Sự kiện. tháng 12/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vai trò của tuổi trẻ Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong giai đoạn hiện nay

Phát biểu tham luận tại Hội thảo Văn hóa 2022, đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của tuổi trẻ Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong giai đoạn hiện nay như: Tuổi trẻ tham gia bảo tồn các giá trị văn hoá dân tộc; Tuổi trẻ tích cực tham gia vào quá trình sáng tạo và chuyển đổi giá trị văn hoá thành sức mạnh nội sinh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa.

CHIỀU NGÀY 17/12: TỔNG THUẬT ‘’HỘI THẢO VĂN HÓA 2022’’

Đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Phát biểu tham luận “Vai trò của tuổi trẻ Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong giai đoạn hiện nay” tại Hội thảo Văn hóa 2022, đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nêu rõ, giá trị văn hóa truyền thống có vai trò to lớn trong việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay. Nhắc đến giá trị văn hoá của dân tộc, có thể tạm chia thành những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể; phong tục tập quán và những phẩm chất, truyền thống quý báu của dân tộc ta đã được trao truyền qua nghìn đời nay, đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống….

Trong quá trình toàn cầu hoá và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, các giá trị văn hóa Việt Nam đã và đang phát triển và khẳng định hơn vị thế của mình trên trường quốc tế. Điều đó đã mở ra cơ hội cho người dân Việt Nam được nâng cao tầm nhìn, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nâng cao sự hiểu biết về nền văn hóa thế giới, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

Tuy nhiên, đi cùng với quá trình toàn cầu hoá, đồng chí Bùi Quang Huy đã chỉ rõ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam, nhất là trong việc giữ vững những giá trị văn hoá mang tính bản sắc của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đưa văn hóa trở thành động lực nội sinh của sự phát triển và quảng bá văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới. Nhiệm vụ đó có trách nhiệm rất lớn của thế hệ trẻ, những người được thụ hưởng nhiều giá trị của văn hóa, đồng thời là những người có khả năng sáng tạo lớn nhất, tiềm năng nhất, đông đảo nhất tạo ra những sản phẩm văn hóa mang đậm đà bản sắc dân tộc.

Tuổi trẻ tham gia bảo tồn các giá trị văn hoá dân tộc

Đồng chí Bùi Quang Huy chỉ ra thực tế, càng có điều kiện hòa mình vào thế giới văn minh của nhân loại, tuổi trẻ càng dễ trở nên bị mất phương hướng nếu không có bản lĩnh, thái độ, trình độ văn hóa cần thiết, thậm chí có thể tự đánh mất mình nếu không được hưởng thụ dưỡng chất văn hóa tốt đẹp của ông cha để lại.

Trong thời gian qua, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tuổi trẻ cả nước đã đóng vai trò tích cực trong tham gia bảo tồn các giá trị văn hoá của dân tộc thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Đó là, tăng cường giáo dục thanh niên ý thức trân trọng các giá trị văn hoá dân tộc. Các cấp bộ đoàn đã định hướng xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới, nền tảng là những giá trị, đạo đức, phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam với những giá trị cốt lõi “Tâm trong - Trí sáng - Hoài bão lớn”. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn đã chú trọng nâng cao lòng tự hào dân tộc thông qua các hoạt động giáo dục truyền thống, nhất là nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện lịch sử quan trọng của quê hương, đất nước.

Đồng chí Bùi Quang Huy cho biết, trong thời gian qua, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã đổi mới phương thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống; xây dựng các ấn phẩm hiện đại, ngắn gọn, thu hút để giới thiệu về các ngày lễ, các sự kiện lớn; tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu truyền thống dân tộc, danh nhân văn hoá, các bậc tiền bối cách mạng với hình thức mới mẻ, hấp dẫn; thiết kế các hoạt động giáo dục truyền thống thành các đợt sinh hoạt chính trị nối tiếp nhau, tạo thành các hoạt động cao điểm, thu hút đông đảo thanh niên tham gia.

