Sự kiện. tháng 12/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ThS.Ls Lại Xuân Cường: Hoàn thiện hành lang pháp luật về văn hóa- Vấn đề tiên quyết để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Việt Nam

Tại “Hội thảo Văn hóa 2022”, các đại biểu đã quan tâm đến những nội dung chính như rà soát, phân tích hệ thống chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa. Với tư cách là chuyên gia nghiên cứu pháp luật và tham gia giải quyết các vụ việc thực tiễn, ThS.LS Lại Xuân Cường cho rằng hoàn thiện hành lang pháp luật về văn hóa là vấn đề tiên quyết để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Việt Nam.

“Hội thảo Văn hóa 2022” được tổ chức với mục đích tiếp tục quán triệt và triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhất là các quan điểm, chủ trương mới trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Đồng thời, đây cũng là diễn đàn để các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước thảo luận làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn, làm cơ sở kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã quan tâm đến những nội dung chính như rà soát, phân tích hệ thống chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa. Đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra. Đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa.

Với tư cách là chuyên gia nghiên cứu pháp luật và tham gia giải quyết các vụ việc thực tiễn, ThS.LS Lại Xuân Cường cho rằng hoàn thiện hành lang pháp luật về văn hóa là vấn đề tiên quyết để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Việt Nam.

ThS.LS Lại Xuân Cường

Phóng viên: Luật sư có nhận định như thế nào về việc xây dựng, hoàn thiện nền tảng pháp lý trong lĩnh vực văn hóa, góp phần tăng cường sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước?

ThS.LS Lại Xuân Cường: Với sự đánh giá của cá nhân tôi, việc hoàn thiện hành lang pháp lý toàn diện và hệ thống góp phần tăng cường sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước của văn hóa. Trong lĩnh vực văn hóa, hiện Việt Nam có 5 Luật, gồm: Luật Điện ảnh; Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thư viện. Đồng thời tôi thống kê có khoảng 50 Nghị định, 14 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trên 100 Thông tư, Thông tư liên tịch được điều chỉnh trực tiếp. Các văn bản quy phạm pháp luật đã góp phần thể chế hóa và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về đảm bảo quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng, tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa của người dân. Bên cạnh đó, việc thể chế hóa hệ thống pháp luật đã từng bước giúp điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể trong hệ thống văn hóa theo hướng hài hòa và lành mạnh hơn.

Tôi cũng nhận thấy, việc nỗ lực hoàn thiện khung chính sách đã tạo môi trường thể chế cho phép các ngành công nghiệp văn hóa khai thác, chuyển hóa các nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa. Hệ thống các văn bản pháp luật về thuế, khuyến khích xã hội hóa, thu hút nguồn lực từng bước tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động mọi nguồn lực trong xã hội đầu tư cho văn hóa. Cơ chế, chính sách đang từng bước góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật. Quá trình hoàn thiện thể chế đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, di sản, di tích lịch sử - văn hóa.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, các nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa số bước đầu phát huy hiệu quả. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các hoạt động văn hóa nghệ thuật càng có xu hướng chuyển dịch sang môi trường số. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật không khán giả được phổ biến rộng rãi thông qua các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội…. và đạt hiệu quả cao. Điều này thể hiện sự nhanh nhậy, thích ứng linh hoạt của lĩnh vực văn hóa được độc giả đánh giá cao.

Phóng viên: Với hành lang pháp lý như vậy, Luật sư đánh giá như thế nào về việc tạo môi trường để ngành công nghiệp văn hóa khai thác, chuyển hóa các nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa?

ThS.LS Lại Xuân Cường: Bên cạnh những kết quả đạt được, tôi cho rằng việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực văn hóa vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm.

Theo đánh giá của tôi, hệ thống pháp luật về văn hóa có số lượng lớn nhiều văn bản có hiệu lực pháp lý và tính quy phạm còn chưa cao. Qua thực tiễn giải quyết các vụ việc, tôi nhận thấy, hệ thống văn bản pháp luật về văn hóa, gia đình có khoảng 160 văn bản quy phạm pháp luật, gồm nhiều loại khác nhau từ Luật, pháp lệnh đến Thông tư. Tuy nhiên, nhiều văn bản vẫn còn chồng chéo, làm giảm tính minh bạch khiến cho pháp luật trở lên phức tạp, khó áp dụng. Một số lĩnh vực chưa có Luật hoặc pháp lệnh điều chỉnh như nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh. Chưa kể đến một số lĩnh vực còn chưa có văn bản điều chỉnh rõ ràng, cụ thể như lĩnh vực văn học, quản lý hoạt động trò chơi.

Toàn cảnh Hội thảo

Bên cạnh đó, các quy định pháp luật về huy động nguồn lực chưa thể hiện được rằng văn hóa là ngành nghề được ưu tiên, khuyến khích, phát triển. Do đó, ngành văn hóa gặp phải các “điểm nghẽn”, “rào cản”, theo tôi, một phần cũng là từ đây. Có một vài dẫn chứng như: hiện nay, hiệu lực của các quy định về chính sách thuế trong các luật chuyên ngành chỉ mang tính nguyên tắc về ưu đãi, việc áp dụng phụ thuộc vào các quy định cụ thể của từng đạo luật về thuế. Luật Đầu tư năm 2020 quy định văn hóa là một trong những ngành, nghề được ưu đãi đầu tư, tuy nhiên chỉ giới hạn trong lĩnh vực hẹp là bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong khi văn hóa là lĩnh vực rộng với 9 chuyên ngành. Năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), tuy nhiên chỉ có 5 lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP, trong đó không có lĩnh vực văn hóa. Như vậy, có thể thấy căn cứ Luật Đầu tư và Luật PPP thì lĩnh vực văn hóa chưa hoàn toàn là ngành, nghề được ưu tiên khuyến khích.

