Sự kiện. tháng 12/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Một trong những ấn tượng tại hội thảo Văn hóa 2022 ngày 17/12 tại Bắc Ninh là các Phiên thảo luận bàn tròn với những ý kiến sâu sắc, thẳng thắn liên quan đến vấn đề gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá nông thôn trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Toàn cảnh Hội thảo Văn hóa 2022

Tại hội thảo Văn hóa 2022, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, nông thôn cần được xem là một miền di sản. Giá trị nông thôn được bảo tồn một di sản văn hoá, được quan tâm ở cấp độ quốc gia. Trong khi đô thị được xem là hình ảnh đại diện cho mức độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, thì nông thôn chính là nơi gìn giữ trọn vẹn đời sống tinh thần, bản sắc văn hoá dân tộc, giá trị tinh thần cốt lõi. Không chỉ là không gian sống hữu hình, nông thôn còn là không gian tâm thức, trong đó văn hoá tạo ra giá trị tâm thức. Những giá trị vô hình là nền tảng hướng tới các làng thông minh, làng hài hoà, làng hạnh phúc. Đó chính là các yếu tố để nông thôn trở thành di sản.

Những nghi lễ tính ngưỡng, tâm linh dân gian lành mạnh, nếu biết phát huy, sẽ tạo ra dòng chảy tâm thức trong cư dân nông thôn. Lễ hội tịch điền, thờ phụng Thần nông, các vị Thần hoàng làng, tưởng nhớ tổ làng nghề,… là những nét văn hoá đậm chất nhân văn, nối kết con người với truyền thống lịch sử, thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, “ăn trái nhớ kẻ trồng cây”, giúp con người sống tử tế hơn, an bình hơn, văn minh hơn. Khi ấy, cư dân nông thôn sống tử tế, có trách nhiệm với người khác, với môi trường thiên nhiên. Khi ấy, tinh thần hợp tác của cư dân nông thôn sẽ được thúc đẩy một cách tự nguyện.

Trích dẫn chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư: “Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá không đơn giản là thực hiện tiêu chí về văn hoá, mà có ý nghĩa sâu sắc đến sự phát triển bền vững cho đất nước. Chúng ta cùng nhau hành động, đừng để bản sắc dân tộc mất dần đi trong nỗi tiếc nuối, trong lời cảm thán “giá như”!

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Chia sẻ với quan điểm của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, một phần trong đề tài nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm cũng rất đồng điệu với ý kiến của Bộ trưởng.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, qua hơn 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình MTQGXDNTM đã có những đóng góp quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam ở nhiều khía cạnh, như cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế và môi trường cảnh quan,… Song trong quá trình thực hiện đó cũng đã bộc lộ một số hạn chế, đặc biệt là hạn chế về tính hiệu quả của các hoạt động văn hóa cũng như chưa huy động được tối đa nguồn lực văn hoá truyền thống trong phát triển nông thôn theo mục tiêu của Chương trình.

Là một đất nước có sự đa dạng về sinh thái, về tộc người và về các biểu đạt văn hoá nên nguồn lực văn hoá truyền thống của Việt Nam rất dồi dào và đa dạng mà nơi chủ yếu lưu giữ và vận hành những nguồn lực đó chính là các khu vực nông thôn. Chính vì vậy, nguồn lực văn hoá truyền thống là vô cùng có ý nghĩa trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay. Song vấn đề đặt ra là CTMTQGXDNTM đã huy động nguồn lực này như thế nào, hiệu quả cùng những thách thức của quá trình đó ra sao và chúng ta nên làm gì để nguồn lực văn hoá truyền thống thực sự trở thành nền tảng, mục tiêu và đóng góp vào sự thành công của CTMTQG XDNTM.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm nhấn mạnh, công cuộc xây dựng nông thôn mới theo tinh thần “có thời điểm khởi đầu mà không có thời điểm kết thúc” của chúng ta chỉ có thể thành công khi huy động được nhiều nhất có thể nguồn lực văn hoá truyền thống và coi đây là nền tảng vững chắc cho cả quá trình xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới trên cơ sở kết hợp hài hòa, kế thừa hợp lý và vận hành những giá trị văn hoá truyền thống sao cho phù hợp và phát huy hiệu quả tốt trong đời sống văn hóa đương đại sẽ tạo ra những cộng đồng nông thôn mới phát triển và có bản sắc, tạo ra những người dân nông thôn - chủ thể văn hoá - năng động, tự tin vào văn hóa của mình, tự tin vào nguồn lực văn hoá truyền thống mà mình có để xây dựng và phát triển quê hương.

Dưới góc độ kiến trúc, KTS. Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam cho biết, thành tựu của nông thôn mới ở nước ta thời gian qua mới chỉ thiên về lượng. Giờ đây, chúng ta nên cần thiên cả về chất. Chúng ta nên xây dựng luận chứng thẩm mỹ đi kèm với quy hoạch kiến trúc nông thôn…

Theo KTS. Hoàng Thúc Hào những cấu trúc di truyền có căn tính tốt đã mất mát hao hụt đi rất nhiều, thay vào đó là nhiều biến dị bất lợi. Những vấn đề tiêu cực biểu hiện trong kiến trúc nông thôn, bảo tồn di sản đô thị, phát triển nhà ở đô thị, cảnh quan đô thị,… Dễ dàng nhận thấy yếu tố bản sắc - vốn được tích lũy bao năm, đã từng có vị trí và thành tựu đáng kể - chưa được phát huy trong xã hội hiện đại, thậm chí nảy sinh đứt gãy, biến dạng giữa truyền thống và hiện đại.

KTS. Hoàng Thúc Hào đưa ra nhận định, bảo tồn và phát triển là bài toán muôn thuở, cuộc sống vận hành không ngừng luôn đặt ra những nhu cầu mới song cần tiếp thu và bảo tồn những giá trị cũ đã đi qua. Xã hội hiện đại phát triển nhanh, quá trình toàn cầu hóa ngày một sâu rộng, những gì là “riêng biệt”, là “bản sắc”, là “độc đáo”, ngày càng “hiếm có khó tìm”, càng được đề cao và coi trọng./.

Lê Anh

Tác giả: Lê Anh