Sự kiện. tháng 12/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sự chủ động của quốc hội trong hoàn thiện thể chế, chính sách phát huy giá trị văn hóa Việt Nam

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng văn hóa, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển bền vững của đất nước. Một trong những định hướng lớn được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định là phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là một trong các đột phá chiến lược.

Toàn cảnh "Hội thảo Văn hóa 2022"

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quán triệt quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất", nhấn mạnh nhiệm vụ phải “sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người”, bảo đảm phù hợp với "tính đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật”, “phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hóa”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, đã luôn chú trọng thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, tăng cường hoạt động giám sát, thông qua các quyết định quan trọng nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi mọi quyết sách của Quốc hội phải sát với thực tế trong nước và tình hình thế giới, trên cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và luận cứ khoa học, thực tiễn vững chắc.

Quốc hội từ các khóa trước đây đã tổ chức nhiều diễn đàn lớn nhằm huy động và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, của cử tri, Nhân dân cả nước, của các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước, đóng góp kịp thời vào các quyết sách của Quốc hội. Nhiều gợi ý chính sách tại các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu để xây dựng, ban hành các quyết sách, ứng phó kịp thời với bối cảnh, tình hình mới của đất nước.

Với tinh thần chuẩn bị “từ sớm, từ xa”, tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, hướng tới kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943 - 2023), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Ninh và một số cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tổng kết Hội thảo

Ngày 17/12/2022, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh, dưới sự chủ trì của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội thảo, Hội thảo đã diễn ra với sự tham dự của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế; đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và liên quan tới văn hóa.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị và nhân dân, nhất là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương. Trước Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được 105 bài tham luận. Các bài tham luận được chuẩn bị tâm huyết, chất lượng, có giá trị, đã được biên tập, đưa vào tài liệu Hội thảo. Tại Hội thảo, đã có hơn 800 đại biểu tham dự trực tiếp tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh và đông đảo đại biểu, cử tri và nhân dân theo dõi trên các nền tảng trực tuyến và tại 10 điểm cầu là các cơ sở đào tạo, nghiên cứu về văn hóa, đại diện sở văn hóa, thể thao và du lịch trong cả nước. Trước, trong và sau Hội thảo đã có 53 cơ quan thông tấn, báo chí tham dự, đưa tin về hoạt động này.

Hội thảo đã nghe phát biểu khai mạc của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; báo cáo đề dẫn, gợi ý thảo luận của Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; báo cáo tham luận của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; phát biểu chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; phát biểu kết luận Hội thảo của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các tham luận, ý kiến phát biểu, thảo luận của lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các địa phương, các chuyên gia trong và ngoài nước. 02 phiên thảo luận bàn tròn đã trao đổi toàn diện các vấn đề liên quan về thể chế, chính sách, nguồn lực cho phát triển văn hóa. Trong không khí sôi nổi, các ý kiến tham luận trí tuệ, sâu sắc và trách nhiệm, có tính xây dựng cao trên tinh thần chia sẻ, dân chủ, cởi mở, thẳng thắn và thiết thực.

Các tham luận và phát biểu tại Hội thảo đã khẳng định chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" là nội dung lớn, quan trọng và thiết thực. Đây cũng là vấn đề khó, được xác định là một trong những điểm nghẽn lớn trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Việc lựa chọn chủ đề và cách thức tổ chức Hội thảo cho thấy cách tiếp cận đúng đắn, khoa học và hiệu quả của Quốc hội trong tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của nền văn hóa quốc gia, dân tộc. Thể chế đóng vai trò định hướng, dẫn dắt, tạo khung khổ cho việc tổ chức, vận hành nền văn hóa quốc gia. Thể chế, chính sách là công cụ hữu hiệu để quản lý phát triển văn hóa; bảo đảm cho việc phân bổ hợp lý các nguồn lực để phát triển văn hóa. Nguồn nhân lực, vật lực, tài lực là điều kiện cần để xây dựng nền văn hóa quốc gia, dân tộc; là “lực lượng sản xuất” để tạo ra những sản phẩm văn hóa, giá trị văn hóa, trong đó, con người luôn là nguồn lực trung tâm, quan trọng nhất, tạo ra cơ chế, chính sách, là chủ thể quyết định việc khai thác và sử dụng các nguồn lực khác.

Các tham luận, ý kiến phát biểu, thảo luận, trao đổi tại Hội thảo đã tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững đất nước; tập trung rà soát những khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam; làm sáng tỏ các cơ sở chính trị, cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn, đề xuất các chính sách và giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021.

Bảo Yến

Tác giả: Bảo Yến