Đó là, tổ chức để thanh niên tham gia bảo tồn các di sản văn hoá, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc thông qua các hoạt động tham gia tu sửa, tôn tạo, bảo vệ, giữ gìng cảnh quan môi trường các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh tại địa phương; chỉnh trang khuôn viên các tượng đài, nghĩa trang, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ. Các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản thiên nhiên được UNESCO vinh danh là di sản thế giới, các công trình, sản phẩm… được xếp hạng di tích lịch sử, di tích văn hóa các cấp đều được tổ chức Đoàn, Hội, Đội tham gia bảo tồn, gìn giữ và phát huy một cách tích cực thông qua các đội, nhóm, câu lạc bộ văn hóa dân gian, nghệ thuật cổ truyền, võ cổ truyền… trong và ngoài nhà trường…

Đó là, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các di sản văn hoá, di tích lịch sử, cách mạng của quê hương, đất nước thông qua các hoạt động về nguồn, hành trình đến với địa chỉ đỏ; vận động thanh thiếu nhi hát quốc ca tại các địa chỉ đỏ; đăng tải các video clip giới thiệu về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, cách mạng, di sản văn hóa … của địa phương bằng tiếng Việt và tiếng Anh; thành lập các câu lạc bộ, đội hình tình nguyện hướng dẫn du lịch, giới thiệu danh lam, danh thắng, di sản văn hóa truyền thống của địa phương; tham gia hỗ trợ tổ chức các lễ hội truyền thống.

Đồng thời, các cấp bộ đoàn cũng tập trung tuyên truyền, giáo dục, vận động thanh niên và Nhân dân gìn giữ và phát huy các phong tục, tập quán tiến bộ, phù hợp với văn hoá dân tộc; đấu tranh bài trừ, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu. Để tăng cường tuyên truyền, quảng bá các di tích lịch sử trên không gian mạng, Trung ương Đoàn đã xây dựng bản đồ số các di tích lịch sử của Đoàn và thanh niên; nhiều cấp bộ đoàn đã và đang thực hiện việc số hoá di tích lịch sử, cách mạng trên địa bàn.

Tuổi trẻ tích cực tham gia vào quá trình sáng tạo và chuyển đổi giá trị văn hoá thành sức mạnh nội sinh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trong nhưng năm gần đây, văn hoá đã được đầu tư mạnh mẽ để thực sự trở thành “Sức mạnh mềm” cho sự phát triển của đất nước. Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy cho biết, từ năm 2016, khi Chính phủ ban hành một chiến lược toàn diện về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, chúng ta đã từng bước định hình công nghiệp văn hoá với 12 ngành chủ chốt: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công, mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa và đã có những thành quả nhất định. Từ đó, chúng ta đã và đang phát triển được rất nhiều sản phẩm văn hóa mang lại giá trị cao, đặc biệt là trên các nền tảng số, rất nhiều trong số đó là của những bạn trẻ.

Toàn cảnh Hội thảo.

Đó là, có ngày càng nhiều sản phẩm văn hoá “made in Việt Nam” đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều nền tảng, nhất là công nghệ số, ngày càng tạo dựng được niềm tin, sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Tiêu biểu như: Các sản phẩm điện ảnh, phim truyền hình, phim ngắn, nhiều bộ phim truyền hình ăn khách, phù hợp với thuần phong, mỹ tục, lối sống của Người Việt đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn, chiếm lĩnh “giờ vàng” vốn trước đây thuộc về các tác phẩm điện ảnh nước ngoài và đã nhận được sự hưởng ứng của khán giả.

Trên mạng xã hội ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm dạng phim ngắn, serie phim ngắn, phim sitcom do các bạn trẻ sản xuất với những tình huống thú vị, mang lại những bài học ý nghĩa trong cuộc sống. Những sản phẩm phim đồ hoạ 3D, 4D, phim hoạt hình giới thiệu về các triều đại lịch sử của dân tộc; về các phong tục, tập quán, lễ hội Việt Nam; các video trải nghiệm văn hoá, phong tục tập quán, ẩm thực.

