Sự kiện. tháng 12/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thành công “Hội thảo Văn hóa 2022”: Đào tạo nguồn nhân lực văn hóa sẽ được chú trọng, khơi dậy đam mê ''giữ lửa'' của thế hệ tương lai

Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu trong phiên thảo luận “Hội thảo Văn hóa 2022” là việc phát triển nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Quan tâm theo dõi “Hội thảo Văn hóa 2022” qua các nền tảng mạng xã hội, nhiều sinh viên theo học khối ngành văn hóa kỳ vọng việc đào tạo nguồn nhân lực văn hóa sẽ được chú trọng hơn nữa, qua đó khơi dậy đam mê giữ lửa dân tộc của thế hệ tương lai.

Nguồn nhân lực văn hoá nghệ thuật: Cần đột phá về số lượng và chất lượng

Tại “Hội thảo Văn hóa 2022”, một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu trong phiên thảo luận là việc phát triển nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Lực lượng này đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Trong những năm gần đây, các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước đã quan tâm đến đào tạo, phát triển nguồn nhân lực văn hoá nghệ thuật và đạt được những kết quả nhất định. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, hướng tới xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp để nguồn nhân lực văn hoá nghệ thuật đạt được những đột phá về chất lượng, số lượng, cơ cấu, đáp ứng yêu cầu của thời đại trong bối cảnh mới.

Toàn cảnh "Hội thảo Văn hóa 2022"

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Đinh Công Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nêu rõ, ngành văn hoá, nghệ thuật là ngành đặc thù, do đó nhân lực của ngành trước hết là những người phải hiểu văn hoá nghệ thuật. Hiện nay, nguồn nhân lực văn hoá, nghệ thuật vẫn còn phải đối diện với một số vấn đề cần giải quyết. Cụ thể, về chuyên môn, một số bộ phận nguồn nhân lực văn hoá nghệ thuật chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng. Về ngoại ngữ, năng lực ngoại ngữ còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc giao lưu, hội nhập quốc tế. Về năng lực sáng tạo, chưa thực sự theo kịp đổi mới sáng tạo với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

PGS.TS Đinh Công Tuấn đề nghị cần hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật phát triển nguồn nhân lực văn hoá, nghệ thuật; tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho phát triển nguồn nhân lực ngành văn hoá, nghệ thuật. Nhà nước tăng cường đầu tư tài chính, cơ sở vật chất cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực văn hoá, nghệ thuật; đầu tư cho các cơ sở đào tạo văn hoá nghệ thuật, tạo môi trường hiện đại, đồng bộ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên; đảm bảo tốt các điều kiện để thực hành nghề nghiệp, đổi mới sáng tạo.

PGS.TS Đinh Công Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội phát biểu

Bên cạnh đó, PGS.TS Đinh Công Tuấn đề nghị nâng cao chất lượng đào tạo và tái đào tạo nguồn nhân lực văn hoá nghệ thuật. Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần triển khai những chương trình đào tạo tiên tiến với sự đầu tư có trọng tâm trọng điểm cho các trường đại học văn hoá nghệ thuật. Các trường sử dụng đội ngũ giảng viên cơ hữu kết hợp mời chuyên gia trong nước và ngoài nước. Mời chuyên gia đào tạo chuyên sâu chuyên môn kết hợp với học tại các tổ chức văn hoá nghệ thuật. Đào tạo lý thuyết kết hợp với thực hành.

Đóng góp ý kiến tại “Hội thảo Văn hóa 2022” về vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật thường bị xem nhẹ hơn so với các hoạt động kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật.

Các đại biểu tham dự "Hội thảo Văn hóa 2022"

Các chuyên gia, nhà quản lý nêu rõ, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức đối với các cấp, ngành và toàn xã hội về công tác xây dựng, phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách về xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực lĩnh vực này.

Cụ thể, cần ban hành một số cơ chế, chính sách ưu tiên cho phát triển đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật, thể thao ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung chính sách và cơ chế tài chính để tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển đội ngũ cán bộ, nhân lực lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Đam mê theo học các ngành văn hóa, hi vọng giữ lửa dân tộc của thế hệ tương lai

Lưu giữ giá trị truyền thống, phát huy giá trị những nét đẹp của ông cha trong bối cảnh đời sống thời đại mới không chỉ là trăn trở của các học giả, mà còn là niềm đam mê của không ít người trẻ đang theo học khối ngành văn hóa. Với niềm đam mê và tinh thần học hỏi, nhiều bạn trẻ đã quan tâm theo dõi “Hội thảo Văn hóa 2022” qua các nền tảng mạng xã hội, đồng thời cũng đưa ra nhiều góc nhìn mới mẻ về vấn đề phát triển nguồn nhân lực văn hóa.

Phóng viên: Anh/chị có nhận xét gì sau khi theo dõi “Hội thảo Văn hóa 2022”. Theo cá nhận anh/chị, sự thành công của Hội thảo có ý nghĩa như thế nào với việc phát triển nguồn nhân lực văn hóa trong tương lai?

Đặng Mỹ Hà - K62 Lớp BC11B Khoa Viết văn - báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội: Theo dõi “Hội thảo Văn hóa 2022” diễn ra vào ngày 17/12 trên các nền tảng số của Truyền hình Quốc hội, không chỉ riêng em mà nhiều sinh viên, học viên theo học ngành văn hóa phấn khởi khi được nghiên cứu, tìm hiểu thêm các chính sách về văn hóa. Qua Hội thảo, các sinh viên, học viên có thể nắm rõ hơn chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa. Đồng thời, nắm được các kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa.

