Sự kiện. tháng 12/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thông điệp Hội thảo Văn hóa 2022 truyền tải ý nghĩa sâu sắc, thiết thực

Vừa qua, Hội thảo Văn hóa 2022 đã thành công tốt đẹp, thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, các cơ quan trong hệ thống chính trị, Nhân dân cả nước. Dư âm của Hội thảo đã vang vọng không chỉ tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, mà còn được đông đảo cử tri theo dõi, bàn luận rộng khắp những ngày qua, truyền tải ý nghĩa sâu sắc, thiết thực và tiếp thêm tinh thần, nhiệt huyết cho những người trực tiếp tham gia công việc xây dựng, phát triển văn hóa.

Truyền tải thông điệp mạnh mẽ và sâu sắc

Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá” đã thành công tốt đẹp, thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, các cơ quan trong hệ thống chính trị, Nhân dân và cử tri cả nước. Quy tụ hơn 800 đại biểu tham dự trực tiếp tại Tp.Bắc Ninh, trong đó có rất nhiều đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành, Hội thảo đã tập trung đánh giá thực trạng về thể chế, ban hành các chính sách và bảo đảm nguồn lực để phát triển văn hoá và con người Việt Nam trong thời gian qua. Hội thảo nhất trí đánh giá những kết quả rất quan trọng đã đạt được, trong đó, khẳng định công tác thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hoá tiếp tục được quan tâm và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Thông điệp về hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả hoạch định và thực thi chính sách, huy động tối đa nguồn lực cho phát triển văn hóa xứng tầm với tiềm năng đất nước đã lan tỏa và tạo dấu ấn mạnh mẽ.

Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, trong những năm qua, quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật đã hình thành nền tảng pháp lý toàn diện và hệ thống góp phần tăng cường sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước của văn hóa. Khung chính sách đã tạo môi trường thể chế cho phép các ngành công nghiệp văn hóa khai thác, chuyển hóa các nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đat được, vẫn còn có các tồn tại, hạn chế như: hệ thống pháp luật về văn hóa có số lượng lớn nhiều văn bản có hiệu lực pháp lý và tính quy phạm thấp, cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan các cấp, giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân chưa chặt chẽ, cơ chế chính sách đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với vai trò, vị trí của văn hóa trong phát triển.

Bàn về định hướng, giải pháp cho thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, cần xác định tập trung khắc phục bất cập, tháo gỡ các điểm nghẽn trong thực thi thể chế thông qua xây dựng, hoàn thiện chính sách có khả năng tạo cơ chế để thúc đẩy phát triển văn hóa trong giai đoạn mới. Cụ thể, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực văn hóa nhằm tạo cơ sở pháp lý để điều chỉnh các quan hệ xã hội về văn hóa, tạo nguồn lực phát triển.

Thêm vào đó, cần tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi một số Luật chuyên ngành như Luật Đầu tư, Luật PPP, các Luật thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị định về khuyến khích xã hội hóa. Tiếp tục triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Hoàn thiện hệ thống chính sách, điều chỉnh xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong đó đặt trọng tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường văn hóa.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, thực tế yêu cầu phải kiến tạo, chấn hưng và phát triển văn hóa, thúc đẩy hội nhập sâu rộng về văn hóa, quảng bá với quốc tế và tiếp thu tinh hoa. Phải bảo đảm các yêu cầu là tạo hành lang pháp lý để tổ chức và triển khai thuận lợi mọi hoạt động văn hóa trong khuôn khổ pháp luật dưới sự lãnh đạo của Đảng; phát huy tối đa năng lực sáng tạo, sự đa dạng và năng động của văn hóa, tạo điều kiện hội nhập thị trường văn hóa quốc tế; chú trọng tính đặc thù của văn hoá, vừa bảo đảm phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm tự do sáng tạo trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn; văn hóa phải là một trong các trụ cột để phát triển bền vững đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận Hội thảo

