Sự kiện. tháng 12/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực trạng xây dựng và ban hành chính sách phát triển văn hóa Việt Nam

Hiện nay, hệ thống pháp luật đã từng bước thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; đã quy định, điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực, khía cạnh quan trọng của đời sống văn hóa; hệ thống thiết chế văn hóa, công tác quản lý nhà nước từng bước được kiện toàn và củng cố. Tuy nhiên vẫn còn đó việc chậm đổi mới thể chế, chính sách chưa đầy đủ. Đây là những nội dung được tổng kết từ Hội thảo Văn hóa 2022.

Toàn cảnh Hội thảo Văn hóa năm 2022

Từng bước thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam

Thể chế về văn hóa theo quan điểm của Đảng đã được xác lập nhất quán trong hệ thống pháp luật, khẳng định sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa là của toàn dân, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo và thụ hưởng, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng. Vị trí, vai trò, chức năng, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia xây dựng, phát triển văn hóa được quy định, tạo lập khung pháp lý thuận lợi để văn hóa phát triển bền vững trong sự gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Hệ thống pháp luật đã từng bước thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; đã quy định, điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực, khía cạnh quan trọng của đời sống văn hóa, từ chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng phát triển con người cho tới phát triển toàn diện, đồng bộ môi trường văn hóa, các lĩnh vực văn hóa, đời sống văn hóa, gắn với quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia xây dựng, phát triển văn hóa. Các đạo luật được ban hành đều chú trọng tới việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hướng tới mục tiêu xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong lĩnh vực văn hóa, có 05 Luật gồm Luật Điện ảnh; Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thư viện, 50 Nghị định, 14 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trên 100 Thông tư, Thông tư liên tịch điều chỉnh trực tiếp. Chất lượng, hiệu lực pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa từng bước nâng cao.

Cùng với đó, hệ thống thiết chế văn hóa, tổ chức bộ máy quản lý văn hóa và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa từng bước được kiện toàn và củng cố. Đã bước đầu chú trọng nâng cao năng lực, đổi mới phương thức quản lý, nhằm thúc đẩy sự phát triển và hạn chế những tiêu cực trong đời sống văn hóa, tinh thần.

Nhiều chính sách văn hóa đã được ban hành, tác động tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực văn hóa, tập trung vào các vấn đề lớn về: Phát triển con người Việt Nam toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa, các lĩnh vực văn hóa, đời sống văn hóa, thiết chế văn hóa; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; khuyến khích sáng tạo trong các hoạt động văn hóa; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; xã hội hóa hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; khuyến khích, nâng cao sự tham gia và hưởng thụ văn hóa cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dễ bị tổn thương; khuyến khích hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành chính sách tăng cường nguồn lực cho bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp văn hoá.

Đông đảo đại biểu tham dự trực tiếp tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, Bắc Ninh

Nguồn nhân lực và các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa được bảo đảm tốt hơn

Nguồn nhân lực về văn hóa được quan tâm, hệ thống các cơ sở đào tạo về văn hóa ngày càng được đầu tư nhiều hơn. Theo báo cáo tính đến 30/6/2021, tổng số người làm việc trong lĩnh vực văn hóa là 899.950 người, trong đó, số lượng nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật: 19.751 người; lĩnh vực thể dục thể thao: 10.199 người; lĩnh vực du lịch: 870.000 người, trong đó 18.907 người phục vụ ở cả 03 lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao và du lịch. Cả nước có 40 trường trung cấp, cao đẳng, đại học đào tạo lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; 03 Viện nghiên cứu đào tạo tiến sĩ; khoảng 80 cơ sở đào tạo công lập và tư thục tham gia đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Chính sách đãi ngộ, hỗ trợ đội ngũ văn nghệ sĩ đã được ban hành và dần được hoàn thiện.

Nguồn lực tài chính đầu tư cho văn hóa có xu hướng gia tăng. Nhà nước đã tập trung nguồn lực để phát triển sự nghiệp văn hóa từ nguồn chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Nguồn chi thường xuyên của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cho lĩnh vực văn hóa có xu hướng tăng trong 5 năm gần đây (2018-2022), trung bình khoảng 10.500 tỷ/năm, chiếm khoảng 1,57% trong tổng chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước. Nguồn chi đầu tư được xác định khoảng 1,6 - 1,7% so với tổng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước và tăng dần theo từng giai đoạn. Ngoài ra, lĩnh vực văn hóa được đầu tư thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa (2001-2015), Chương trình mục tiêu về văn hóa (2015-2020); các Chương trình mục tiêu quốc gia khác (giai đoạn 2020-2025).

Nguồn lực huy động từ các doanh nghiệp, xã hội cho phát triển văn hóa được tăng cường, bước đầu khai thác, phát huy có hiệu quả trên một số lĩnh vực như: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; đầu tư, xây dựng thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa; các hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân (mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn,…). Việc đổi mới, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa bao gồm các đơn vị sự nghiệp văn hóa, báo chí, xuất bản, cơ sở giáo dục, đào tạo theo hướng tự chủ, góp phần huy động hiệu quả hơn các nguồn lực xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điểm lại những kết quả đạt được tại Hội thảo

Chậm đổi mới thể chế, chính sách chưa đầy đủ

Bên cạnh những kết quả đạt được thì còn đó những tồn tại hạn chế. Theo đó, thể chế văn hóa còn chậm đổi mới, chưa triển khai đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa, chưa theo kịp với yêu cầu phát triển. Hệ thống pháp luật liên quan tới lĩnh vực văn hóa còn chồng chéo, thiếu đồng bộ. Một số quy định đã lạc hậu nhưng chậm được sửa đổi. Một số văn bản có hiệu lực pháp lý và tính quy phạm thấp, quy định chưa cụ thể. Một số lĩnh vực văn hóa chưa có luật hoặc pháp lệnh điều chỉnh (như nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, xây dựng môi trường văn hóa, thiết chế văn hóa, tuyên truyền cổ động chính trị, quyền và nghĩa vụ của văn nghệ sỹ...), thậm chí chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh (như lĩnh vực văn học). Một số vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn như vấn đề quản lý tư tưởng, đạo đức, lối sống; ứng xử văn hóa trên không gian mạng, vấn đề an ninh văn hóa, an ninh con người trong bối cảnh hội nhập toàn cầu; phát triển công nghiệp văn hóa và sự thích ứng của văn hóa truyền thống trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4... chậm được thể chế hóa.

