá thành công của công trình văn hóa trên nhiều khía cạnh. Trong đó giá trị kiến trúc về công trình đó có ý nghĩa rất quan trọng; khi công trình hoàn thành thì sự sáng tạo và thụ hưởng văn hóa từ công trình đó sẽ như thế nào đối với người dân. Như vậy đánh giá giá trị của văn hóa cần trên nhiều khía cạnh, chứ không riêng gì khía cạnh về kinh tế.

16h15: Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh điều phối thảo luận

Nói đến đầu tư cho văn hoá không chỉ nói đến con số mà cũng cần nói đến hiệu quả đầu tư. Bởi đây là lĩnh vực đặc thù, nếu xây một công trình thì có thể đo đếm được về hiệu quả đầu tư nhưng đầu tư văn hóa thì tác động của nó rất là khó để đo đến. Thưa Thứ trưởng, cần làm như thế nào để đánh giá được hiệu quả đầu tư?

16h12: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết thực hiện chủ trương của Đảng nhất là từ sau Hội nghị toàn quốc về văn hóa do Tổng Bí thư chủ trì thì các bộ ngành địa phương đã ưu tiên đầu tưu cho văn hóa.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông làm rõ nguồn lực đầu tư cho văn hóa có nguồn lực từ vốn đầu tư phát triển và nguồn từ kinh phí sự nghiệp. Trong giai đoạn 2021-2021 thì vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn trong đó có cả vốn chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cho lĩnh vực văn hóa ở trung ương là khoảng 14.500 tỷ đồng và vốn của địa phương là khoảng 52.000 tỷ đồng. Như vậy tổng vốn đầu tư cho văn hóa giai đoạn 2021 -2025 là 66.500 tỷ, chiếm khoản 2% trong tổng chi đầu tư. Tỷ lệ này cơ bản đáp ứng theo Chiến lược phát triển văn hóa, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết thêm, thời gian qua, qua tính toán sơ bộ, hàng năm chi sự nghiệp cho văn hóa thường gấp 3-5 lần chi cho đầu tư phát triển. Điều này thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành và các địa phương cho lĩnh vực này. 

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cũng cho rằng vốn đầu tư cho văn hóa là rất lớn bởi đây là lĩnh vực rất rộng. Do đó vốn của nhà nước đóng vai trò là vốn mồi cần được sử dụng hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Thời gian tới cần có thêm chính sách để huy động thêm các nguồn vốn đầu tư khác cho văn hóa.

16h10: Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh điều phối Phiên thảo luận bàn tròn.

Điều phối phiên thảo luận bàn tròn, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh mời đại biểu tham gia thảo luận tại phiên thảo luận, gồm: ông  Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế; PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; ông Hữu Việt, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn.

Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh cho biết, phiên thảo luận bàn tròn có chủ đề: Nguồn lực đầu tư cho ngành văn hóa.

Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh đặt câu hỏi đối với ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, số vốn ngân sách trung ương từ nguồn đầu tư trung hạn giai đoạn này cho phát triển văn hóa là 9.466 tỷ đồng, tức là gấp 2,26 lần so với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Cụ thể hóa chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Chính phủ lại vừa có Tờ trình Ủy ban Thường vụ quốc hội bổ sung 2.728 tỷ đồng để đầu tư một số công trình văn hóa. Chưa kể hàng nghìn tỉ đồng từ các chương trình Mục tiêu quốc gia. Con số này có lớn không và nếu so sánh về tỷ trọng trong đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, văn hóa đã thực sự được ưu tiên chưa?

15h54: Phóng sự “Tạo đột phá cho phát triển văn hóa”

Qua hàng ngàn năm lịch sử, văn hóa Việt Nam đã kết tinh thành sức mạnh,  giúp dân tộc ta vượt qua mọi thách thức, chiến thắng mọi kẻ thù để đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Vai trò, vị trí sức mạnh của văn hóa đã được khẳng định trong Đề cương văn hóa năm 1943. Tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần đầu tiên năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Văn hóa soi đường cho Quốc dân đi”. Sau đó các quan điểm lớn về văn hóa được Đảng ta tiếp tục hoàn thiện, phát triển của các kỳ Đại hội Đảng.

Tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần chấn hưng và phát triển văn hóa trong thời kỳ mới, tạo sức mạnh nội sinh, đưa đất nước phát triển phồn vinh, Nhân dân hạnh phúc....

Xem nội dung chi tiết tại đây: “Tạo đột phá cho phát triển văn hóa”

Các đại biểu theo phim dõi phóng sự 

15h53: Tiếp tục Hội thảo Văn hóa 2022, sau giờ giải lao, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng mời các đồng chí lãnh đạo, đại biểu dự hội thảo xem phóng sự với tiêu đề “Tạo đột phá cho phát triển văn hóa”.

15h40: Nghỉ giải lao

15h32: Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy trình bày tham luận “Vai trò của tuổi trẻ Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong giai đoạn hiện nay”.

