Sự kiện. tháng 12/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa

Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” tổ chức ngày 17/12, tại Bắc Ninh đã thành công tốt đẹp. Kết quả Hội thảo đã cung cấp cơ sở thực tiễn và lý luận quan trọng trong việc tiếp tục thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành pháp luật và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa.

Diễn ra trong 1 ngày, với 800 đại biểu tham dự trực tiếp, Hội thảo Văn hóa với nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, thẳng thắn, cho thấy bức tranh tương đối toàn diện về văn hóa, cùng nhiều giải pháp thiết thực nhằm mục tiêu chấn hưng và phát triển văn hóa.

Chia sẻ tại Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, nhấn mạnh, sau hơn 35 năm đổi mới, các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã được ghi trong Hiến pháp và cụ thể hóa trong nhiều chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nguồn lực của Nhà nước, của xã hội đầu tư cho văn hóa được nâng lên; hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa không ngừng được mở rộng; đội ngũ làm công tác văn hóa được quan tâm bồi dưỡng, có bước trưởng thành. Đời sống tinh thần của con người, xã hội phong phú, đa dạng hơn, mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân từng bước được cải thiện. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc được phát huy, đồng thời đã xuất hiện những giá trị văn hóa mới, từng bước được định hình trong đời sống.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu cơ bản, cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém đã được Đảng chỉ rõ từ lâu cần khắc phục ngay và trong thời gian tới. Đó là: Môi trường văn hóa bị ô nhiễm và có những diễn biến phức tạp; chất lượng sáng tạo các giá trị văn hóa mới còn nhiều hạn chế, ít các công trình, tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật, khoa học cao; hiệu lực, hiệu quả quản lý văn hóa còn nhiều mặt hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển; việc thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng còn chậm và chưa đồng bộ; nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn hạn hẹp, dàn trải, hiệu quả thấp…

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa  đề nghị, trong thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; xác định rõ, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị; đẩy mạnh nghiên cứu, xác định, tuyên truyền và triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa và xây dựng con người với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, vùng và địa phương, từng cơ quan, đơn vị.

Cùng quan điểm, phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, ngành VHTTDL đang phải đối mặt với những khó khăn, vướng mắc về nguồn lực cho phát triển văn hoá. Trong đó, vẫn còn “khoảng trống” trong khung khổ pháp lý để phát triển văn hoá. Đặc biệt, một số lĩnh vực văn hoá chưa có Luật hoặc Pháp lệnh điều chỉnh như: nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; xây dựng môi trường văn hóa, thiết chế văn hóa, tuyên truyền cổ động chính trị, quyền và nghĩa vụ của văn nghệ sỹ...Một số lĩnh vực thậm chí chưa có văn bản điều chỉnh như lĩnh vực văn học, quản lý hoạt động trò chơi...

Thẳng thắn nhận trách nhiệm với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực văn hóa đã có những “khoảng trống” trong công tác tham mưu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng kiến nghị, Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo ủng hộ việc rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực văn hóa nhằm lấp đầy các “khoảng trống về pháp lý” tạo cơ sở, nguồn lực phát triển văn hoá như: Sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa nhằm thể chế hoá đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng về bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hoá; đẩy mạnh phân công, phân cấp và xã hội hoá công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hoá và phát triển…;  Sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo với cách tiếp cận quảng cáo là một ngành công nghiệp văn hoá; Nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất xây dựng các Luật chuyên ngành văn hoá ở các lĩnh vực chưa có Luật điều chỉnh như nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật nhiếp ảnh triển lãm;...

Thông tin tại Phiên thảo luận bàn tròn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cho biết theo Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện Đề án định hướng chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa XV có dự kiến chương trình xây dựng pháp luật thì nhiệm vụ lập pháp trong lĩnh vực văn hóa đề ra 5 nhiệm vụ cụ thể là sửa đổi Luật Điện ảnh (đã hoàn thành); nghiên cứu rà soát Luật Di sản văn hóa; nghiên cứu rà soát Luật Báo chí, Luật Xuất bản và nghiên cứu để ban hành mới luật về nghệ thuật biểu diễn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cũng lưu ý, đây là định hướng nhưng các cơ quan quản lý và các cơ quan hữu quan cần chủ động rà soát, đánh giá tình hình thực tiễn để chủ động đề xuất hoàn thiện chứ không chỉ bó hẹp như định hướng đã đề ra./.

Lê Anh

Tác giả: Lê Anh