Sự kiện. tháng 12/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo Văn hóa 2022 là cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế về phát triển văn hóa

Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” đã được tổ chức thành công tốt đẹp, quy tụ nhiều chuyên gia, nhà quản lý, bàn đến những vấn đề căn cốt, cơ bản trong thực tế triển khai xây dựng, phát triển nền văn hóa. Đánh giá cao thành công của Hội thảo, các chuyên gia hy vọng sẽ có nhiều chuyển biến mới trong việc hoàn thiện thể chế, hoạch định, thực thi chính sách để tạo sự đột phá trong phát triển văn hóa.

9 chính sách lớn, 7 nhiệm vụ cần làm ngay

Ngày 17/12 vừa qua, Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” đã được tổ chức thành công tốt đẹp, quy tụ nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực văn hóa, bàn đến những vấn đề căn cốt, cơ bản trong thực tế triển khai xây dựng, phát triển nền văn hóa theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, yêu cầu của thời đại. Hội thảo diễn ra với hai phiên gồm phiên chuyên đề, phiên toàn thể đã được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm, theo dõi.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung đánh giá thực trạng về thể chế, ban hành các chính sách và bảo đảm nguồn lực để phát triển văn hoá và con người Việt Nam trong thời gian qua. Các đại biểu nhất trí đánh giá những kết quả rất quan trọng đã đạt được, trong đó, khẳng định công tác thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hoá tiếp tục được quan tâm và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Toàn cảnh Hội thảo Văn hóa 2022

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu rõ, 9 nhóm chính sách lớn, quan trọng cần được tập trung nghiên cứu, thể chế hóa để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo sự phát triển đột phá cho phát triển văn hóa, bao gồm: chính sách phát triển con người Việt Nam toàn diện; chính sách xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chính sách nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; chính sách thúc đẩy sự phát triển văn học nghệ thuật; chính sách phát triển công nghiệp văn hóa; chính sách về đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; chính sách phát triển nguồn nhân lực văn hóa; chính sách thúc đẩy hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Trên cơ sở 9 nhóm chính sách này, Chủ tịch Quốc hội kết luận, có 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp cần tập trung làm ngay. Trong đó, trước hết cần sớm xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa với 9 nhóm chính sách đã được chỉ ra tại Hội thảo là các nội dung quan trọng để xây dựng khung chính sách cho Chương trình này. Cần rà soát các nội dung về văn hóa trong 02 Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tiếp thu các ý kiến có giá trị tại Hội thảo để có những điều chỉnh phù hợp, đạt kết quả tốt hơn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Bên cạnh đó, cần tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược, chương trình, đề án về xây dựng văn hóa công sở, văn hóa học đường, văn hóa doanh nghiệp, ngoại giao văn hóa. Đầu tư các công trình văn hóa mang tính biểu tượng quốc gia và thời đại Hồ Chí Minh. Phát triển các sản phẩm văn hoá có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng, phấn đấu có các tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm. Đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa để thu hút, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch, sản phẩm thương mại mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Cần chú trọng các cơ chế, chính sách phát huy, tạo điều kiện, khuyến khích, năng lực sáng tạo của các chủ thể văn hóa.

Cơ sở để tiếp tục hoàn thiện thể chế về phát triển văn hóa

Chia sẻ bên lề Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, các đại biểu đánh giá cao thành công của Hội thảo và gửi gắm nhiều kỳ vọng vào những chuyển biến thực tiễn trong công tác xây dựng, phát triển nền văn hóa ở từng địa phương trên cả nước.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, Hội thảo đã thể hiện rõ mục tiêu thông qua cách chọn chủ đề “Thể chế chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Theo đó, hội thảo đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu vào việc xây dựng, hoàn thiện thế chế, tạo hành lang pháp lý vững chắc để tạo ra và huy động nguồn lực, góp phần triển khai và tạo chuyển biến trong thực tế.

Cùng quan điểm, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy cho rằng Hội thảo Văn hóa là đã thể hiện rất rõ tính  khoa học và thực tiễn, từ đó đưa ra được những giải pháp để chấn hưng văn hóa trong thời gian sắp tới, trong bối cảnh tiếp biến văn hóa diễn ra nhanh mạnh khi đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế.

