Sự kiện. tháng 12/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhìn nhận về điểm nghẽn thể chế trong phát triển công nghiệp văn hóa từ Hội thảo Văn hóa 2022

Sau 6 năm thực hiện “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, 12 ngành công nghiệp văn hóa đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần khơi thông để phát triển, thực sự trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội. Đây là những nội dung đã được chỉ ra tại Hội thảo Văn hóa 2022.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, đến nay, 6 năm trôi qua nhưng việc phát triển công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn, nhiều điểm nghẽn cần được tháo gỡ. Một trong những điểm nghẽn được chỉ ra là từ thể chế, chính sách khi mà Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá được gấp rút triển khai, nhưng nhiều chính sách, thể chế hiện đã cũ, lạc hậu, không phù hợp với thực tế.

Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam GS.TS Từ Thị Loan

Chỉ rõ điểm nghẽn về thể chế, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam GS.TS Từ Thị Loan cho biết, hiện nay việc thể chế hóa các chủ trương đường lối phát triển công nghiệp văn hóa còn rất chậm và nhiều lúng túng, chưa tạo được hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trong Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đã đề ra mục tiêu đến năm 2015 phải ban hành pháp lệnh nghệ thuật biểu diễn, pháp lệnh về mỹ thuật, nhiếp ảnh; đến năm 2020 ban hành luật nghệ thuật biểu diễn và luật mỹ thuật nhiếp ảnh. Nhưng đến nay các cơ quan vẫn đang loay hoay với các nghị định, do đó hiệu lực hiệu quả quản lý và phát triển còn hạn chế, GS.TS Từ Thị Loan nhấn mạnh.

Nhắc đến những điểm nghẽn trong việc phát triển công nghiệp văn hoá cơ chế quản lý tiền kiểm hay hậu kiểm là chủ đề được dư luận quan tâm trong giai đoạn lấy ý kiến sửa đổi Luật Điện ảnh. Theo Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, hậu kiểm hay tiền kiểm chỉ là phương pháp; điều quan trọng là phải quản lý tốt.

Từ góc độ của những người làm nghệ thuật, nhạc sĩ Quốc Trung – một trong những nhà sản xuất âm nhạc hàng đầu ở Việt Nam chia sẻ, những người làm nghệ thuật không sợ nhiều quy định mà sợ quy định không rõ ràng, không cụ thể. Bởi khi những sản phẩm đã làm ra rồi nhưng lại vướng ở quy định sẽ gây khó khăn cho người làm sáng tạo. Đồng thời khi có luật thì cần có những quy định mang tính “đi trước” có tầm nhìn, định hướng cho sự phát triển thay vì “đi sau” chỉ để giải quyết vướng mắc.

Còn từ phía doanh nghiệp, Tổng Giám đốc BHD Ngô Bích Hạnh cho rằng, thể chế chính sách chưa có sự hỗ trợ cho phát triển công nghiệp văn hóa dẫn đến các doanh nghiệp tự nhân không có được sự điều tiết thông qua chính sách của nhà nước.

Hiện nay, văn hóa đã trở thành một mũi nhọn trong phát triển bền vững. Để làm được điều này cần có thể chế hóa, nhận diện đúng các giá trị của văn hóa và tạo cơ chế thúc đẩy. Những kết quả thu được từ Hội thảo Văn hoá 2022 đã mở ra những hi vọng về sự đổi thay mạnh mẽ trong việc thể chế hoá các chính sách và nguồn lực để phát triển văn hoá. Nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn, chỉ rõ những bất cập, khúc mắc, không phù hợp với thực tế đã tồn tại nhiều năm nay, khiến nền văn hoá Việt Nam nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng đang đối diện với sự phát triển chậm và manh mún. Nhiều đề xuất được đưa ra được coi là cơ sở để nghiên cứu hoạch định chính sách để các cơ quan quản lý nhà nước sớm gỡ những điểm nghẽn trong thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá Việt Nam.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, điểm nghẽn về cơ chế hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hoá cũng đã được những người làm chính sách đề cập và đưa ra định hướng giải quyết. Huy động đầu tư là điều cần khuyến khích, tuy nhiên lĩnh vực văn hoá không phải là lĩnh vực dễ định lượng nên cần phải có sự xem xét cẩn trọng về hình thức hợp tác đầu tư này.

Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Chính phủ là chính sách chung nhưng không thể phát triển theo kiểu dàn trải mà cần phải có sự đầu tư tập trung, bài bản. Mỗi địa phương cần có những cách làm riêng để đẩy mạnh công nghiệp văn hóa của địa phương mình, đồng thời có sự kết nối với những địa phương khác, vùng khác để tạo thành sức mạnh tổng thể đưa những giá trị văn hóa của đất nước vươn xa hơn và lan toả mạnh mẽ hơn.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết mục tiêu về một Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa được Bộ đang xây dựng sẽ tập trung vào 6 dự án thành phần, gồm: dự án phát triển môi trường văn hoá lành mạnh để nâng cao chất lượng cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hoá cơ sở; dự án về phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và nguồn nhân lực quản trị văn hoá đây là yếu tố về con người; dự án về bảo tồn, phát huy bền vững văn hoá phi vật thể và vật thể; đầu tư để hoàn thiện các thiết chế văn hoá và tạo không gian văn hoá sáng tạo; dự án về phát triển công nghiệp văn hoá; thực hiện phát triển văn hoá đối ngoại.

Trong bối cảnh hiện nay, dư âm của đại dịch COVID-19 cùng với xung đột địa chính trị, biến động khó lường của kinh tế thế giới, khu vực ảnh hưởng đến phát triển du lịch thì việc phát triển công nghiệp văn hóa để đạt mục tiêu tới năm 2030 có đóng góp vào GDP 7% là thách thức lớn. Do đó, để Hội thảo Văn hóa thực sự thành công thì sau hội thảo cần tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, cơ chế cho phát triển công nghiệp văn hóa, giải phóng sức lao động, sản xuất của văn hóa, sức sáng tạo của văn nghệ sĩ từ đó thúc đẩy sự phát triển.

Bảo Yến

Tác giả: Bảo Yến