Việc tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về văn hóa còn yếu nên nhiều quy phạm pháp luật chưa thực sự đi vào cuộc sống. Việc thực thi một số quy định của pháp luật liên quan đến văn hóa còn lúng túng (Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn...). Thể chế về tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp nói chung và trong lĩnh vực văn hóa chậm được hoàn thiện. Việc sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cần được rà soát, đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp.

Hệ thống chính sách về văn hóa còn chưa đầy đủ, nhiều bất cập, hiệu quả còn thấp. Chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa chưa bao quát được toàn bộ các di sản, giá trị văn hóa dân tộc; có trường hợp chưa cụ thể, trong quá trình thực hiện vẫn còn vướng mắc. Chính sách đối với văn học, nghệ thuật chưa được chú trọng, chưa thể hiện tính đặc thù, chưa tạo được sự đột phá; có trường hợp chưa hiệu quả. Có thể kể đến như chính sách ưu đãi trong đặt hàng sáng tác, quảng bá tác phẩm; chế độ nhuận bút, thù lao trong hoạt động nghệ thuật; tôn vinh tài năng và cống hiến của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức còn có những bất cập, vướng mắc, chậm được sửa đổi, nhất là những chính sách cho các nghệ nhân nhân dân, chính sách bảo tồn, phát huy tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian truyền thống.

Cơ chế, chính sách phát triển hệ thống thiết chế văn hóa vẫn chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân; hệ thống thiết chế văn hóa còn thiếu, hoạt động kém hiệu quả, lãng phí. Chính sách văn hóa đối với các dân tộc thiểu số còn hạn chế, kém đồng bộ. Một số chính sách chưa phù hợp với đặc thù vùng, tộc người; thiếu các chính sách quản lý đặc thù. Chính sách khuyến khích sáng tạo chưa được quan tâm đúng mức, còn nhiều vướng mắc. Chính sách cho phát triển công nghiệp văn hóa chưa tương xứng, chậm được ban hành; thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa còn phát triển manh mún.

Các chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần xã hội tham gia đầu tư phát triển văn hóa còn hạn chế, chưa thực sự tạo ra động lực cho các chủ thể tham gia phát triển văn hóa. Chính sách ưu đãi đầu tư, thuế, phí, tín dụng, đất đai cho phát triển sự nghiệp văn hóa còn nhiều hạn chế, bất cập. Luật Đầu tư và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư chưa quy định lĩnh vực văn hóa (PPP) là ngành, nghề được ưu tiên khuyến khích.

Hiệu lực của các quy định về chính sách thuế để phát triển một số ngành, lĩnh vực văn hóa như: Di sản văn hóa, điện ảnh… không cao, chỉ mang tính nguyên tắc trong các luật chuyên ngành; việc áp dụng phụ thuộc vào các quy định cụ thể của từng đạo luật về thuế. Các trường hợp miễn thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp còn chưa đầy đủ, chưa tạo điều kiện cho các cơ sở đang thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa.

Hạn chế cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa

Nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nhất là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, cán bộ làm công tác văn hóa còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Việc phát triển nguồn nhân lực văn hóa gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn. Việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa ở nhiều nơi chưa phù hợp, nhiều bất cập. Số lượng viên chức trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật có trình độ cao ngày càng ít đi. Bố trí, sắp xếp công việc đối với cán bộ làm công tác văn hóa tại cơ sở chưa hợp lý. Việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực văn hóa gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều chuyên ngành về văn hóa, nghệ thuật truyền thống hiện nay rất khó tuyển sinh.

Nguồn lực Nhà nước đầu tư cho phát triển văn hóa còn hạn chế, tương đối thấp so với các lĩnh vực khác, chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của văn hóa. Cơ chế tài chính chưa khuyến khích sự sáng tạo, chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Huy động nguồn lực tư nhân và xã hội tham gia phát triển văn hóa còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các khu vực miền núi, hải đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách khuyến khích xã hội hóa chưa thực sự tạo ra động lực phát huy các tiềm năng sáng tạo văn hóa của nhân dân, chưa chú trọng vai trò quản lý của Nhà nước. Chưa nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò và có giải pháp hiệu quả để phát huy các nguồn lực, tài nguyên văn hóa cho phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa.

Đây là những nội dung được nhìn nhận đầy đủ, toàn diện, khách quan từ Hội thảo Văn hóa 2022. Qua đó, làm cơ sở để đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, hoàn thiện chính sách pháp luật với yêu cầu như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu là phải kiến tạo cho việc chấn hưng và phát triển văn hóa. Chủ tịch Quốc hội làm rõ, nếu như thể chế phát triển chung của nước ta và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đều đặt ra yêu cầu phải kiến tạo phát triển và thúc đẩy hội nhập quốc tế thì thế chế và chính sách về văn hóa phải thực sự đáp ứng được yêu cầu kiến tạo cho việc chấn hưng và phát triển văn hóa; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng về văn hóa, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới và tiếp thu, chọn lọc tinh hoa thế giới.

Bảo Yến

Tác giả: Bảo Yến