Nhạc sĩ, Nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung

Chia sẻ về Hội thảo Văn hóa 2022, Nhạc sĩ, Nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung cho rằng, từ Hội thảo lần này, chúng ta sẽ có được những đánh giá chính xác, khách quan hơn về thực trạng năng lực sáng tạo và nguồn lực đầu tư cho văn hóa đang có. Theo Nhạc sĩ Quốc Trung, không nên tô hồng cũng không nên quá bi quan về năng lực sáng tạo của Việt Nam, tuy nhiên phải có đánh giá một cách chính xác, để từ đó có cách nhìn, cách tiếp cận phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, vận dụng quy luật phát triển của các nước có nền văn hóa phát triển cao để biến thành bài học giá trị cho việc xây dựng nền văn hóa, nghệ thuật trong nước.

Nhấn mạnh Hội thảo đã thành công với nhiều ý kiến khác nhau thảo luận rất sôi nổi và có các ý kiến của chuyên gia , đặc biệt là phản hồi của các Bộ, ngành, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn nêu rõ, các ý kiến tại Hội thảo là cơ sở để hình thành các giải pháp hoàn thiện thể chế, đặc biệt là sửa đổi các Luật hay hoàn thiện chính sách để phát triển văn hoá về xây dựng con người, môi trường văn hoá, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá… qua đó giúp Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, có được cơ sở thuận lợi để hoạch định chính sách, chiến lược phát triển văn hoá sau này.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Đánh giá cao thành công của Hội thảo Văn hóa, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hoá, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam kỳ vọng sau Hội thảo này, trong thời gian tới, việc thực thi chính sách sẽ nhận được sự chú trọng đúng mức, thay vì tập trung quá nhiều cho việc hoạch định chính sách. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, chúng ta có nhiều chính sách, tuy nhiên cần ưu tiên công tác thực thi chính sách ở từng cấp độ, từng địa phương để tạo được hiệu quả thực tế, thiết thực.

Tham gia theo dõi phiên thảo luận, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, một trong những vấn đề trọng tâm được nhiều đại biểu nêu ra là hợp tác công – tư , xã hội hoá hay triển khai các quỹ trong xây dựng, phát triển văn hóa. Cho rằng, những vấn đề này chưa từng được nhấn mạnh như vậy trên các diễn đàn chính sách, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương kiến nghị cần phải tăng cường hơn nữa những tiếng nói thực tế từ những người thực hành văn hoá, đồng thời cần có sự trao đổi giữa các bên tham gia như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo để tạo sự cộng hưởng trong hiệu ứng.

Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải 

Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải hy vọng, với cú hích từ Hội thảo lần này, cơ quan có thẩm quyền sẽ sớm sửa đổi Luật Di sản văn hóa theo hướng thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này, có cơ chế đóng góp thuế một cách hợp lý để có thể huy động nhanh nguồn cho việc hồi hương cổ vật hoặc trùng tu di sản.

Kỳ vọng vào nhiều chuyển biến mới sau Hội thảo, NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng, cần có một Chương trình Mục tiêu Quốc gia cho văn hoá, để có sự đầu tư, nghiên cứu, xây dựng và phát triển dài hạn. Với nguồn lực Đảng và Nhà nước đầu tư cho văn hoá, cho đội ngũ văn nghệ sỹ, các cơ chế chính sách, đãi ngộ tạo điều kiện cho văn nghệ sỹ được nâng lên cũng sẽ là nguồn lực lớn thúc đẩy các nghệ sĩ nỗ lực sáng tạo và đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Quý, Chủ nhiệm CLB Quan họ làng Đương Xá, Bắc Ninh kỳ vọng sau Hội nghị này, các ngành nghề có liên quan đến lĩnh vực phát triển văn hoá, nhất là văn hoá dân gian, văn hoá làng, bảo tồn văn hoá gốc sẽ càng phát triển hơn nữa, tạo những sân chơi để tăng cường giao lưu, cùng học tập và phát triển./.

Minh Hùng

Tác giả: Minh Hùng
Nguồn:Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội Sao chép liên kết