Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến hoạt động văn học, có nhiều chính sách hỗ trợ các nhà văn sáng tác và xuất bản tác phẩm
Con người – nguồn lực không thể thay thế
Theo Nhà thơ Hữu Việt, trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nói chung và sáng tác văn học nói riêng, việc bồi dưỡng, vun đắp, xây dựng nguồn lực con người là quan trọng nhất. Đó chính là nguồn lực cơ bản, duy nhất để sáng tạo thành tác phẩm. Bởi vì văn học, nghệ thuật có tính đặc thù, là phạm trù của tài năng, của cá thể mang tính quyết định. Các nguồn lực khác tuy cũng rất quan trọng, nhưng chỉ mang tính hỗ trợ mà không thể thay thế tài năng được.
Việc đưa ra đề xuất về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển sáng tác văn học phải là phục vụ cho phát triển nguồn lực người cầm bút, việc đầu tiên và quan trọng nhất là đầu tư cho tài năng. Tài năng ở đâu? Tìm ra nó thế nào? Để rồi nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho tài năng trở nên rực rỡ, kết tinh trong tác phẩm? Theo Nhà thơ Hữu Việt, lĩnh vực nào cũng vậy, tài năng phải bắt đầu đi tìm từ tiềm năng ở những người trẻ tuổi.
Ở nước ta rất ít nhà văn chuyên nghiệp
Có thể nói ở nước ta rất ít nhà văn chuyên nghiệp, theo nghĩa nhà văn ấy chỉ làm việc và sống bằng ngòi bút. Hầu hết họ đều phải làm một công việc nào đó ngoài văn chương để mưu sinh. Nghĩa là họ có thể viết hoặc không viết cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến cuộc sống vật chất của họ cả.
Đời sống văn học hiện nay rất đa dạng, phong phú. Số đông các nhà văn là những công chức, viên chức nhà nước, lực lượng vũ trang, hoặc làm ở các hội nghề nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu hoặc trong các ngành “cận văn chương” như báo chí, xuất bản… với đồng lương đủ sống và họ viết văn như một thôi thúc hoặc nhu cầu tự thân. Vì số tuổi trung bình của các nhà văn hội viên hiện nay khá cao (từ 50 tuổi trở lên chiếm khoảng 70-80%), nên nhiều hội viên đã qua tuổi nghỉ hưu, đồng nghĩa với cường độ làm việc và năng lực sáng tạo có phần giảm sút.
Số khác là những doanh nhân sau khi bươn chải trong cuộc sống phải tạm thời gác lại mộng văn chương, nay công việc đã ổn định, họ quay lại với đam mê văn học của mình. Số khác là những người có vốn sống phong phú từ thực tiễn quản lý, chiến đấu, lao động, sản xuất…, đến khi nghỉ hưu bắt đầu viết hồi ký, tự truyện, hoặc công bố nhật ký, ghi chép dưới hình thức tác phẩm văn học. Số khác lại là những người làm nghề tự do hoặc nội trợ, họ có thể tập trung trong một thời gian cụ thể để sáng tác văn chương cá nhân, khi xong lại quay về với công việc của mình.
Nhà thơ Hữu Việt chia sẻ, Nhà văn nữ Tống Ngọc Hân có lần kể, ban ngày chị vừa bán hàng tạp hóa vừa viết bằng điện thoại. Tối về nhà chị mới đổ văn bản vào máy tính và sửa chữa thành truyện ngắn, thậm chí là tiểu thuyết. Lại có những nhà văn nổi tiếng, thành danh hiện ít viết nhưng vẫn tham gia vào đời sống văn chương bằng sách tái bản, viết báo hoặc diễn giả tại các hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu về văn học. Đại đa số những người này là hội viên của Hội nhà văn Việt Nam hoặc các hội văn học, nghệ thuật địa phương. Đây dù không phải là tất cả, nhưng họ là lực lượng chủ lực của văn đàn hiện nay.
