Sự kiện. tháng 12/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao hiệu quả thực thi chính sách văn hóa

Chính sách văn hóa là một bộ phận hợp thành của chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Nhiệm vụ hoạch định chính sách văn hóa được giao cho các chủ thể, cơ quan có thẩm quyền; việc thực thi chính sách văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Hội thảo Văn hóa 2022.

Theo TS. Nguyễn Thị Mai Anh, Trưởng ban Ban Văn hóa – Xã hội (Tạp chí Cộng sản), “Chính sách văn hóa quốc gia” là tổng thể các quan điểm, các nguyên tắc, các chuẩn mực, mục tiêu, giải pháp và các công cụ mà nhà nước sử dụng để tác động lên lĩnh vực văn hóa nhằm bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Chính sách văn hóa là một bộ phận hợp thành của chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Nhiệm vụ hoạch định chính sách văn hóa được giao cho các chủ thể, cơ quan có thẩm quyền; việc thực thi chính sách văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng cho rằng, trong thời gian tới chúng ta cần tập trung ưu tiên việc thực thi chính sách văn hóa, đặc biệt là từ cấp độ địa phương. 

PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Để nâng cao hiệu quả thực thi chính sách văn hóa, cần nâng cao chất lượng chính sách văn hóa. Thực tế chính sách văn hóa ở Việt Nam, bên cạnh những chính sách đảm bảo chất lượng, cũng có những chính sách chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống, cần phải điều chỉnh. Quay lại chu trình chính sách, để nâng cao chất lượng chính sách, cần coi trọng quy trình hoạch định chính sách từ việc nghiên cứu cơ sở lý luận, nâng cao năng lực của cơ quan hoạch định chính sách và dân chủ hóa quá trình hoạch định chính sách. Đặc biệt, cần thu hút đối tượng chính sách và người dân, các cơ quan, tổ chức liên quan vào hoạt động tư vấn, giám định và phản biện trước khi ban hành chính sách. Chẳng hạn, chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cần được hoạch định dựa trên kết quả nghiên cứu về văn hóa, phong tục tập quán của 54 dân tộc, cần có sự tư vấn, phản biện của các chuyên gia, các cơ quan nghiên cứu về văn hóa, về dân tộc, các cán bộ văn hóa ở địa phương và tiếng nói của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên cả nước.

Bên cạnh đó, muốn nâng cao hiệu quả thực thi chính sách văn hóa, cần đảm bảo đủ nguồn lực cho thực thi chính sách. Trong các Nghị quyết của Đảng, văn hóa được xác định là nội dung trọng tâm, văn hóa đi liền với phát triển. Tuy nhiên trong thực tiễn, không phải mọi chính sách văn hóa đều được đầu tư đúng mức về nguồn lực. Việc chuẩn bị nguồn lực không đầy đủ và phân bổ không phù hợp sẽ gây ra những trở ngại trong quá trình thực thi chính sách. Để đảm bảo nguồn lực cho thực thi chính sách, ngoài sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn lực do nhà nước đầu tư, cần thực hiện xã hội hóa tối đa để có thêm nguồn lực cho thực thi chính sách. Có thể huy động những nguồn lực (nhân lực, vật lực, kinh phí...) từ các địa phương, khai thác sự tài trợ của các tổ chức quốc tế và các chính phủ, vận động nguồn lực từ các doanh nghiệp, trong nhân dân nhằm giảm bớt chi phí từ ngân sách nhà nước. Nguồn kinh phí cũng cần phân bổ và sử dụng đúng mục đích. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng kinh phí và đánh giá hiệu quả.

Để thực thi chính sách văn hóa có hiệu quả, cần tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ thực thi chính sách đúng thẩm quyền, chức năng, đúng chuyên môn. Cần khắc phục tình trạng phân tán về nguồn lực, quyền lực và trách nhiệm không rõ trong thực thi chính sách văn hóa. Giao cho cơ quan hành chính các cấp và hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa theo ngành dọc là bộ máy chủ trì thực thi các chính sách văn hóa. Tổ chức thực hiện một cách khoa học, phân công trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, cá nhân liên quan; xác định người chịu trách nhiệm chính và những người tham gia phối hợp trong quá trình tổ chức thực thi chính sách. Trong phân công nhiệm vụ, cần chú ý đến năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, đúng người đúng việc, tránh tình trạng chồng chéo nhiệm vụ và không rõ trách nhiệm.

Đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm và tăng cường phối hợp giữa các bên trong thực thi chính sách. Việc chưa phân định rõ trách nhiệm và phối hợp giữa cấp trên với cấp dưới, giữa các cơ quan cùng cấp với nhau, giữa cơ quan thực thi chính sách với đối tượng chính sách cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiệu quả thực thi chính sách hiện nay chưa cao. Do đó, để góp phần nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cấp trên cần tăng cường mối liên hệ, kiểm tra, giám sát điều chỉnh đối với hoạt động thực thi chính sách của cấp dưới; thông qua nhiều biện pháp để tăng cường sự trao đổi và phối hợp với các cơ quan, tổ chức đoàn thể cùng cấp để tránh sự chồng chéo, trùng lặp về nhiệm vụ, trách nhiệm.

Cần tăng cường sự tiếp nhận và ủng hộ của đối tượng chính sách thông qua việc: đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của đối tượng chính sách; tăng cường sự tham gia của đối tượng chính sách trong quá trình hoạch định chính sách hay ban hành kế hoạch thực thi chính sách; đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền chính sách…

Thực tiễn cho thấy, khi nào có được sự đồng thuận và ủng hộ của đông đảo người dân thì chính sách văn hóa được triển khai thuận lợi cũng như việc thực thi chính sách mang lại hiệu quả cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách rất quan trọng. Bằng nhiều biện pháp và nguồn lực khác nhau, phải làm sao để các nhà tổ chức thực thi chính sách, các lực lượng tham gia, các đối tượng chịu ảnh hưởng của chính sách và các tầng lớp nhân dân đều có thể hiểu, thực hiện và kiểm tra chính sách. 

Văn hóa bao gồm tất cả các khía cạnh của đời sống xã hội, do đó, đối tượng tác động của chính sách văn hóa rất rộng. Nâng cao hiệu quả thực thi chính sách cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để có những phát hiện, điều chỉnh, khắc phục, xử lý kịp thời những hạn chế, sai phạm (nếu có) trong chu trình chính sách. Đồng thời, thông qua đó để phát huy nhân tố tích cực góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Trọng Quỳnh

Tác giả: Trọng Quỳnh