Sự kiện. tháng 12/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế: Nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống

Khẳng định Thừa Thiên Huế luôn ý thức sâu sắc giá trị văn hóa truyền thống là tài sản vô giá của các thế hệ tiền nhân để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau, góp phần quan trọng vào ổn định xã hội và tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà tại Hội thảo Văn hoá 2022, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống.

Khó khăn trong bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống

Với vị trí trọng yếu, là địa bàn mang tính chiến lược nên Huế luôn được lựa chọn để xây dựng trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa... tương ứng với thời kỳ là thủ phủ của các chúa Nguyễn, rồi kinh đô của 2 triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn. Chính điều này đã tạo tiền đề làm cho Huế có mật độ di sản dày đặc, nhiều loại hình phong phú. Trong đó có 7 di sản được UNESCO vinh danh: Quần thể Di tích Cố đô Huế; Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ.

Diện mạo Quần thể Di tích Cố đô Huế ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực

Sau khi được UNESCO công nhận di sản thế giới, diện mạo Quần thể Di tích Cố đô Huế ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực, vượt qua giai đoạn “cứu nguy khẩn cấp” để chuyển sang giai đoạn “ổn định và phát triển bền vững” với gần 200 công trình và hạng mục công trình được tu bổ, phục hồi, tôn tạo; đồng thời đã di dời hơn 1.800 hộ dân ra khỏi khu vực I bảo vệ di tích. Ngoài ra, công tác điều tra, nghiên cứu, sưu tầm văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng. Tập trung xây dựng và khai thác có hiệu quả các sản phẩm thương hiệu đặc trưng như  “Huế - Kinh đô ẩm thực”, “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”, “Huế - Thành phố Lễ hội”.

Trong những năm qua, các kỳ Festival Huế được tổ chức thành công đã góp phần khẳng định vị trí về chính trị, văn hóa và du lịch, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế. Khai thác du lịch, dịch vụ từ di sản đã đóng vai trò chủ đạo của kinh tế địa phương (chiếm từ 51-53% GDP, trong đó dịch vụ, du lịch từ di sản văn hóa chiếm tỷ trọng chính). Nhiều năm liền, Thừa Thiên Huế luôn được bình chọn là điểm đến an toàn thân thiện của du lịch Việt Nam.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều cơ chế, chính sách để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá truyền thống như:

Một là, cơ chế chính sách đặc thù theo Nghị quyết 38/2021/QH15 của Quốc hội. Trong đó, cho phép giữ lại toàn bộ phí thu tham quan di tích để thực hiện việc đầu tư trùng tu di tích. Trong những năm qua, HĐND tỉnh cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết để hỗ trợ trùng tu di tích từ nguồn thu vé tham quan. Cùng với đó, Quốc hội cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế. Cơ chế đặc thù với việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản có thể huy động các nguồn lực từ ngân sách qua sự hỗ trợ của các địa phương, từ các cá nhân, tổ chức… cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế.

Hai là, xây dựng chính sách “Hỗ trợ đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế”: Ngày 3.12.2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND về Bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng (nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế) trên địa bàn tỉnh. Tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư tu bổ, tôn tạo, bảo quản các di tích này đến năm 2030 khoảng 268 tỷ đồng. Hiện nay, việc tu trùng các di tích này được các cơ quan, ban, ngành, địa phương và đơn vị trực tiếp quản lý di tích bám sát nội dung để thực hiện.

Ba là, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập: Nhận thấy vai trò và tầm quan trọng của của các bảo tàng ngoài công lập, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND ngày 7.12.2020 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế với các nội dung chủ yếu như hỗ trợ giá thuê cơ sở nhà, đất phục vụ hoạt động bảo tàng ngoài công lập; hỗ trợ hoạt động trưng bày, triển lãm; đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ quảng bá hình ảnh.