Cùng với đó, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định thu nhập được miễn thuế đối với các khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho các hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện…và phần thu nhập không chia của cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế và lĩnh vực xã hội hóa khác để lại đầu tư phát triển cơ sở đó theo quy định của pháp luật chuyên ngành, tuy nhiên lại không có lĩnh vực văn hóa…

Như vậy, từ phân tích trên, có thể nhận thấy việc hoàn thiện hành lang pháp luật về văn hóa là vấn đề quan trọng, vấn đề tiên quyết để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Việt Nam.

Phóng viên: Qua việc đánh giá những tồn tại, hạn chế trong hoàn thiện hành lang pháp luật về văn hóa, Luật sư có đề xuất những giải pháp, chính sách gì cho lĩnh vực này?

ThS.LS Lại Xuân Cường: Hoàn thiện hành lang pháp luật cho một ngành, một lĩnh vực nào đó không phải là vấn đề một sớm một chiều. Chúng ta phải đưa ra những kế hoạch, giải pháp để đảm bảo lộ trình hoàn thiện hành lang pháp lý toàn diện và hệ thống, góp phần vào quá trình khai thác sức mạnh và phát triển ngành văn hóa của đất nước. Đặc biệt, việc nghiên cứu, đánh giá chuyên sâu hệ thống pháp luật về văn hóa trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đi đến tìm kiếm những định hướng, giải pháp, nguyên tắc chung mang tính đồng bộ, khả thi là thực sự cần thiết và là đòi hỏi tất yếu.

Đối với hệ thống pháp luật về văn hóa, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể kể đến một số sản phẩm, dịch vụ văn hóa có xu hướng chuyển dần sang công nghệ số, không gian mạng thách thức các quy định mang tính truyền thống.

Cách mạng công nghiệp 4.0 với nền tảng số, internet toàn cầu, trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra xu hướng mới trong sinh hoạt cộng đồng, gia đình và xã hội với những đô thị, khu dân cư thông minh dễ làm ảnh hưởng tới bản sắc văn hóa cộng đồng truyền thống. Điều này thách thức quy định của pháp luật hiện hành về bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, về các công tác văn hóa cơ sở, về công tác gia đình... . Do đó, đòi hỏi phải nghiên cứu hiện trạng kinh tế - xã hội và nhu cầu sống và làm việc của người dân, để tạo cơ sở pháp lý phù hợp cho các cộng đồng sống và làm việc đa dạng, với sự hỗ trợ của nhiều cấp độ ứng dụng công nghệ thông minh, nhưng vẫn bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống.

Về giải pháp trước mắt, tôi cho rằng, tới đây cần tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi một số Luật chuyên ngành như Luật Đầu tư, Luật PPP, các Luật thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị định về khuyến khích xã hội hóa nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn lực Nhà nước, huy động nguồn lực xã hội và tối ưu hóa nguồn lực nội sinh từ văn hóa. Trong đó sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan để khơi thông nguồn lực từ văn hóa trong hạ tầng của văn hóa, có chính sách phù hợp phát huy, sử dụng có hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, tài sản đặc thù của văn hóa; cơ chế tự chủ tài chính đồng bộ với nhân sự, kế hoạch của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa. Bổ sung các chính sách thúc đẩy phát triển tài năng, tinh hoa trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, nhân lực của ngành văn hóa từ nguồn lực Nhà nước, ưu tiên nhân lực sáng tạo và nhân lực quản lý. Các chính sách về nguồn lực nhà nước đầu tư cho văn hóa cũng cần tính đến chính sách tầm quốc gia, chính sách của địa phương, chính sách đặc thù, chính sách thúc đẩy phát triển văn hóa tinh hoa (văn hóa, nghệ thuật) và hỗ trợ phát triển văn hóa quần chúng.

Về giải pháp lâu dài, việc hoàn thiện hành lang pháp luật trong lĩnh vực văn hóa cần bảo đảm bảo tồn, phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bên cạnh đó, cần coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về văn hóa bằng nhiều biện pháp khác nhau để người dân nhận thức đúng đắn về pháp luật. Từ đó, hình thành lối sống theo pháp luật, kỷ cương, trật tự, an ninh, an toàn xã hội được bảo đảm, xây dựng nếp sống văn minh trong toàn xã hội. Thường xuyên rà soát, tổng kết, đánh giá quá trình tổ chức, triển khai các quy định của pháp luật vào cuộc sống. Khi xây dựng pháp luật, phải nghiên cứu, đánh giá tác động của pháp luật để hệ thống pháp luật ban hành phải đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ, thống nhất và khả thi.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư!

Hồ Hương

Tác giả: Hồ Hương