Trình bày tham luận “Vai trò của tuổi trẻ Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong giai đoạn hiện nay”, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy cho biết, trong thời gian qua, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và tuổi trẻ cả nước đã đóng vai trò tích cực trong tham gia bảo tồn các giá trị văn hoá của dân tộc thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực. Đó là, tăng cường giáo dục thanh niên ý thức trân trọng các giá trị văn hoá dân tộc; tổ chức để thanh niên tham gia bảo tồn các di sản văn hoá, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc thông qua các hoạt động tham gia tu sửa, tôn tạo, bảo vệ, giữ gìng cảnh quan môi trường các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh tại địa phương; chỉnh trang khuôn viên các tượng đài, nghĩa trang, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ. 

Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các di sản văn hoá, di tích lịch sử, cách mạng của quê hương, đất nước thông qua các hoạt động về nguồn, hành trình đến với địa chỉ đỏ; vận động thanh thiếu nhi hát quốc ca tại các địa chỉ đỏ; đăng tải các video clip giới thiệu về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, cách mạng, di sản văn hóa của địa phương bằng tiếng Việt và tiếng Anh…

Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy nhấn mạnh vai trò thứ hai: Tuổi trẻ tích cực tham gia vào quá trình sáng tạo và chuyển đổi giá trị văn hoá thành sức mạnh nội sinh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa.

Chúng ta đã và đang phát triển được rất nhiều sản phẩm văn hóa mang lại giá trị cao, đặc biệt là trên các nền tảng số, rất nhiều trong số đó là của những bạn trẻ. Đó là ngày càng nhiều sản phẩm văn hoá “made in Việt Nam” đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều nền tảng, nhất là công nghệ số, ngày càng tạo dựng được niềm tin, sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Đồng thời, những ý tưởng và mô hình khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống của thanh niên, tạo nên sự thu hút mạnh mẽ đối với cộng đồng và gặt hái được những thành công bước đầu. 

Nhấn mạnh tuổi trẻ là lực lượng quan trọng tham gia đấu tranh phòng, chống “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực văn hoá, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy nêu rõ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thanh niên Việt Nam với nòng cốt là Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã phát huy vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa, đấu tranh chống lại các sản phẩm, thông tin xấu độc, lai căng, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng của các thế lực thù địch. Tổ chức Đoàn đã kịp thời nắm bắt xu hướng, trào lưu, tâm trạng, suy nghĩ của thanh niên, từ đó kịp thời định hướng, tuyên truyền, giáo dục và giải quyết các vấn đề thanh niên quan tâm.

Bên cạnh đó, với sự tổ chức của Đoàn, thanh niên đã rất tích cực trong tham gia đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, sai trái, lên án tin giả, tin xấu độc; chia sẻ thông tin chính thống.

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong giai đoạn hiện nay, trong thời gian tới, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy cho biết, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh xác định tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau: tăng cường giáo dục cho thanh thiếu niên về lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc; ý thức về sứ mệnh, trách nhiệm xã hội; nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, rèn luyện, lao động, giải trí để thanh niên phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hoà cả về thể lực, trí tuệ và tâm hồn; tăng cường nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích, đồng hành với thanh niên trong chinh phục ngành công nghiệp văn hóa.

Đồng thời, tăng cường các hoạt động tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền, giáo dục, định hướng văn hóa, gắn với kiểm tra, giám sát, báo cáo, xử lý kịp thời các hành vị lệch lạc về văn hóa trong đoàn viên, thanh thiếu niên. Cũng tại Hội thảo, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy đề xuất một số kiến nghị để phát huy vai trò của thanh niên trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc trong giai đoạn hiện nay.

Một là, xây dựng chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý để tạo lập các thiết chế văn hóa phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, nhất là trên môi trường mạng. Hai là, tạo chính sách đột phá trong phát hiện, tôn vinh, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nhân tài, đặc biệt là tài năng trẻ Việt Nam. Ba là, chủ động, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan tới chuyển đổi số và nâng cao năng lực số cho nhân dân nói chung và thanh thiếu nhi nói riêng. Bốn là, Đảng và Nhà nước cần có chủ trương và chính sách mạnh mẽ hơn nữa để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; đồng thời, có chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân, nhất là doanh nhân trẻ quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa truyền thống dành cho thanh thiếu nhi.

15h31:  Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng điều hành tham luận.

Điều hành tham luận, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng Tham giới thiệu đồng chí Bùi Quang Huy, Uỷ viên dự khuyết BCHTW Đảng, Bí thư Thứ nhất BCH Trung ương Đoàn trình bày tham luận: “Vai trò của tuổi trẻ Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong giai đoạn hiện nay”.

15h20 Nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam Park Nark Jong trình bày tham luận “Giới thiệu về chính sách ngành văn hóa của Hàn Quốc”

Giới thiệu về khái niệm công nghiệp văn hóa và công nghiệp nội dung văn hóa, Nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam Park Nark Jong cho biết mọi quốc gia đều hướng tới mục tiêu trở thành cường quốc văn hóa cùng với cường quốc kinh tế. Công nghiệp văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc nâng vị thế các quốc gia phát triển và mang tầm ảnh hưởng đến thương hiệu các quốc gia đó.