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn, phát triển văn hóa với tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; giữa lợi ích kinh tế của chủ thể với lợi ích văn hóa của cộng đồng; giữa yếu tố dân tộc và quốc tế; giữa truyền thống và hiện đại; giữa văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa, bác học.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hoàn thiện thể chế về văn hóa phải được tiến hành đồng bộ, kịp thời. Trước hết là rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn thiếu trong các lĩnh vực văn hóa; sửa đổi, bổ sung, khắc phục các bất cập trong các chính sách đã ban hành; kịp thời hoàn thành việc thể chế hóa nghị quyết Đại hội XIII, nhất là những vấn đề mới.

Dấu ấn lớn và kỳ vọng về những thay đổi thiết thực

Tạo hiệu ứng truyền thông lan tỏa và gợi mở nhiều thảo luận sâu sắc trên khắp các diễn đàn là một trong những thành quả dễ thấy trong công tác tổ chức Hội thảo. Dư âm và thông điệp của Hội thảo đã vang vọng không chỉ tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tại các điểm cầu trực tuyến, mà còn được đông đảo cử tri theo dõi, bàn luận rộng khắp những ngày qua, đặc biệt là những người trẻ quan tâm và trực tiếp tham gia vào công việc kiến tạo văn hóa.

Phóng viên: Những nội dung, điểm nhấn nào để lại ấn tượng với anh/chị trong Hội thảo Văn hóa vừa qua? Anh/chị hy vọng gì vào những chuyển biến trong công tác xây dựng, phát triển văn hóa sau Hội thảo lần này?

Trần Thị Tuyết Nhung - Giáo viên Trường THCS Bắc Phú, Hà Nội: Tôi theo dõi nội dung Hội thảo Văn hóa với mục đích nghiên cứu về chủ đề thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình. Những thông tin, thông điệp tại Hội thảo đều có chất lượng chuyên môn cao, có sự gắn bó nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn. Tôi đặc biệt ấn tượng và tâm đắc phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn với nội dung về giáo dục văn hóa và giáo dục để phát triển văn hóa.

Trần Thị Tuyết Nhung - Giáo viên Trường THCS Bắc Phú, Hà Nội

Giáo dục không chỉ bảo lưu, truyền thừa, kế thừa và tiếp nối ổn định cho văn hóa mà còn tạo ra sự đổi mới và đột phá cho văn hóa. Giáo dục là lĩnh vực tạo dựng con người, xây dựng con người, vì vậy giáo dục tạo dựng chủ thể văn hóa, phát triển chủ thể văn hóa, theo đó, giáo dục tác động sâu sắc, toàn diện đến văn hóa. Nội dung giáo dục, mục đích của giáo dục, triết lý của giáo dục, định hướng giáo dục chính là định hướng cho văn hóa. Giáo dục định hướng sự phát triển con người của một dân tộc theo hướng nào thì định hướng văn hóa tương lai của dân tộc theo hướng đó. Chất lượng của nền giáo dục là chất lượng của văn hóa, giới hạn của nền giáo dục là giới hạn của văn hóa.

Tôi hy vọng rằng, từ những thông điệp tại Hội thảo này, tầm quan trọng của giáo dục trong xây dựng, phát triển văn hóa sẽ được quan tâm đúng mức, trong đó, đội ngũ giáo viên là đối tượng cần đặc biệt chú trọng. Muốn học sinh có nhân cách được vun bồi, giàu trải nghiệm, bản thân giáo viên phải sở hữu tâm hồn phong phú, giàu xúc cảm và tri thức. Công tác đào tạo bồi dưỡng và phát triển chuyên môn đối với giáo viên cần được nâng cao để khuyến khích giáo viên tự tin hơn và có thể lồng ghép các hoạt động giáo dục văn hóa nhiều hơn trong các giờ dạy. Cần bồi đắp đam mê, nhiệt huyết, hiểu biết và sức sáng tạo của người giáo viên để giáo dục phát triển văn hoá thực sự đạt được hiệu quả trên thực tế.

