Sự kiện. tháng 12/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo Văn hóa 2022: Thống nhất kiến nghị 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung làm ngay

Phát biểu tổng kết Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" được tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 1 ngày tổ chức khẩn trương khoa học, Hội thảo đã hoàn thành toàn bộ chương trình dự kiến đề ra. Hội thảo cũng đã thống nhất kiến nghị 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp cần tập trung làm ngay.

Được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Bắc Ninh và trực tuyến, Hội thảo có sự tham gia của khoảng 800 đại biểu tham gia trực tiếp tại Bắc Ninh trong đó có nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành chuyên gia nhà khoa học các cơ sở nghiên cứu, đại diện tổ chức quốc tế.

Bên cạnh nhà quản lý, người làm công tác khoa học có nhiều đại biểu là người trực tiếp làm công tác văn hóa. Có khoản 2000 đại biểu theo dõi trực tuyến qua 10 điểm cầu. Có 10.000 người theo dõi Hội thảo qua Cổng thông tin điện tử Quốc hội và website chính thức của Hội thảo; có trên 30.000 người theo dõi rên nền tảng trực tuyến và khoảng 200.000 người tiếp cận trên nền tảng số. Có 53 cơ quan thông tấn báo chí với khoản 150 phóng viên trực tiếp tham gia đưa tin về sự kiện.

Hội thảo đã góp phần tiếp tục thấm nhuần quan điểm, thông suốt tư tưởng và xác định việc phải làm về thể chế chính sách và nguồn lực để hiện thực hoa mục tiêu yêu cầu chấn hưng, phát triển văn hóa để văn hóa ngang hàng chính trị và kinh tế.

Về nội dung của hội thảo, Hội thảo đã đánh giá thực trạng công tác thể chế hóa, ban hành các chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Hội thảo nhất trí đánh giá những kết quả đã đạt được; khẳng định công tác thể chế hóa quan điểm chủ trương của đảng tiếp túc được quan tâm đạt được kết quả nổi bật.

 

Quang cảnh Hội thảo

Chủ tịch Quốc hội đã điểm lại một số kết quả cơ bản, trong đó có từng bước khắc phục tình trạng luật khung luật ống; song song với đó các thiết chế văn hóa, bộ máy, quản lý văn hóa ngày càng được hoàn thiện. Nhiều chính sách văn hóa được ban hành tác động tích cực, thúc đẩy phát triển lĩnh vực văn hóa như phát triển con người Việt Nam toàn diện, xây dựng môi trường văn hóa, lĩnh vực văn hóa, đời sống văn hóa. Cùng với đó, nguồn nhân lực và các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa ngày càng được đảm bảo tốt hơn.

Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác xây dựng thể chế, ban hành chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa còn tồn tại nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc. Một số vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn chậm được thể chế. Khâu thực thi vẫn là khâu yếu. Thể chế tự chủ đơn vị sự nghiệp nói chung và các đơn vị trong lĩnh vực văn hóa chậm hoàn thiện. Hệ thống chính sách còn bất cập hiệu quả thấp. Chính sách phát triển công nghiệp văn hóa chậm ban hành…. Các chính sách khuyến khích xã hội hóa chưa thực sự tạo ra động lực phát huy tiềm năng sáng tạo văn hóa. Cơ chế tài chính chưa khuyến khích sự sáng tạo, chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Cả về nhân lực, vật lực và tài lực còn những hạn chế. Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và cán bộ làm công tác văn hóa còn nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Tài nguyên văn hóa nhất là di sản, các làng nghề…chưa được khai thác hết.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Hội thảo cũng đã đề cập đến nhiều vấn đề bảo đảm thể chế và nguồn lực. Về thế chế và chính sách về văn hóa, liên quan văn hóa, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải kiến tạo cho việc chấn hưng và phát triển văn hóa, thúc đẩy hội nhập sâu rộng về văn hóa, quảng bá với quốc tế và tiếp thu tinh hoa.

 

Hội thảo đã đề cập đến nhiều vấn đề bảo đảm thể chế và nguồn lực, chính sách cho phát triển văn hóa

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại Hội thảo cũng thống nhất 9 nhóm chính sách lớn, quan trọng, cần được tập trung nghiên cứu, thể chế hóa để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo sự phát triển đột phá cho phát triển văn hóa. Theo đó, chính sách phát triển con người Việt Nam toàn diện. Con người là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu, là mục tiêu của sự phát triển. Chính sách xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh với các trọng tâm là xây dựng đời sống văn hóa; phát triển và quản lý hệ thống hạ tầng, thiết chế và không gian văn hóa đồng bộ, hiệu quả. Chính sách nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm truyền thông, thúc đẩy quảng bá, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống; có chính sách đầu tư để phát triển truyền hình và phát thanh trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn.

Cùng với đó là các chính sách: Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; chính sách thúc đẩy sự phát triển văn học nghệ thuật. Chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, cần tập trung nghiên cứu, hoàn thiện nhóm chính sách, để tạo đột phá cho phát triển bền vững ngành công nghiệp văn hóa. Chính sách đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực văn hóa. Chính sách phát triển nguồn nhân lực văn hóa – đây là được coi là "khâu đột phá" trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Chính sách thúc đẩy hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

 

Hội thảo Văn hóa 2022 đã thống nhất kiến nghị 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp cần tập trung làm ngay

Về nguồn lực cho phát triển văn hóa, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Hội thảo đã chỉ rõ, để hoàn thiện chính sách huy động các nguồn lực cho phát triển văn hóa cần phát huy đầy đủ nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, cả trong nước và ngoài nước.

Từ đó, Hội thảo cũng đã thống nhất kiến nghị 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp cần tập trung làm ngay.

Một là, sớm xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa với 9 nhóm chính sách đã được chỉ ra tại Hội thảo là các nội dung quan trọng để xây dựng khung chính sách cho Chương trình này.

Hai là, rà soát các nội dung về văn hóa trong 02 Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tiếp thu các ý kiến có giá trị tại Hội thảo để có những điều chỉnh phù hợp, đạt kết quả tốt hơn.

Ba là, tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược, chương trình, đề án về xây dựng văn hóa công sở, văn hóa học đường, văn hóa doanh nghiệp, ngoại giao văn hóa…

Bốn là, đầu tư các công trình văn hóa mang tính biểu tượng quốc gia và thời đại Hồ Chí Minh. Phát triển các sản phẩm văn hóa có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng, phấn đấu có các tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm

Năm là, đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa để thu hút, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.

Sáu là, đẩy mạnh thu hút đầu tư cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch, sản phẩm thương mại mang bản sắc văn hóa Việt Nam.

Bảy là, chú trọng các cơ chế, chính sách phát huy, tạo điều kiện, khuyến khích, năng lực sáng tạo của các chủ thể văn hóa./.

Trọng Quỳnh

Tác giả: Trọng Quỳnh