Ở Hàn Quốc, thuật ngữ “công nghiệp văn hóa” và “công nghiệp nội dung văn hóa” không được phân biệt rõ ràng. Trong những năm gần đây, thuật ngữ “công nghiệp nội dung văn hóa” đã được sử dụng phổ biến thay cho thuật ngữ “công nghiệp văn hóa”. Trọng tâm chính của công nghiệp văn hóa là kinh doanh dịch vụ liên quan đến nội dung văn hóa. Nội dung văn hóa được xác định là sản phẩm văn hóa đại chúng, có giá trị gia tăng kinh tế. Trọng tâm công nghiệp văn hóa phụ thuộc vào giá trị kinh tế của “nội dung văn hóa”. Việc sáng tạo nội dung văn hóa có thể tạo ra những tác phẩm xuất sắc dựa trên nền tảng văn hóa nghệ thuật phong phú, văn hóa truyền thống, lịch sử và những câu chuyện đời thường của nhân dân.

Về thị trường công nghiệp nội dung Hàn Quốc, ông Park Nark Jong cho biết quy mô thị trường toàn cầu của ngành công nghiệp nội dung là 2,3 nghìn tỷ đô la vào năm 2018. Hàn Quốc có thị phần 2,6%, trở thành quốc gia lớn thứ 7 trên thế giới. Tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp nội dung Hàn Quốc đạt 119,2,428 triệu USD, tăng 16,7% so với năm 2019. Đặc biệt, cơn sốt Làn sóng Hàn Quốc toàn cầu đã khiến xuất khẩu thông qua các nền tảng toàn cầu tăng đáng kể. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu theo lĩnh vực là 61,1% cho xuất bản, 43,0% cho phim, 36,3% cho truyện tranh, 28,5% cho phát sóng và 23,1% cho trò chơi....

Theo nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam, công nghiệp nội dung bao gồm các giai đoạn kế hoạch, sản xuất, phân phối, tiêu thụ. Các giai đoạn lập kế hoạch và sản xuất có quy mô nhỏ, chẳng hạn như người sáng tạo, người quảng bá và công ty sản xuất, và giai đoạn phân phối là các cổng thông tin, đài truyền hình, nền tảng, nhà phân phối và rạp chiếu phim quy mô lớn.

Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố 3 chiến lược đổi mới hàng đầu và 10 nhiệm vụ chi tiết cho bước tiến nhảy vọt của ngành công nghiệp nội dung, chẳng hạn như mở rộng tài chính chính sách, xây dựng nội dung sống động (đời thực) và thúc đẩy sự phát triển của các ngành liên quan tới làn sóng Hàn Quốc mới. Theo đó, phương tiện đầu tiên để mở rộng tài chính chính sách là thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm nội dung; mở rộng ngân sách quốc gia để thúc đẩy các ngành công nghiệp nội dung thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) và chiến lược thúc đẩy sự tăng trưởng của các ngành liên quan với Làn sóng Hàn Quốc mới. 

Về chính sách ngành nội dung văn hóa Hàn Quốc, ông Park Nark Jong cho rằng 3 điều quan trọng đối với sự hiểu biết trong việc thực hiện các chính sách của Chính phủ gồm tổ chức, hệ thống và ngân sách. Cụ thể, tổ chức cốt lõi hỗ trợ ngành công nghiệp nội dung văn hóa là Ban Chính sách Nội dung thuộc MCST tại Hàn Quốc. Các dự án nội dung văn hóa gồm (1) gây quỹ cho Contents Korea Fund, (2) tạo cơ sở hợp tác quốc tế và xuất khẩu cho nội dung văn hóa, (3) phát triển ngành công nghiệp nội dung video, (4) hỗ trợ metaverse sản xuất nội dung, (5) phát triển ngành công nghiệp nội dung video quảng bá như thị trường dịch vụ video trực tuyến (OTT) và (6) kinh doanh nghiên cứu và phát triển (R D) trong lĩnh vực nội dung.

Theo ông Park Nark Jong, tại Hàn Quốc, công nghiệp nội dung văn hóa bắt đầu phát triển nhờ những nỗ lực sáng tạo của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nội dung văn hóa từ giữa những năm 90. Vào thời điểm đó, Chính phủ Hàn Quốc nhận thấy rằng các công ty này cần nhiều hỗ trợ về chính sách, hỗ trợ ngân sách, cơ chế pháp lý và thể chế.

15h19: Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng điều hành tham luận.

Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng Tiếp mời ông Park Nark Jong, Nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam trình bày tham luận: “Giới thiệu về chính sách ngành văn hóa của Hàn Quốc”.

15h12: Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An Phạm Phú Ngọc trình bày tham luận: “Chính sách và nguồn lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An”

Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An Phạm Phú Ngọc cho biết, Khu phố cổ Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc thành phố Hội An, dù diện tích không lớn nhưng trong Khu phố cổ có đến hàng ngàn di tích, chủ yếu trong khu vực I.

Xuyên suốt trong nhiều năm, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với du lịch theo hướng bền vững nhằm tạo động lực cho sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội là nhiệm vụ then chốt của thành phố. Khu phố cổ là hạt nhân của di sản văn hóa Hội An. Bảo vệ và phát huy khu phố cổ đã là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chức chính trị - xã hội, đoàn thể mà còn của cả chủ/đại diện chủ di tích, cộng đồng, doanh nghiệp trong nhiều năm qua…

Năm 1986, hoạt động tham quan trong Khu phố cổ này đã được triển khai, mỗi năm đón lượng khách tham quan tăng dần tạo nguồn ngân sách quan trọng để tái đầu tư cho công tác trùng tu di tích, tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện phát huy và chi cho công tác quản lý. Việc phục hồi các di sản có nguy cơ mai một cũng được quan tâm mà thành công.

Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An Phạm Phú Ngọc cho rằng, hiện nay Hội An một điểm đến du lịch di sản văn hoá quan trọng của Việt Nam và vươn tầm ra cả thế giới nên cần cơ những cơ chế, kinh phí đầu tư xứng tầm như: trùng tu tôn tạo các di tích, các thiết chế văn hoá, Bảo tàng, khu vui chơi giải trí, hạ tầng du lịch, hạ tầng giao thông; cần có kinh phí hỗ trợ từ Trung ương và UBND tỉnh Quảng Nam.

Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An Phạm Phú Ngọc đề nghị Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù cho Bảo tồn phát huy Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An; nghiên cứu mô hình đô thị di sản đầu tiên của Việt Nam (di sản thế giới) để có thể áp dụng cho Hội An với các cơ chế, chính sách thí điểm, riêng biệt tiến tới quản lý đô thị di sản thông minh. Đồng thời, đề nghị Quốc hội tiếp tục duy trì nghị quyết phân bổ tiêu chí bổ sung cho khu di sản thế giới Hội An trong các năm tiếp theo.

15h11: Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng điều hành tham luận.

Điều hành phần tham luận, đồng chí Nguyễn Xuân thắng mời đồng chí Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An trình bày tham luận: “Chính sách và nguồn lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An”.

14h59: Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trình bày tham luận: “Định hướng, chính sách và nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo”.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, để trở thành một trong 3 trung tâm hàng đầu của cả nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, định vị thương hiệu “Thành phố Sáng tạo”, Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo thực hiện quan điểm: phát triển công nghiệp văn hóa được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Bên cạnh đó, Thành ủy Hà Nội xác định rõ, phát triển công nghiệp văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội trên tinh thần “đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững”. Quá trình phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy cao nhất lợi thế của Thủ đô. Đảm bảo kết cấu hạ tầng, tạo lập môi trường và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ, tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội bao gồm: Khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển Thủ đô của Nhân dân Hà Nội và cả nước; đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế với nền tảng là văn hóa; lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để xây dựng và phát triển Thủ đô; phát triển văn hóa, xây dựng nền công nghiệp văn hóa Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hoá của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô; hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới.

Cụ thể, cần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa, trong đó chúng ta cần đổi mới tư duy, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong việc đầu tư cho văn hóa như là một phần chiến lược kinh doanh và thể hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. 

Cùng với đó, cần tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa, phù hợp với thị trường trong và ngoài nước; Tăng cường hợp tác, hội nhập với các thành phố của các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển mạnh; Triển khai số hóa, hoàn thiện cơ sở dữ liệu với đầy đủ các nội dung về di sản văn hóa, "Thành phố sáng tạo", phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa để quản lý, kết nối chia sẻ, quảng bá thông tin với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng trong và ngoài nước.

Ngoài ra, cần mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa, tiếp tục thực hiện hiệu quả ngoại giao văn hóa; Xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch có quy mô lớn, mang tầm khu vực và quốc tế; Xác lập thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa Thủ đô, xây dựng các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại quốc gia, giới thiệu tại các hội chợ quốc tế, liên hoan du lịch quốc tế và các hoạt động quốc tế khác; Chủ động kết nối, mở rộng mạng lưới và tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, các thành phố có kinh nghiệm, các quốc gia uy tín trong phát triển công nghiệp văn hóa.

14h58: Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng điều hành tham luận.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết, tiếp theo tham luận của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội trình bày tham luận: “Định hướng, chính sách và nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo”.

14h49: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trình bày tham luận: “Giáo dục văn hóa và giáo dục để phát triển văn hóa”

PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phân tích mối quan hệ hữu cơ giữa giáo dục và văn hóa, trong đó nhấn mạnh giáo dục và văn hóa có sự thống nhất và giao thoa.

Giáo dục và đào tạo là một thiết chế văn hóa, là một lĩnh vực văn hóa, và bản thân nó cũng chính là văn hóa. Giáo dục và đào tạo là con đường để tạo dựng các giá trị văn hóa, bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa, sáng tạo văn hóa, và từ đó phát triển văn hóa. Con người là chủ thể của văn hóa, sáng tạo văn hóa, duy trì văn hóa.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cũng nêu các quan điểm về văn hóa giáo dục và giáo dục văn hóa. Theo đó, văn hóa giáo dục là sự biểu hiện chất lượng và sự tốt đẹp nằm trong các thành tố, các quá trình, các định hướng và các giá trị của giáo dục. Giáo dục văn hóa là nội dung, phương pháp, đối tượng, sản phẩm đầu ra của giáo dục. Giáo dục văn hóa tốt thì văn hóa giáo dục phải được tạo lập trên cơ sở bao quát, rộng lớn. 

Triển khai văn hóa hóa giáo dục là làm cho các khâu, các thành tố, các hoạt động của giáo dục gia tăng các giá trị chân, thiện, mỹ và các giá trị đó hiển thị đầy đủ trong các phương diện và quá trình giáo dục. Biến cái chân thực, cái lương thiện và cái đẹp thấm nhuần, hiển thị và trở thành thuộc tính, thành thước đo, thành bản chất, thành tiêu chuẩn, thành diện mạo của toàn bộ hoạt động ngành giáo dục. 

