Sự kiện. tháng 12/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo Văn hóa 2022: Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cản trở sự phát triển văn hóa

Diễn ra trong 01 ngày tại Trung tâm Văn hóa Kinh Băc, tỉnh Bắc Ninh, Hội thảo Văn hóa 2022 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với các đơn vị tổ chức đã tập trung rà soát, đề xuất những giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, đặc biệt là những "điểm nghẽn" cản trở sự phát triển văn hóa hiện nay.

Toàn cảnh Hội thảo Văn hóa năm 2022

 

Hội thảo đã đánh giá những kết quả đạt được trong công tác xây dựng thể chế, ban hành các chính sách và đảm bảo nguồn lực cho phát triển văn hóa. Trong đó, công tác thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng tiếp tục được quan tâm, đạt nhiều kết quả nổi bật, thể hiện trên một số mặt: Thể chế về văn hóa theo quan điểm của Đảng đã được xác lập nhất quán trong hệ thống pháp luật, khẳng định sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa là của toàn dân, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo và thụ hưởng, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng.

Vị trí, vai trò, chức năng, quyền và nghĩa vụ của của các chủ thể tham gia xây dựng, phát triển văn hóa được quy định, tạo lập khung pháp lý thuận lợi để văn hóa phát triển bền vững trong sự gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Hệ thống pháp luật đã từng bước thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; đã quy định, điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực, khía cạnh của đời sống văn hóa, từ chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng phát triển con người cho tới phát triển toàn diện, đồng bộ môi trường văn hóa, các lĩnh vực văn hóa, đời sống văn hóa. Các đạo luật được ban hành đều chú trọng tới việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hướng tới mục tiêu xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Chất lượng, hiệu lực pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa từng bước nâng cao, hạn chế được tình trạng "luật khung, luật ống".

Nhiều chính sách văn hóa đã được ban hành, tác động tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực văn hóa, tập trung vào các vấn đề lớn về: Phát triển con người Việt Nam toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa, các lĩnh vực văn hóa, đời sống văn hóa, thiết chế văn hóa; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo. Khuyến khích sáng tạo trong các hoạt động văn hóa; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; xã hội hóa hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Khuyến khích nâng cao sự tham gia và hưởng thụ văn hóa cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dễ bị tổn thương; khuyến khích hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Các chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa được ban hành, đã tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động các nguồn lực xã hội; bước đầu khai thác, phát huy có hiệu quả trên một số lĩnh vực như: bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; đầu tư, xây dựng thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa; các hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân (mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn,…). Việc đổi mới, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước  trong lĩnh vực văn hóa theo hướng tự chủ, góp phần huy động hiệu quả hơn các nguồn lực xã hội.

Hệ thống chính sách về văn hóa còn nhiều bất cập, hiệu quả còn thấp. Chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa chưa bao quát được toàn bộ vốn di sản văn hóa dân tộc; có trường hợp chưa cụ thể, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc. Chính sách đối với văn học, nghệ thuật chưa tạo được sự đột phá, chú trọng, chưa đầy đủ tính đặc thù của văn học, nghệ thuật; có trường hợp chưa hiệu quả.

Tuy nhiên, thể chế văn hóa còn chậm đổi mới, chưa theo kịp với yêu cầu phát triển. Hệ thống pháp luật liên quan tới lĩnh vực văn hóa còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, một số quy định nhanh chóng bị lạc hậu. Nhiều văn bản có hiệu lực pháp lý và tính quy phạm thấp, quy định chưa cụ thể, mang tính tuyên ngôn, thiếu những quy tắc xử sự cụ thể làm căn cứ pháp lý để các chủ thể thực hiện. Nhiều lĩnh vực văn hóa chưa có Luật hoặc pháp lệnh điều chỉnh (nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, xây dựng môi trường văn hóa, thiết chế văn hóa, tuyên truyền cổ động chính trị, quyền và nghĩa vụ của văn nghệ sỹ...), thậm chí chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh (như lĩnh vực văn học, quản lý hoạt động trò chơi...).

Bên cạnh đó, một số vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn chưa được thể chế hóa. Việc tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về văn hóa còn yếu nên nhiều quy phạm pháp luật chưa thực sự đi vào cuộc sống. Việc thực thi nhiều quy định của pháp luật liên quan đến văn hóa còn lúng túng (Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định nghệ thuật biểu diễn...). Thể chế về tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp nói chung và trong lĩnh vực văn hóa chậm được hoàn thiện.

Từ đó, Hội thảo cũng đã đưa ra một số đề xuất kiến nghị đối với Bộ Chính trị, Ban Bí thư như: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển văn hóa, con người Việt Nam, trong đó chú trọng tính đặc thù của văn hóa, tạo môi trường dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo, phát huy tính tích cực xã hội, trách nhiệm công dân, kỷ cương, kỷ luật của các chủ thể văn hóa. Xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ, phân rõ quyền hạn giữa ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người.

Tiếp tục chỉ đạo, định hướng, tăng cường giám sát việc thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng thành chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt trong việc xây dựng và bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa; các chính sách đầu tư về nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người, xây dựng văn hóa trong chính trị. Chỉ đạo sơ kết, tổng kết và ban hành các nghị quyết mới liên quan tới lĩnh vực văn hóa.

Đề xuất Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chú trọng thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa, trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới cơ chế, chính sách về văn hóa, phù hợp với tính đặc thù của văn hóa, nghệ thuật và bối cảnh mới; hoàn thiện thể chế phát triển công nghiệp văn hóa, thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa.

Xem xét thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, thuế, tín dụng, đất đai... cho phát triển văn hóa. Tăng cường hoạt động giám sát, thông qua các quyết định quan trọng nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước…

Trọng Quỳnh

Tác giả: Trọng Quỳnh