Để có một thế hệ nhà văn tương lai tài năng như chúng ta mong muốn
Đề cập kỹ hơn về lực lượng viết văn trẻ, Nhà thơ Hữu Việt cho biết, hiện nay một số lượng khá đông người viết văn, làm thơ, dịch thuật, viết lý luận phê bình là các cây bút trẻ, xin lấy mốc là tuổi đời từ 40 trở xuống. Không thể không nhắc tới những cây bút trẻ đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy tuổi đời dưới 35 nhưng họ sở hữu một “gia tài” tác phẩm và giải thưởng như: Đinh Phương, 6 tập truyện ngắn và tiểu thuyết, đạt giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam 2021, giải nhì cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn Nghệ quân đội; Lữ Thị Mai 33 tuổi, 10 đầu sách bao gồm thơ, trường ca, truyện ngắn, tản văn; Phan Đức Lộc, 26 tuổi, 6 đầu sách gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, đạt nhiều giải thưởng văn chương; Lê Quang Trạng, 25 tuổi, hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam, 4 tập thơ và truyện ngắn, đạt nhiều giải thưởng văn chương, gần đây nhất là Cuộc thi văn học tuổi 20 của NXB Trẻ…
Nhà thơ Hữu Việt, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam
Nhưng phải thành thật nói rằng, hiện nay đa số cây bút trẻ được trang bị kiến thức tốt, tuy say mê sáng tác, viết ngày, viết đêm, một số nổi lên thành tiềm năng, hy vọng; thế rồi bỗng nhiên họ ngừng sáng tác, rời khỏi văn đàn nhẹ nhàng như lúc họ đến. Dường như văn chương với người trẻ bây giờ chỉ là một cuộc chơi, viết để thỏa mãn chính mình, xong rồi thôi hoặc chuyển sang làm công việc khác. Rất khó gọi ra tên những người viết thật sự dấn thân; tương tự, chưa gọi được ra những tác phẩm, thậm chí chi tiết thật sự gây ám ảnh cho người đọc.
Để có một thế hệ nhà văn tương lai tài năng như chúng ta mong muốn, chúng ta cần có một nguồn lực tài chính, một chiến lược bài bản, kiên trì để cung cấp kiến thức văn chương và tri thức tổng hợp cho các nhà văn trẻ. Bởi vì, ngoài nỗ lực tự đào tạo, vốn được coi là công việc bắt buộc của người cầm bút, thì chỉ có sự hỗ trợ và đầu tư từ nguồn lực Nhà nước, thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nhà văn Việt Nam, các tổ chức văn học khác…, mới có thể đưa những cây bút trẻ tiềm năng đến những trường Đại học tốt nhất, những trung tâm văn học thế giới, hoặc ở mức thấp hơn, tới những cộng đồng văn chương ở đẳng cấp cao để những cây bút đó thu lượm, tích lũy, học hỏi, làm giàu tri thức, hiểu biết và nâng tầm bản thân, hướng tới những cuộc chinh phục đỉnh cao văn chương trong tương lai. Hoặc theo cách ít tốn kém hơn mà vẫn hiệu quả, đó là hằng năm chúng ta có nguồn kinh phí để mời những tên tuổi lớn của văn học thế giới sang Việt Nam thỉnh giảng, giao lưu, trao đổi với các nhà văn Việt Nam, đặc biệt là các nhà văn trẻ về văn học thế giới.
Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích và nguồn lực mạnh mẽ thu hút và khuyến khích người viết trẻ thông qua các cuộc thi, bằng các giải thưởng văn học mang giá trị cao, để người viết trẻ nào còn phân vân ở lằn ranh giữa viết và không viết, giữa “ở lại với văn chương” hay “rời đi làm công việc khác” được cổ vũ khích lệ, khi có thành công thì họ sẽ vững tâm đi tiếp. Giá như giải thưởng văn chương mà chỉ cần bằng một phần nhỏ giải thưởng của các cầu thủ bóng đá của chúng ta thôi, thì chắc người cầm bút có thể yên tâm ngồi ở nhà 1-2 năm để tập trung cho việc sáng tạo. Cổ vũ, động viên cho những người viết trẻ, chính là cổ vũ cho tương lai của văn học.