Muốn thực hiện giáo dục văn hóa thì bản thân nền giáo dục phải là nền giáo dục mang đậm giá trị văn hóa. Trên cơ sở tư tưởng và triết lý giáo dục, nền giáo dục đó phải hiện hữu sinh động và đầy đủ các giá trị cốt lõi, sự trung thực, lương thiện, vì con người và vì những điều tốt đẹp….

Giáo dục văn hoá trước tiên cần phải bắt nguồn từ tu dưỡng nội tâm. Đây thực chất là quá trình phát triển khả năng quan sát, cảm nhận và tư duy phân tích, năng lực phản tư từ chính những trải nhiệm của cá nhân. 

Từ những phân tích trên, PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn nêu các phương pháp và cách thức triển khai văn hóa giáo dục, gồm: Tư tưởng, triết lý giáo dục; Xây dựng thể chế; Tạo dựng xã hội học tập; Củng cố và phát triển đội ngũ nhân lực làm giáo dục, đặc biệt là đội ngũ các nhà giáo; Triển khai thành công đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó, thực hiện thành công Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; Xây dựng văn hóa học đường.

Theo đó, về tư tưởng, triết lý giáo dục, PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn cho rằng, giáo dục để phát triển con người, lấy con người làm trung tâm. Đó là nền giáo dục nhân ái, công bằng, phổ cập, cho mọi người, hỗ trợ người yếu thế, phát triển được các năng lực người học, phát triển nhân tài, đem lại sự hạnh phúc cho con người, hướng con người xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho mình. Hoạt động giáo dục được thực hiện trên cơ sở tôn trọng luật pháp, tôn trọng cá nhân, tôn trọng khác biệt, tôn trọng quyền tự do thể hiện ý tưởng, phù hợp với từng học sinh và khuyến khích thúc đẩy tinh thần sáng tạo. 

PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của xây dựng văn hóa học đường. Văn hóa học đường cần hội đủ các điều kiện quan trọng sau: Đạo lý thầy, trò đủ thiêng liêng; Nhà giáo đủ sống bằng thu nhập thông qua hoạt động giảng dạy chân chính; Trường học đủ cơ sở vật chất phụ vụ dạy học; Kỷ cương, nguyên tắc đủ mạnh để tất cả các cá nhân bộ phận phải thực thi nghiêm túc; Tài chính đủ chi trả cho các hoạt động của Nhà trường; Học trò có đầy đủ cơ hội học tập và phát huy năng lực cá nhân. Phụ huynh có đủ niềm tin vào Nhà trường; Mối quan hệ giữa nhà trường – gia đình – xã hội đủ chặt; Học liệu phục vụ hoạt động dạy học phải đầy đủ.

14h48:  Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng điều hành tham luận.

Tiếp đó, điều hành thảo luận, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng mời đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày tham luận với chủ đề: “Giáo dục văn hóa và giáo dục để phát triển văn hóa”.

14h40: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn: Huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực phục vụ phát triển văn hóa

Trình bày tham luận: “Kết nối, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực Nhà nước, nguồn lực doanh nghiệp và nguồn lực xã hội phục vụ phát triển văn hóa”, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh về đặc trưng các loại nguồn lực, vai trò của từng loại nguồn lực, cơ chế và giải pháp kết nối, phân bổ, sử dụng hiệu quả các loại nguồn lực nhà nước, nguồn lực doanh nghiệp và nguồn lực xã hội phục vụ phát triển văn hóa trong giai đoạn mới. 

Để huy động, khai thác, kết nối, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước, nguồn lực doanh nghiệp và nguồn lực xã hội phục vụ phát triển văn hóa, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn lưu ý cần tập trung vào một số giải pháp.

Theo đó, cần xác định cơ sở cho kết nối chính, lập quy hoạch phát triển các sản phẩm và dịch vụ văn hóa với chỉ tiêu cụ thể. Động lực dẫn dắt cho kết nối chính là nguồn lực Nhà nước thông qua đầu tư công, miễn thuế, chính sách đất đai, tín dụng ưu đãi một số ngành ưu tiên làm cho tư nhân cũng thấy có lợi ích và sau đó sẽ kết nối tham gia, nhất là khi đã định hình thị trường. Kết nối bao gồm cả nguồn lực của địa phương trong vùng hỗ trợ nhau mà trên thực tế hiện nay nhiều địa phương có thể dùng ngân sách hỗ trợ nhưng lại là rào cản không được thực hiện, không được kết nối. Thúc đẩy chuyển đổi số để tài nguyên văn hóa được dữ liệu hóa, chia sẻ, kết nối phục vụ hiệu quả cho phát triển du lịch, quảng bá văn hóa.

Cơ chế sử dụng nguồn lực tài chính công là chuyển mạnh sang hình thức đấu thầu cạnh tranh hoặc đặt hàng; hưởng ứng mạnh và hỗ trợ trực tiếp nhân tố con người, sản phẩm và dịch vụ văn hóa như đào tạo đạo diễn các ngành về kinh tế sáng tạo như thiết kế thời trang, phần mềm, phần mềm games... Nguồn lực đất đai cho phát triển văn hóa phải được hoàn thiện theo hướng quy hoạch đất đủ tỷ lệ cho phát triển thiết chế văn hóa. Công viên, không gian công phải thực hiện theo đúng quy hoạch.