Đó là, những ý tưởng và mô hình khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống của thanh niên, tạo nên sự thu hút mạnh mẽ đối với cộng đồng và gặt hái được những thành công bước đầu. Thông qua đó, không chỉ góp phần quảng bá những giá trị văn hoá của Việt Nam trên trường thế giới, mà còn tạo nên những giá trị kinh tế to lớn từ những sản phẩm văn hoá. Tận dụng những công cụ có sẵn trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều bạn trẻ đã xây dựng và thành công với việc quảng bá nhiều sản phẩm văn hoá truyền thống của địa phương trên không gian mạng6. Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên Việt Nam dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ để cải tiến đặc sản địa phương, cũng như khởi nghiệp từ văn hoá, du lịch trên chính quê hương mình…

Đó là, các hoạt động của Đoàn để tạo môi trường cho thanh niên tham gia vào quá trình chuyển đổi giá trị văn hoá thành sức mạnh nội sinh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, như tổ chức các cuộc thi ý tưởng sáng tạo thanh niên khởi nghiệp; thúc đẩy và tạo môi trường để thanh niên khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực văn hoá; tổ chức Diễn đàn truyền hình “Bức tranh văn hóa Việt Nam trên các nền tảng công nghệ số” và “Định vị Việt Nam trên bản đồ thế giới với các sản phẩm văn hóa xuyên quốc gia”; Hội thảo “Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ”; các hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại để quảng bá, giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, tổ chức thanh niên của Việt Nam tới bạn bè quốc tế; xây dựng chuyên mục tiếng Anh trên cổng thông tin của Trung ương Đoàn; phối hợp tổ chức các lễ hội văn hóa, ngày Việt Nam ở nước ngoài…

Tuổi trẻ là lực lượng quan trọng tham gia đấu tranh phòng, chống “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực văn hoá

Các đại biểu nghe Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy phát biểu tham luận.

Cũng tại Hội thảo, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy kiến nghị cần thẳng thắn nhìn nhận, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, của chuyển đổi số, chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức trong việc bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc. Đó là: sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá xuyên quốc gia bên cạnh những điểm tích cực, cũng mang lại những thách thức khi những văn hóa lệch chuẩn không phù hợp với văn hoá Việt, thậm chí có cả những sản phẩm “độc hại” đang tác động và ảnh hưởng đến người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Các thế lực thù địch lợi dụng văn hoá, nhất là nền tảng OTT xuyên quốc gia, mạng xã hội, phim ảnh… để tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, chế độ. Nếu không tỉnh táo, bản lĩnh, có sức đề kháng tốt, rất dễ bị cuốn theo các luồng thông tin tiêu cực, từ đó dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.

Đồng chí Bùi Quang Huy nêu rõ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thanh niên Việt Nam với nòng cốt là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã phát huy vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa, đấu tranh chống lại các sản phẩm, thông tin xấu độc, lai căng, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng của các thế lực thù địch.

Các cấp bộ đoàn đã phát động và tổ chức hiệu quả cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên mạng xã hội”. Mỗi năm, có hơn 5 triệu tin tốt, chuyện đẹp được lan toả rộng rãi, góp phần thực hiện chủ trương đưa thông tin tích cực trở thành luồng thông tin chủ đạo trên mạng xã hội, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy thông tin tích cực đẩy lùi thông tin tiêu cực”.

Tổ chức Đoàn đã kịp thời nắm bắt xu hướng, trào lưu, tâm trạng, suy nghĩ của thanh niên, từ đó kịp thời định hướng, tuyên truyền, giáo dục và giải quyết các vấn đề thanh niên quan tâm.

Bên cạnh đó, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy cho biết, với sự tổ chức của Đoàn, thanh niên đã rất tích cực trong tham gia đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, sai trái, lên án tin giả, tin xấu độc; chia sẻ thông tin chính thống; viết bài, bình luận phản bác và tham gia báo cáo sai phạm để loại bỏ khỏi mạng xã hội các thông tin thiếu chính xác, tiêu cực. Các cơ quan báo chí của Đoàn duy trì hiệu quả chuyên mục “Chống tin giả”, “Thời luận”, “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”. Các cấp bộ đoàn xây dựng và duy trì các trang cộng đồng trên mạng xã hội để định hướng và cung cấp thông tin chính thống, phản bác thông tin xấu độc. Những hoạt động của Đoàn và thanh niên đã thể hiện tinh thần tích cực, trách nhiệm và tham gia có hiệu quả thực hiện chủ trương lan toả thông tin tích cực, đẩy lùi thông tin tiêu cực trên không gian mạng, phòng chống âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch thông qua văn hoá./.

Bích Ngọc - Phạm Thắng

Tác giả: Bích Ngọc - Phạm Thắng