Bốn là, chính sách bảo tồn và pháy huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể: Tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và xây dựng kế hoạch làm hồ sơ trình Bộ VHTT và DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể. Hiện nay có 3 di sản đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Ca Huế (2015), Nghề dệt Dèng của dân tộc Tà Ôi (2016) và Lễ hội truyền thống A Da Koonh (Mừng lúa mới) của người Pa Cô; và đang triển khai việc lập hồ sơ khoa học di sản Nghề may đo và tập quán sử dụng Áo dài truyền thống Huế đề nghị Bộ VHTT và DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Năm là, chính sách về nguồn nhân lực phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản: Nguồn nhân lực luôn được xác định là nguồn lực quan trọng trong mọi quá trình phát triển. Ngày 3.11.2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 225/KH-UBND về xây dựng đội ngũ trí thức, phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa. Hiện nay, nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng được yêu cầu công việc và nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế.

Tuy nhiên, việc thực hiện các cơ chế chính sách và huy động nguồn lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn những bất cập, khó khăn như: 

Những bất cập liên quan đến việc lập quy hoạch và khoanh vùng bảo vệ di tích. Khi Luật Di sản văn hóa có hiệu lực, đã quy định khu vực bảo vệ di tích gồm 2 khu vực, những quy định trước đây trái với Luật này đều bãi bỏ, tức là hồ sơ di tích có 3 khu vực khoanh vùng bảo vệ phải lập lại hồ sơ khoanh vùng bảo vệ di tích để phù hợp với quy định mới. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện, do vậy gây khó khăn cho việc hoàn chỉnh hồ sơ khoanh vùng bảo vệ Quần thể di tích Cố đô Huế. Điều này gây khó khăn cho công tác kêu gọi nguồn lực đầu tư tạo ra các sản phẩm du lịch gắn liền với các di tích nhằm phát huy giá trị của các di tích.

Nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thực tế các di tích cần chống xuống cấp kịp thời. Hệ thống di tích phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh, do thời tiết khắc nghiệt và nhiều yếu tố tác động nên rất nhiều di tích bị xuống cấp cần được trùng tu kịp thời. Tuy nhiên, nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách Nhà nước và nguồn huy động xã hóa để thực hiện tu bổ, phục hồi di tích trong thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn vì đòi hỏi nguồn lực lớn.

Khó khăn trong việc huy động các nguồn lực để thực hiện công tác hồi hương các cổ vật có nguồn gốc từ Việt Nam bị lưu lạc ra nước ngoài. Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài, có cả thất bại và thành công, có thể thấy thủ tục, quy định khi mua cổ vật phải trải qua rất nhiều công đoạn như: thành lập hội đồng xét duyệt, thẩm định giá trị, niên đại, lai lịch của hiện vật, đàm phán về mức giá… tạo ra sự chậm trễ, khó khăn trong quá trình đấu giá để đưa các cổ vật có giá trị về nước cũng như khuyến khích, huy động hiệu quả các cá nhân, tổ chức cùng tham gia vào công tác hồi hương các cổ vật.

Giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi chính sách và huy động nguồn lực

Để khắc phục những bất cập, khó khăn nêu trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình nêu một số kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả thực thi chính sách và huy động nguồn lực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình

Theo đó, cần tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa để khắc phục sự chồng chéo, vướng mắc trong vấn đề khoanh vùng bảo vệ đối với các di tích đã được lập theo các quy định trước khi Luật Di sản văn hóa có hiệu lực thi hành.

Cùng với đó, bố trí nguồn vốn triển khai Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị Di sản văn hóa Việt Nam theo Quyết định 1230/QĐ-TTg ngày 15.7.2021 và Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam được phê duyệt theo Quyết định 2026/QĐ-TTg ngày 2.12.2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt xem xét xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng và phát triển văn hóa.

Đồng thời, các Bộ, Ngành Trung ương cần xem xét, tiếp tục hỗ trợ bố trí kinh phí để thực hiện hoàn thành dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế và các dự án tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh. Cho phép thí điểm mô hình xã hội hóa một số điểm di tích.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách đãi ngộ và đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nhằm thu hút các nhân tài phục vụ công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Đặc biệt, tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế bảo tàng, ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp để kịp thời phát triển hệ thống bảo tàng Việt Nam.

Có thể nói, việc nâng cao hiệu quả thực thi chính sách và huy động các nguồn lực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống sẽ giữ gìn, phát huy những di sản quý giá, trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội Thừa Thiên Huế theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thu Phương

Tác giả: Thu Phương