Nguồn lực văn hóa, tôn giáo cần được nhận thức mới và có cơ chế đột phá để khai thác tốt hơn từ kiến trúc, hội họa, âm nhạc, kinh sách, ngôn ngữ, lịch sự, tôn giáo phục vụ cho phát triển du lịch. Rà soát tổng thể, có chính sách xứng đáng với nghệ nhân dân gian để bảo vệ, phát huy, trao quyền các bí kíp nghề nghiệp cho thế hệ trẻ. Phát triển nhân lực xã hội với tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ văn hóa theo tiêu chí của thế giới văn minh...

14h39: Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng điều hành tham luận.

Sau phần phát biểu của ông Christian Manhart, Trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam, điều hành tham luận đồng chí Nguyễn Xuân Thắng mời đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản trình bày tham luận: “Kết nối, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực Nhà nước, nguồn lực doanh nghiệp và nguồn lực xã hội phục vụ phát triển văn hóa”.

14h27: Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart trình bày tham luận "Kinh nghiệm quốc tế trong các chính sách văn hoá và đo lường văn hóa trong sự phát triển bền vững:

Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart đánh giá cao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Việt Nam đã cùng các cơ quan tổ chức Hội thảo này đúng thời điểm để cùng nhau chia sẻ về các chính sách văn hóa; đồng thời bày tỏ ấn tượng về những hiểu biết sâu rộng của các đại biểu và những nội dung trao đổi tại hội thảo. Điều này thể hiện sự quan tâm, ý chí, quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội Việt Nam về vấn đề này.

Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart cho biết UNESCO vận động áp dụng cách tiếp cận dựa trên văn hóa để phát triển đã hỗ trợ cho một số Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong việc thừa nhận vai trò của văn hóa như một yếu tố thúc đẩy và một động lực của phát triển bền vững. Việc đa số các chính phủ trên thế giới phê chuẩn các Công ước của UNESCO, đặc biệt là Công ước của UNESCO 2005 về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, đang giúp định hướng các chương trình hành động của UNESCO trong việc hỗ trợ tăng cường năng lực cho các hoạt động sáng tạo, sản xuất và phổ biến hàng hóa, dịch vụ và các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. 

Đại diện UNESCO ghi nhận Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của UNESCO, đóng góp vào sự thành công của UNESCO trong các nỗ lực vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam chính là một thành tựu đáng kể của quốc gia trong việc phê chuẩn Công ước của UNESCO về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa (Công ước năm 2005). 

Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao Việt Nam khi đã đặt văn hóa là trung tâm trong kế hoạch phát triển quốc gia bảo đảm công bằng và bền vững. Đây là điều mà Việt Nam có cách tiếp cận và đi trước nhiều nước trên thế giới.

UNESCO cam kết phát triển các chính sách công hiệu quả và bền vững hơn cũng như đảm bảo rằng sức mạnh chuyển đổi của văn hóa trong việc thúc đẩy phát triển bền vững tiếp tục được duy trì cùng với sự phát triển của các Chỉ số chuyên đề về Văn hóa trong Chương trình nghị sự 2030.

Cũng theo Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart, thách thức đặt ra đối với các nước đang phát triển, như Việt Nam, là làm thế nào để phát huy tiềm năng văn hóa, thiết kế và thực hiện các chính sách công về văn hóa để thúc đẩy sự phát triển của ngành văn hóa-sáng tạo, hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc. Đặt văn hóa vào giữa quy hoạch phát triển quốc gia sẽ đảm bảo phát triển bao trùm, bình đẳng và bền vững.

Đại diện của UNESCO đưa ra khuyến nghị trong hoàn thiện thể chế, thiết kế các chính sách văn hóa, tích hợp các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong các kế hoạch phát triển quốc gia và giám sát thực hiện, tác động của chính sách. Đại diện của UNESCO cũng đề nghị quan tâm hơn trong du lịch đẩy mạnh quá trình cấp visa.

Đồng thời, tăng viện trợ cho các cam kết thương mại và giải ngân trong lĩnh vực văn hóa; thúc đẩy các hình thức tài trợ mới cho các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong môi trường kỹ thuật số. Cùng với đó, khuyến khích hỗ trợ tài chính cho các Viện văn hóa hay các ngành công nghiệp văn hóa thông qua việc áp dụng các cơ chế giảm thuế cho các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân hay các tổ chức. Đây là cách làm được áp dụng ở nhiều quốc gia và được cho là có tác dụng đáng kể trong việc phát triển văn hóa của quốc gia đó, do mang lại nhiều nguồn đầu tư bổ sung và cần thiết, Đại diện của UNESCO chia sẻ. 

Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart khẳng định UNESCO luôn sẵn sàng luôn hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển về văn hóa, đưa văn hóa và trung tâm chính sách phát triển. Vui mừng trước kết quả hợp tác hiệu quả của Việt Nam và UNESCO trong suốt thời gian qua, Trưởng Đại diện UNESCO mong muốn hai bên sẽ tiếp tục hợp tác sâu rộng trong thời gian tới.

14h26: Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương điều hành tham luận.

