Sự kiện. tháng 12/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa

Tại Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề  “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” đã đưa ra nhiều mổ xẻ, phân tích, đề xuất về thể chế chính, sách để bổ sung, tập trung nguồn lực cho phát triển văn hóa trong giai đoạn tới.

Nguồn lực ít ỏi, phân tán, dàn trải

GS.TS Từ Thị Loan, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia

Tại hội thảo, GS.TS Từ Thị Loan, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, đánh giá đội ngũ để phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đang thiếu trầm trọng. Trong khi các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc có một Cục riêng để quản lý công nghiệp văn hóa thì ở Việt Nam chỉ có một bộ phận nhỏ phụ trách lĩnh vực này đặt trong Cục Bản quyền tác giả. Thêm vào đó, do thu nhập thấp, chế độ tiền lương và điều kiện làm việc chưa tương xứng, cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ, bổ nhiệm chưa minh bạch nên ngành rất khó thu hút nhân tài.

GS.TS Từ Thị Loan cũng đánh giá việc đào tạo, bồi dưỡng tài năng ở nước ta còn nhiều bất cập. Gần đây, các trường văn hóa nghệ thuật ngày càng khó chiêu sinh. Mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ, dẫn đến sinh viên tốt nghiệp nhiều khi không đủ kỹ năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Theo Nhạc sĩ Quốc Trung, việc đầu tư về thời gian, nguồn lực tạo sự tập trung sáng tạo cho một sản phẩm nghệ thuật ở ta còn quá thấp so với thế giới, vì vậy khó có tác phẩm đỉnh cao. Năng lực sáng tạo, nền âm nhạc của chúng ta còn khá hạn chế, chưa đủ mạnh, không đủ để đề kháng trước những làn sóng văn hóa nước ngoài.

Nhạc sĩ Quốc Trung

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững đất nước, tăng dần mức chi ngân sách cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, đầu tư cho văn hóa đang thấp so với yêu cầu thực tiễn và còn phân tán, hiệu quả chưa cao. Nhìn một cách tổng quát, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với tăng cường đầu tư cho nguồn lực để phát triển văn hóa đã được nhận thức một cách toàn diện và sâu sắc. Tuy nhiên, từ thực tiễn đến triển khai vẫn còn khoảng cách.

Theo GS.TS Từ Thị Loan, mặc dù nguồn lực đầu tư cho văn hóa nói chung đã tăng lên so với giai đoạn trước, song vẫn còn rất thấp so với yêu cầu thực tiễn. Tổng hợp báo cáo của 55/63 tỉnh, thành cho thấy chi cho các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao chỉ đạt 1,72% tổng chi ngân sách nhà nước cấp. Đầu tư công cho văn hóa thông tin giai đoạn 2021 - 2025 chỉ chiếm 0,95% tổng kế hoạch vốn đầu tư công của cả nước. Công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác còn rất nhiều hạn chế. Thêm vào đó, cách đầu tư cho văn hóa cũng dẫn tới dàn trải, lãng phí.

Điều này cũng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng,: "Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao"; và yêu cầu "Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa. Trong quá trình đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, Nhà nước cần chú trọng đầu tư vào dòng chủ lưu của văn hóa cách mạng để làm nòng cốt và dẫn dắt, truyền cảm hứng chủ đạo trong việc bồi dưỡng, tâm hồn, tình cảm trong sáng, lành mạnh, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội". 

Nhà nước quy định hàng năm chi cho hoạt động văn hóa chiếm 1,8% tổng chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, tổng hợp báo cáo của 55/63 tỉnh, thành phố cho thấy tỷ lệ chi cho các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch chỉ đạt 1,72% tổng chi ngân sách nhà nước cấp về các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Báo cáo số 16/BC-BVHTTDL ngày 22/1/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2020). Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, nguồn ngân sách Trung ương (bao gồm cả vốn trong nước và vốn nước ngoài) cho lĩnh vực văn hóa - thông tin chỉ chiếm 0,95% tổng kế hoạch vốn đầu tư công của cả nước.

Không đâu xa, ngay tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, đầu tư cho văn hóa còn rất thấp, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước. 