Đặng Mỹ Hà - K62 Lớp BC11B Khoa Viết văn - báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội

Tại Hội thảo, các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong và ngoài nước đã trao đổi, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền về thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh cho việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị vă hóa và con người Việt Nam theo Nghị quyết của Đảng.

Đối với cá nhân em, đây là một trong những Hội thảo về văn hóa lớn đầu tiên mà em được theo dõi. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với những sinh viên đam mê theo học ngành văn hóa như chúng em, khơi dậy được đam mê nghiên cứu, bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc trong thời kỳ hội nhập.

Nguyễn Ngọc Thùy Trang - K62 Quản trị du lịch, Khoa du lịch, Đại học Văn hóa Hà Nội: Em đã ấp ủ đam mê theo học ngành văn hóa du lịch từ rất lâu. Em muốn nghiên cứu, khai thác các giá trị văn hóa để phát triển du lịch. Theo em, Việt Nam là đất nước có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Du lịch Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ, đang từng bước khẳng định là một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Em hi vọng, sau khi tốt nhiệp tại trường đại học, bản thân sẽ có khả năng sáng tạo, xây dựng các chương trình, dự án phát triển du lịch, các hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội có liên quan ở các địa phương. Tổ chức khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương để kinh doanh du lịch đạt hiệu quả tối ưu, phát triển duy lịch gắn liền với bản sắc văn hóa của địa phương. Tuy nhiên, không riêng gì em, nhiều sinh viên ngành du lịch cũng quan tâm về các chính sách phát triển nhân lực ngành du lịch trong thời gian tới; những khó khăn, rào cản để du lịch Việt Nam vươn ra tầm thế giới.

Nguyễn Ngọc Thùy Trang - K62 Quản trị du lịch, Khoa du lịch, Đại học Văn hóa Hà Nội

Qua nghe các diễn giả trình bày tham luận tại Hội thảo, em cảm thấy phấn khởi, tự tin vào ngành học của mình trong tương lai với nhiều chính sách phát triển nhân lực văn hóa nói chung và nhân lực du lịch nói riêng; nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về sự nghiệp phát triển du lịch thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Từ đó, nhiều cơ chế, chính sách được triển khai ở các cấp từ Trung ương đến các địa phương, thu hút đầu tư, cải thiện cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng du lịch, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao thương hiệu, tạo ra sự phát triển đột phá cho ngành du lịch trong thời kỳ mới.

Lý Hà Lê- Học viên cao học chuyên ngành Di sản học, Khoa các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội: Nhiều bạn trẻ hiện nay có xu hướng theo học những ngành học hiện đại hơn rất nhiều, tuy nhiên bản thân em lại muốn theo học ngành Di sản học. Bởi cá nhân em rất yêu thích các di sản văn hóa của Việt Nam. Các giá trị này mang đến nét đẹp trong văn hóa dân tộc, là các đặc trưng và ý nghĩa đối với các thế hệ, qua các đời con cháu. Và do đó, chúng ta cần có trách nhiệm trong bảo vệ, gìn giữ đối với các giá trị lâu đời, giá trị dân tộc đó.

Sự thay đổi trong nhận thức chính sách và hành động giúp Việt Nam đạt được một số thành công nhất định trong việc bảo vệ di sản văn hóa, cũng như kết hợp một cách hài hòa, cân bằng giữa di sản văn hóa và phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh các thành quả đã đạt được, việc cân bằng và kết hợp một cách hài hòa giữa di sản văn hóa và phát triển chưa được như mong muốn, đặc biệt là ở khía cạnh bền vững.

Lý Hà Lê- Học viên cao học chuyên ngành Di sản học, Khoa các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội theo dõi Hội thảo Văn hóa trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Theo dõi Hội thảo, em cảm nhận được nhiều thông điệp rất quan trọng xoay quanh chủ đề của Hội thảo, đó là việc làm sao để thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa. Đây chính là thành công rất lớn của Hội thảo. Riêng đối với lĩnh vực di sản học, các diễn giả đã đưa ra giải pháp khắc phục cách nhìn một chiều trong sử dụng nguồn tài nguyên di sản văn hóa; tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị, tính đa dạng của di sản văn hóa; tôn trọng và nhận thức đúng về vai trò của chủ thể di sản văn hóa; giảm thiểu các nhóm lợi ích, công bằng trong chia sẻ lợi ích; xây dựng chiến lược truyền thông sâu rộng về di sản văn hóa và phát triển.

Em rất vui, phấn khởi khi được biết lãnh đạo các Bộ, ngành, chuyên gia nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực văn hoá là "khâu đột phá" trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Cần sớm xây dựng chiến lược và cơ chế, chính sách đầu tư để phát triển toàn diện cả về chất lượng, số lượng, cơ cấu nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nhất là văn học, nghệ thuật và công nghiệp văn hóa; kết hợp đào tạo trong nước và ngoài nước.

Bên cạnh đó, cũng nhiều có đề xuất đề nghị cần có chính sách đặc thù đầu tư phát triển các trường, ngành đào tạo trong lĩnh vực văn hóa, nhất là những môn nghệ thuật truyền thống như: kịch hát dân tộc, tuồng, chèo, cải lương, dân ca các dân tộc ít người... Bảo đảm cơ chế, chính sách thuận lợi cho hợp tác đào tạo trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Bổ sung, hoàn thiện chính sách đãi ngộ, tôn vinh một cách xứng đáng cả về vật chất và tinh thần đối với cống hiến thực tế của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân, cán bộ ngành văn hóa.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn!

Hồ Hương

Tác giả: Hồ Hương
Nguồn:Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội Sao chép liên kết