Họa sĩ Nguyễn Phương Linh, thành viên Nhóm Nghệ sĩ trẻ Hà Nội: Theo dõi nội dung Hội thảo, tôi đánh giá cao nhiều tham luận sâu sắc, ý nghĩa và toàn diện đã được trình bày. Thành phần tham dự Hội thảo không chỉ là những nhà quản lý, những chuyên gia đầu ngành, mà còn có cả những văn nghệ sĩ, những cá nhân trực tiếp tham gia kiến tạo văn hóa, nên những tham luận, thảo luận đã trình bày không chỉ có tầm cao vĩ mô về mặt thể chế, chính sách phát triển, mà còn bàn đến những vấn đề rất cụ thể của đời sống và con người sáng tạo.

Họa sĩ Nguyễn Phương Linh, thành viên Nhóm Nghệ sĩ trẻ Hà Nội

Một trong những vấn đề đã được nêu ra tại Hội thảo là các thiết chế văn hoá hay những nhà văn hoá cộng đồng của chúng ta hoàn toàn chưa có chính sách hỗ trợ cho sự tiếp cận hay phổ cập văn hoá tới công chúng. Không có cách nhận định phân loại để có chính sách hỗ trợ cho những thể nghiệm, những nghệ sĩ trẻ, những tiềm năng hay tài năng để có thể phát triển, giới thiệu sản phẩm tới công chúng.

Ở các ngành nghệ thuật, rất cần những người có khả năng phân tích, đánh giá một cách công tâm và cởi mở về các tác phẩm mới để định hướng truyền thông. Đó là điều chúng ta đang thiếu, và vấn đề này cũng được nêu rõ tại phiên thảo luận bàn tròn. Với những thảo luận sâu sắc tại Hội thảo cùng những ghi nhận, đối thoại tích cực từ phía các nhà quản lý, tôi hy vọng rằng, thời gian tới lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo sẽ được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để thực sự khởi sắc trong thời gian tới.

Họa sĩ Phạm Bách: Dõi theo thành công của Hội thảo Văn hóa 2022, tôi vui mừng với những sự quan tâm của các cấp, các ngành, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa. Là một ngành đặc thù, giá trị của văn hóa mang lại không được quy đổi nhanh chóng và rõ ràng thành các con số lợi nhuận trước mắt, mà cần được nhìn nhận khách quan, đa chiều về nhiều khía cạnh. Văn hóa là căn cốt đời sống tinh thần của một dân tộc, đồng thời cũng phản ánh trình độ phát triển của cả đất nước. Điều này đã được các đại biểu nhấn mạnh tại Hội thảo, cũng là điều tôi rất tâm đắc.

Họa sĩ Phạm Bách

Tôi hy vọng rằng, từ những thảo luận tại phiên chuyên đề, phiên toàn thể cũng như kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội thảo, tới đây, chính sách, nguồn lực tài chính để đào tạo, trang bị cho những tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật sẽ được chú trọng hơn nữa, để thu hút và khuyến khích những người trẻ mạnh dạn sáng tạo, theo đuổi đam mê và phát huy tinh thần kiến tạo, tạo ra những sản phẩm, tác phẩm đặc sắc, vun đắp cho nền văn hóa nước nhà. Bên cạnh đó, tôi hy vọng rằng có những tổ chức, cơ chế, cách thức hiệu quả hơn nữa để quảng bá, giới thiệu các tác phẩm đặc sắc, có giá trị cao của Việt Nam ra thế giới, mở rộng đường biên giới mềm này để những giá trị đậm đà bản sắc dân tộc được tỏa sáng trên môi trường quốc tế.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn!

Minh Hùng

Tác giả: Minh Hùng
Nguồn:Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội Sao chép liên kết