Tập trung, khơi thông mọi nguồn lực

Các chuyên gia cho rằng, chi tiêu ngân sách cho văn hóa thường gặp tính giới hạn và phải tuân thủ các quy định ngặt nghèo, muốn tạo đột phá phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức. Đổi mới nhận thức bắt đầu từ quan niệm đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho phát triển, không chỉ tạo lập nền tảng tinh thần, đạo đức, tư tưởng cho phát triển bền vững, mà còn góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Từ đó, nâng chi tiêu cho văn hóa lên 2% tổng chi ngân sách, phù hợp với đà tăng trưởng và quy mô của nền kinh tế. Đầu tư công cho văn hóa phải đạt ngưỡng, mang tính tập trung, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, đào tạo nhân lực văn hóa, xây dựng các sản phẩm văn hóa đặc sắc mang thương hiệu quốc gia. 

Phiên thảo luận bàn tròn tại Hội thảo Văn hóa 2022

Tại Hội thảo, các ý kiến thảo luận, tham luận đã chỉ rõ các cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn để hoàn thiện chính sách huy động các nguồn lực cho phát triển văn hóa. Để huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển văn hóa, các đại biểu cho rằng, cần phát huy đầy đủ nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, cả trong nước và ngoài nước.

Nguồn lực nhà nước chỉ đạt được vai trò, sức mạnh khi đầu tư đạt ngưỡng, mang tính tập trung. Tài chính công là nguồn lực quan trọng hàng đầu cho phát triển văn hóa. Khả năng, quy mô, tốc độ huy động và hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính thông qua các chính sách tài khóa, tiền tệ, đất đai là yếu tố có tính nền tảng bảo đảm cho phát triển văn hóa, nhất là các ngành công nghiệp văn hóa. Cần đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng hiệu quả tài chính công phục vụ phát triển văn hóa theo hướng vận dụng nguyên tắc cạnh tranh, tăng cường tính tập trung, bảo đảm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư”, “đầu tư công lôi kéo đầu tư xã hội”. Do đó, việc xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa để tập trung nguồn lực thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa giai đoạn 2022- 2030 là giải pháp đúng đắn, khoa học, hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, nguồn lực doanh nghiệp cho phát triển văn hóa cũng phải được nhìn nhận toàn diện, đặc biệt là nguồn nhân lực quản lý, quản trị hoạt động doanh nghiệp, nguồn lực công nghệ gắn với chuỗi sản phẩm và dịch vụ văn hóa mang tính đặc thù của thị trường văn hóa. Cần thu hút đầu tư tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch, sản phẩm thương mại mang bản sắc, văn hóa Việt Nam. Khuyến khích doanh nghiệp dịch chuyển nguồn lực đầu tư phát triển các sản phẩm và dịch vụ văn hóa hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận.

Nguồn lực xã hội rất phong phú và to lớn; hình thành theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản của các chủ thể xã hội. Để khai thác, phát huy hiệu quả nguồn lực này, cần phải xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, bảo tồn “tĩnh” và bảo tồn “động” trong đời sống cộng đồng.

Để huy động hiệu quả các nguồn lực ngoài nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng, cần rà soát, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực của các chính sách ưu đãi đầu tư, thuế, tín dụng, đất đai, ghi công cho các khoản đóng góp, tài trợ trong lĩnh vực văn hóa; điều chỉnh cơ chế tài chính để khuyến khích sáng tạo, phù hợp với đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khuyến khích hình thành các quỹ hỗ trợ trong lĩnh vực văn hóa.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa sẽ giúp cho việc thu hút, sử dụng nguồn lực phát triển văn hóa hiệu quả hơn. Phân tách một cách rõ ràng hơn giữa đơn vị sự nghiệp có khả năng cung ứng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa theo cơ chế thị trường và những đơn vị cung ứng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa thuần công. Thúc đẩy đối tác công tư (PPP) trong phát triển sự nghiệp văn hóa.

Đồng thời, tăng cường mở rộng liên kết, hợp tác, tạo nguồn lực quan trọng để phát triển văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa. Chú trọng các cơ chế, chính sách phát huy năng lực sáng tạo, nâng cao năng lực quản lý của nhà nước.

Nhấn mạnh việc sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho văn hóa, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, các chuyên gia kiến nghị cần quy định cụ thể mức đầu tư tối thiểu cho văn hóa từ ngân sách nhà nước (ví dụ, 1,8 - 2%) bằng các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thể chế hóa Nghị quyết trên bằng các quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong phân bổ ngân sách nhà nước cho từng giai đoạn để các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện. Đặc biệt, khẩn trương xây dựng và ban hành các chính sách cụ thể hóa Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021./.

Thu Phương

Tác giả: Thu Phương
Nguồn:Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội Sao chép liên kết