Tiếp sau bài tham luận của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, điều hành tham luận, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng mời ông Christian Manhart, Trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam trình bày tham luận: “Kinh nghiệm quốc tế trong các chính sách văn hóa và đo lường văn hóa trong sự phát triển bền vững”.

14h03: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Báo cáo trung tâm: “Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa”

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong những năm qua, quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật đã hình thành nền tảng pháp lý toàn diện và hệ thống góp phần tăng cường sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước của văn hóa. Khung chính sách đã tạo môi trường thể chế cho phép các ngành công nghiệp văn hóa khai thác, chuyển hóa các nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa. Hệ thống các văn bản pháp luật về thuế, khuyến khích xã hội hóa, thu hút nguồn lực từng bước tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động mọi nguồn lực trong xã hội đầu tư cho văn hóa.

Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách đang từng bước góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật. Quá trình hoàn thiện thể chế đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, di sản, di tích lịch sử - văn hóa. Việc chú trọng triển triển khai chủ đề năm trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy giá trị và vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho biết, việc xây dựng thể chế, chính sách đã tôn trọng, bảo vệ sự đa dạng của văn hóa của các dân tộc, vùng miền, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, góp phần bảo vệ an ninh chính trị và giữ vững chủ quyền quốc gia của Tổ quốc. Các nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa số bước đầu phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đat được, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ, vẫn còn có các tồn tại, hạn chế. Cụ thể, hệ thống pháp luật về văn hóa có số lượng lớn nhiều văn bản có hiệu lực pháp lý và tính quy phạm thấp, thiếu những quy tắc xử sự cụ thể để các chủ thể phải thực hiện dẫn đến hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa vẫn còn hạn chế. Khung thể chế chưa hoàn thiện, chậm điều chỉnh Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong bối cảnh mới đang làm giảm vai trò kiến tạo và khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường văn hóa. 

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan các cấp, giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân chưa chặt chẽ. Sự tham gia của các chủ thể cấp cơ sở, đặc biệt là những người chịu tác động trực tiếp của hệ thống thể chế, chính sách, còn mang tính hình thức. Các quy định pháp luật về huy động nguồn lực cho thấy văn hóa chưa hoàn toàn là ngành nghề được ưu tiên, khuyến khích, phát triển văn hóa gặp phải các “điểm nghẽn”, “rào cản” từ chính nhận thức xã hội và các quy định của pháp luật chưa theo kịp đòi hỏi từ thực tế sinh động.

Một trong những tồn tại, hạn chế là việc gián đoạn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, chương trình phát triển văn hóa đang làm giảm động lực thúc đẩy phát triển văn hóa gắn với kinh tế, xã hội, đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững. Cơ chế chính sách đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với vai trò, vị trí của văn hóa trong phát triển. Bất cập trong cơ chế chính sách tạo tình trạng thiếu hài hòa giữa khu vực công lập và tư nhân trong việc tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Nhà nước.

Bàn về định hướng, giải pháp cho thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, cần xác định tập trung khắc phục bất cập, tháo gỡ các điểm nghẽn trong thực thi thể chế thông qua xây dựng, hoàn thiện chính sách có khả năng tạo cơ chế để thúc đẩy phát triển văn hóa trong giai đoạn mới. Cụ thể, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực văn hóa nhằm tạo cơ sở pháp lý để điều chỉnh các quan hệ xã hội về văn hóa, tạo nguồn lực phát triển.

Thêm vào đó, cần tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi một số Luật chuyên ngành như Luật Đầu tư, Luật PPP, các Luật thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị định về khuyến khích xã hội hóa. Tiếp tục triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Hoàn thiện hệ thống chính sách, điều chỉnh xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong đó đặt trọng tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường văn hóa.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng xác định rõ, cần xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa; Hoàn thiện các chính sách văn hóa đối ngoại có khả năng phát huy tính chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa; Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật; Xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động nguồn lực cho nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa.

14h02: Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương điều hành tham luận.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cảm ơn đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết, tiếp theo chương trình, Hội thảo sẽ nghe báo cáo tham luận. Để bảo đảm về thời gian, đề nghị mỗi diễn giả trình bày tham luận không quá 10 phút. Riêng Báo cáo trung tâm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày không quá 20 phút, vì vấn đề mang tính tổng quát. 

Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên BCHTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày Báo cáo: “Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa”.

13h47: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nêu rõ, với chủ đề về thể chế, chính sách và nguồn lực phát triển văn hóa, Hội thảo này là hoạt động thiết thực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc năm 2021. 

Thường trực Ban Bí thư cho rằng, nhân dân ta có nền văn hóa đặc sắc được kế thừa, bổ sung phát triển qua nhiều thế hệ, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được phát huy, với nhiều giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết phát huy cao độ. Nền văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc là bệ đỡ, tạo sức mạnh nội sinh để đất nước vượt qua muôn vàn thử thách, gian nan, tiến lên theo dòng chảy của lịch sử.

Theo Thường trực Ban Bí thư, những năm qua, đặc biệt kể từ thời kỳ Đổi mới, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng và các cơ quan nhà nước, tham gia tích cực của MTTQ, Đoàn thể các cấp, sự chủ động nỗ lực của ngành văn hóa, nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam đã có chuyển biến tích cực. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được kế thừa, phát huy. Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái được phát huy cao độ.