Phải “sống” rồi mới “viết”
Theo nhà thơ Hữu Việt, phải sống rồi mới viết, có thực mới vực được đạo, nhất là trong thời đại hiện nay. Do vậy, Nhà nước có chính sách hỗ trợ các cây bút trẻ xuất bản tác phẩm, có những thiết chế phù hợp để khuyến khích các cây bút trẻ, tạo sự quan tâm, trân trọng của toàn xã hội với hoạt động văn chương, để người viết trẻ thấy mình cần phải xứng đáng với sự quan tâm đó khi ngồi trước trang giấy trắng.
Muốn viết ra tác phẩm lớn, trước tiên phải có tài năng, đó là điều hiển nhiên. Một nền văn học không phải do số đông làm nên, mà có khi chỉ một vài cá nhân kiệt xuất lại có thể đại diện được cho cả một nền văn học. Vì tài năng vốn hiếm, hiếm nên quý, nên rất cần được phát hiện, nâng niu, dìu dắt, hỗ trợ từ sớm cho đến khi nó thật sự thành một cái gì đó.
Khai phóng sức sáng tạo
Đối với các hoạt động văn học và đội ngũ những người cầm bút hiện nay, Nhà thơ Hữu Việt đề nghị cần sớm thể chế hóa các chủ trương của Đảng liên quan đến hoạt động văn học và sáng tác văn học thành chính sách, pháp luật. Việc thể chế hóa sẽ làm tường minh các hoạt động văn học, và một phần nào đó sức sáng tạo cho nhà văn sẽ được khai phóng.
Mặc dù Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến hoạt động văn học, có nhiều chính sách hỗ trợ các nhà văn sáng tác và xuất bản tác phẩm. Tuy nhiên, sự đầu tư vẫn còn dàn trải, chưa có trọng tâm, nên hiệu quả chưa thật cao. Nên chăng, việc đầu tư phải tập trung, thông qua các dự án, các đề cương sáng tác, xuất bản theo cơ chế đặt hàng nghiêm cẩn.
Chú trọng quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới
Bên cạnh đó, cần sớm có quỹ dịch thuật, giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới và tổ chức việc này càng sớm càng tốt. Nghị quyết Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8 (cách đây hơn 10 năm) về việc thành lập Viện dịch thuật tác phẩm văn học Việt Nam đã được rất nhiều người trong giới hoan nghênh, chờ đợi. Các cuộc bàn bạc đã được tiến hành ngay sau đó, nhưng đến nay một Viện dịch thuật như vậy vẫn chưa thấy đâu. Việc dịch và giới thiệu tác phẩm văn học Việt Nam hiện nay chủ yếu là các nỗ lực cá nhân, không có chiến lược, bài bản, dẫn tới hiệu quả không cao, thậm chí khiến bạn đọc thế giới hiểu chưa đúng về diện mạo văn chương Việt.
Cần sớm có quỹ dịch thuật, giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới
Những năm gần đây, các hoạt động như Festival thơ quốc tế tổ chức tại Việt Nam, Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam có các đại diện tham gia các tổ chức văn học thế giới (như Hội Nhà văn Á - Phi) đã khiến văn học Việt Nam được thế giới biết đến nhiều hơn. Năm vừa qua, lần đầu tiên Hội đồng Giải thưởng Nobel đã gửi thư đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam đưa ra đề cử ứng viên cho Giải thưởng Nobel Văn học hằng năm, có nghĩa là tiếng nói của văn học Việt Nam đã được thế giới chú ý, coi trọng.
Nhà thơ Hữu Việt cho rằng, đây mới là sự biết đến “bề nổi” còn bề sâu phải là tác phẩm được dịch và đến với độc giả thế giới. Để làm được điều này, không có cách nào khác là phải đưa bằng được tác phẩm văn học của Việt Nam đến với thế giới thông qua dịch thuật và một chiến lược quảng bá kiên trì, bài bản./.