Sự kiện. tháng 12/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoàn thiện thể chế pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực văn hóa

Trong khuôn khổ Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề: Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, các đại biểu đã thảo luận các giải pháp để hoàn thiện thể chế pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực văn hóa, cũng như lộ trình thực thi các chính sách trong lĩnh vực này.

 

Phiên thảo luận bàn tròn tại Hội thảo Văn hóa 2022

Điều phối thảo luận bàn tròn tại Thảo luận bàn tròn Hội thảo Văn hóa 2022, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh cho biết, chúng ta có một văn bản rất quan trọng là Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tầm nhìn 2030. Đánh giá về việc thực hiện chiến lược thì rất rộng, tuy nhiên từ góc độ thể chế, chính sách và nguồn lực thì còn có nhiều vấn đề, nhiều giải pháp then chốt cần sớm triển khai.

Thảo luận về vấn đề này, GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, để tạo động lực và sự đột phá cho phát triển văn hoá, cần tập trung tháo gỡ 5 nhóm giải pháp căn cơ. Đầu tiên là tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế. Hiện nay, việc thể chế hóa đường lối chủ trương phát triển văn hóa còn chậm và chưa phù hợp với thực tế.

 

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

GS.TS Từ Thị Loan dẫn chứng trong một số lĩnh vực như nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm vẫn chưa được điều chỉnh bởi luật mà mới chỉ ở tầm Nghị định. Hay như về phát triển du lịch văn hóa dựa trên nguồn tài nguyên di sản văn hóa, Luật Di sản Văn hóa cần có những sửa đổi phù hợp. Những vướng mắc về nguồn nhân lực hay nguồn lực tài chính cần tháo gỡ bằng những cơ chế như huy động doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác công- tư. Ngoài ra, vấn đề vi phạm bản quyền cũng khiến thị trường văn hóa không thể phát triển lành mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ VHTTDL) Lê Thanh Liêm cho biết, trong 9 lĩnh vực ngành VHTTDL được giao quản lý, hiện mới có 5 lĩnh vực có luật để điều chỉnh. Một số lĩnh vực như Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm… chưa có Luật mà vẫn điều chỉnh bằng nghị định.Trong năm 2021, 2022, Bộ đã trình Chính phủ trình cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung 3 bộ luật gồm: Luật Điện ảnh, Luật Sở hữu trí tuệ (phối hợp với Bộ KHCN), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Đây là bước đột phá trong thời hoàn thiện thể chế.

Ông Lê Thanh Liêm nêu rõ, lộ trình từ nay đến năm 2026 Bộ VHTTDL dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Bộ cũng đã có lộ trình để xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn, Luật Mỹ thuật, sửa đổi một số văn bản có liên quan khác. Theo ông Lê Thanh Liêm, với quyết tâm cao độ, việc hoàn thiện thể chế pháp luật, điều chỉnh trực tiếp các lĩnh vực văn hóa sẽ được hoàn thiện trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng nêu rõ, hệ thống văn bản để điều chỉnh về lĩnh vực văn hóa đòi hỏi tính toàn diện. Để triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thực sự hiệu quả, đòi hỏi một hệ thống pháp luật đồng bộ, không chỉ văn bản riêng về văn hóa mà liên quan nhiều ngành nghề khác như: Tài chính, đất đai. Theo ông Liêm, ngoài văn bản điều chỉnh trực tiếp cần rà soát hệ thống pháp luật có liên quan, có lộ trình hoàn thiện trong thời gian tới.

Liên quan đến nội dung này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, về cơ chế chính sách cho văn hóa, hiện nay, ngân sách nhà nước cần đầu tư nhiều hơn nữa cho văn hóa, cần huy động được nguồn lực của tư nhân vào lĩnh vực này. Đơn cử, Luật Đầu tư mới có ưu đãi cho bảo tồn văn hóa, còn chưa có ưu đãi cho các ngành văn hóa khác. Vì vậy, sắp tới, cần có những điều chỉnh, sửa đổi để khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực này. Về hợp tác công- tư, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, cần nghiên cứu, sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để quy định rõ ràng, hợp lý về việc phối hợp nguồn lực công tư trong phát triển công nghiệp văn hóa.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương khẳng định: Thể chế về văn hóa rất quan trọng. Với vị trí pháp lý, Quốc hội đã chú trọng xây dựng thể chế, pháp luật về văn hóa. Theo bà Nguyễn Thị Mai Phương, trong khi xây dựng một đạo luật, chúng ta phải đánh giá thực tiễn và những đối tượng điều chỉnh, chịu tác động... Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án Luật còn phải lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về dự án luật cần xây dựng. Do đó, các cơ quan của Quốc hội khi xây dựng một đạo luật cũng phải nghiên cứu rất rõ ràng về các đối tượng chịu tác động, quan hệ kinh tế-xã hội...

Trọng Quỳnh

Tác giả: Trọng Quỳnh