Thường trực Ban Bí thư cũng nhấn mạnh, chủ trương của Đảng trên các lĩnh vực quan trọng của văn hóa đã được thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy văn hóa phát triển. Việt Nam đã phê chuẩn, tham gia và nội luật hóa hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có các quyền về văn hóa, thúc đẩy bảo vệ các quyền về văn hóa, phù hợp các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế.

Thường trực Ban Bí thư cho rằng, để khơi thông và phát huy giá trị nguồn lực quan trọng này, trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách về văn hóa, cần quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa, phải hiểu đúng, đầy đủ, toàn diện về văn hóa, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Thể chế, chính sách về văn hóa vừa phải có cái riêng, vừa phải được lồng ghép trong thể chế, chính sách về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, với tư cách văn hóa là nền tảng, đồng thời là mục tiêu của các lĩnh vực này, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đảm bảo con người có đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc và phát triển.

13h39: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn: Phát biểu chào mừng

Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ vinh dự và phấn khởi được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn là địa điểm tổ chức Hội thảo văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, Bắc Ninh - Kinh Bắc nằm ở Trung tâm vùng châu thổ sông Hồng, là phên dậu phía Bắc của kinh đô Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, được ngợi ca là vùng đất địa linh, nhân kiệt- vùng đất tụ hội những giá trị trầm tích văn hóa truyền thống, là cái nôi sinh thành dân tộc. Nằm trong vùng đất văn hóa Xứ Kinh Bắc xưa ngàn năm văn hiến, Bắc Ninh là miền quê nổi tiếng với những sắc thái văn hóa rất độc đáo, mang đậm dấu ấn tiêu biểu nhất của vùng Đồng bằng sông Hồng. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã có những bước phát triển toàn diện trên các lĩnh vực; đến nay, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại….

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn nêu rõ, Hội thảo hôm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với sự phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục nói chung và đối với vùng đất văn hóa - con người Bắc Ninh nói riêng. Tỉnh Bắc Ninh hy vọng và tin tưởng được lắng nghe, tiếp thu nhiều ý kiến quý báu từ các nhà nghiên cứu; các nhà khoa học và các quí vị đại biểu; đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của các Đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước; cho rằng đây sẽ là những định hướng gợi mở quan trọng để tỉnh Bắc Ninh triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu trong thời gian tới; tiếp tục xây dựng thể chế, chính sách và nguồn lực, phát huy giá trị bản sắc văn hoá con người Bắc Ninh - Kinh Bắc. 

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng, cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự giúp đỡ có hiệu quả của các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế và các tỉnh, thành phố bạn.

13h35: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh: Báo cáo tóm tắt kết quả Hội thảo phiên chuyên đề sáng 17/12.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, trong Phiên chuyên đề sáng 17/12, Hội thảo đã nghe phát biểu khai mạc của đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo; Phát biểu đề dẫn gợi ý một số nội dung thảo luận Hội thảo của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; 07 tham luận của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội,  Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Các nội dung tại Phiên chuyên đề sáng 17/12 chủ yếu tập trung về quan điểm, đường lối của Đảng trong phát triển văn hóa; về việc hoàn thiện thể chế, chính sách, triển khai nhiệm vụ phát triển một số lĩnh vực văn hóa, như giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, văn hóa nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đào tạo nhân lực ngành văn hóa,…và những vấn đề đặt ra qua các góc nhìn khác nhau. Phần thảo luận tập trung vào Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa; trao đổi nhiều vấn đề liên quan tới thể chế và phát triển nguồn nhân lực cho phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa.

Trong Phiên toàn thể chiều 17/12, Hội thảo tiếp tục nghe phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các báo cáo tham luận về chính sách, pháp luật và nguồn lực cho phát triển văn hóa; kinh nghiệm quốc tế của một số nước và ý kiến tham luận, thảo luận của lãnh đạo một số địa phương, các chuyên gia trong nước, quốc tế, doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh mời các đồng chí lãnh đạo lên vị trí đoàn chủ tọa để chủ trì và điều hành Hội thảo:
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên BCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh phát biểu chào mừng Hội thảo.

13h31: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh: Giới thiệu đại biểu

Phát biểu mở đầu phiên Toàn thể trong khuôn khổ Hội thảo Văn hóa 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, hướng tới kỷ niệm 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam (1943-2023), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề: “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.

Hội thảo Văn hóa năm 2022 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Ninh đồng chủ trì tổ chức trong 01 ngày. 

Sáng 17/12, Hội thảo đã hoàn thành Phiên chuyên đề. Trong buổi chiều hôm nay, Hội thảo sẽ tiến hành Phiên Toàn thể.

Thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trân trọng giới thiệu các vị đại biểu, khách quý tham dự Hội thảo phiên toàn thể chiều 17/12:

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội;  Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Đồng chí Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Dự hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các đồng chí Bộ trưởng, Bí thư, Phó Bí thư các tỉnh, thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các vị đại biểu Quốc hội, các đồng chí đại diện Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; các đồng chí đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện một số cơ sở nghiên cứu, đào tạo về văn hóa, nghệ thuật; đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.

Về phía các tổ chức quốc tế có ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam. Đến dự và đưa tin về Hội thảo có các nhà báo, phóng viên đại diện các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Tác giả: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội