Sự kiện. tháng 12/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy nhanh xã hội hóa, huy động hiệu quả các nguồn lực phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa

Thành công của sự kiện Hội thảo Văn hóa 2022 đã lan tỏa nhiều thông điệp quan trọng liên quan tới chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Bàn về vấn đề này, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng việc xây dựng chính sách phù hợp, hiệu quả để phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa là yêu cầu cấp thiết nhằm giải phóng năng lực sáng tạo và sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa...

 

Toàn cảnh Hội thảo Văn hóa 2022

Hội thảo Văn hóa 2022 sẽ được tổ chức thành công tốt đẹp, lan tỏa nhiều thông điệp quan trọng liên quan tới chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Bàn về vấn đề phát triển văn hóa, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng việc xây dựng chính sách phù hợp, hiệu quả để phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa là yêu cầu cấp thiết nhằm giải phóng năng lực sáng tạo và sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Về chính sách đối với các doanh nghiệp tham gia vào thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, cần phát huy vai trò các thành phần kinh tế trong phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Cụ thể, trong bối cảnh, điều kiện của nước ta, các doanh nghiệp nhà nước đang tham gia vào sản xuất các sản phẩm văn hóa, cung ứng sản phẩm cho thị trường dịch vụ văn hóa giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, với lợi thế, kinh nghiệm, nguồn lực con người, hệ thống các tầng nấc trung gian kết nối đến người sản xuất…, nên các doanh nghiệp nhà nước ngành văn hóa là thành phần có đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung, vào giải quyết việc làm, phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa của các địa phương và cả nước.

Theo các chuyên gia, việc cơ cấu lại các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước ngành văn hóa là chính sách quan trọng thúc đẩy phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Các đơn vị cần có phương án cổ phần hóa, có quy trình, cách làm, tiến độ bảo đảm đúng quy định pháp luật và phù hợp với các đặc thù riêng của ngành văn hóa. Yêu cầu đặt ra là các doanh nghiệp nhà nước phải tái cơ cấu toàn diện, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trên các mặt, từ tinh gọn tổ chức bộ máy; đổi mới quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại; ứng dụng công nghệ; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; cơ cấu lại các ngành nghề, lĩnh vực quan trọng, tập trung phát triển, chủ động tìm hiểu, khai thác, tiến tới làm chủ thị trường...

Đông đảo đại biểu, khách mời tham dự Hội thảo Văn hóa 2022 

Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, địa phương trong thực hiện chính sách đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa phải được coi trọng như các thị trường khác, tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào thị trường này đều phải được đối xử công bằng, bình đẳng. Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa, như chính sách thuế, cho thuê đất…, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân có thêm nguồn lực tài chính ổn định, lâu dài để đầu tư phát triển; chính sách bảo hiểm để ngân hàng và doanh nghiệp tư nhân yên tâm liên kết, tham gia mở rộng thị trường, ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất, nhất là đối với các sản phẩm, dịch vụ mới tham gia thị trường… 

Quan tâm đến vấn đề này, TS.Nguyễn Thị Mai Anh cùng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, cần kịp thời sửa đổi các chính sách còn mang tính phân biệt giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt là các chính sách tín dụng. Tiếp tục triển khai hiệu quả các quy định của Ngân hàng Nhà nước về cho vay của các tổ chức tín dụng theo hướng không phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình cá nhân, tất cả đều bình đẳng trong tín dụng với ngân hàng. Đặc biệt, ngân hàng cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ trực tiếp, như tăng cường cho vay mới, cơ cấu lại nợ vay, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, không phân biệt lãi suất và các điều kiện vay vốn đối với các doanh nghiệp trong hay ngoài khu vực nhà nước.

Trong bối cảnh kinh tế tri thức, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với đặc thù sản phẩm văn hóa muốn gia tăng giá trị phải gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ, trong khi đa phần các doanh nghiệp văn hóa còn có quy mô nhỏ, chưa đủ các nguồn lực (về vốn, nhân lực…) để tiếp thu, ứng dụng khoa học - công nghệ, do vậy, Nhà nước cần đóng vai trò “bà đỡ” trong tiếp nhận, chuyển giao khoa học - công nghệ cho các doanh nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy phát triển mọi hình thức hợp tác sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường, tạo môi trường liên kết giữa các thành phần kinh tế nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan tỏa rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ. Cần xây dựng chiến lược phát triển thị trường các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.

Nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp tham gia vào thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa có những đặc thù riêng, bên cạnh những tri thức cần có về thị trường thì bắt buộc phải có vốn hiểu biết về các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, đam mê với các sản phẩm văn hóa. Hiện nay, nguồn nhân lực sản xuất các sản phẩm văn hóa còn thiếu, được đào tạo tự phát, mang tính truyền nghề. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khắc phục tình trạng thiếu lao động, cả về số lượng và chất lượng, nhất là lao động có tay nghề cao trong sản xuất các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.

Ngoài ra, các chuyên gia kiến nghị cần có chính sách đẩy nhanh xã hội hóa, huy động hiệu quả các nguồn lực phát triển. Nhà nước cần tạo cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo môi trường để huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực to lớn từ xã hội để phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết hình thành các tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp; khuyến khích tư nhân góp vốn mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa hoặc Nhà nước thoái vốn; khuyến khích, hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu hoạt động trong ngành công nghiệp văn hóa có tiềm lực, quy mô lớn không chỉ phát triển thị trường trong nước mà còn có tầm nhìn hướng ra thị trường ngoài nước, đủ sức cạnh tranh trong môi trường quốc tế.

Minh Hùng

Tác giả: Minh Hùng
Nguồn:Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội Sao chép liên kết