Sự kiện. tháng 12/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đã đến lúc cần đổi mới cơ chế đầu tư cho văn hóa

Một năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa’’ đã được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với các cơ quan tổ chức thành công. Nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng, đã đến lúc cần phải đổi mới cơ chế hỗ trợ đầu tư cho văn hóa.

Hội thảo Văn hóa 2022

Hội thảo có 800 đại biểu tham dự trực tiếp tại TP. Bắc Ninh, trong đó có rất nhiều đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành, trong đó có 5 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, 4 đồng chí Lãnh đạo Quốc hội; 27 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, 6 đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 13/18 đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 5 đồng chí Bộ trưởng/trưởng ngành, 7 đồng chí Bí thư Tỉnh ủy; 10 đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy/Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; 19 Phó trưởng Đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; 25 Thứ trưởng và tương đương... 

Tham dự Hội thảo còn có 110 chuyên gia, nhà khoa học; 9 cơ sở nghiên cứu, đào tạo văn hoá nghệ thuật trong cả nước; đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế. Số lượng đại biểu tham dự trực tiếp đến từ 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng với đó là rất nhiều đại biểu trực tiếp làm công tác văn hoá và có liên quan đến lĩnh vực hết sức quan trọng này. Có 2.000 đại biểu theo dõi trực tuyến tại các điểm cầu trong cả nước, trong đó có những điểm cầu lên tới 600 – 700 người. Có khoảng 10 nghìn lượt người theo dõi trên Cổng thông tin điện tử và website của Hội thảo; 30 nghìn người xem trên các nền tảng trực tuyến, gần 200 nghìn người tiếp cận trên các nền tảng số. 53 cơ quan thông tấn báo chí với hơn 150 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên tham gia đưa tin về Hội thảo.

Không thể tiếp tục “dàn trải”, “khiêm tốn”

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, thời gian qua chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tuy nhiên, văn hóa vẫn chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng với kinh tế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa có lúc còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cũng nêu thực trạng trong một thời gian dài, nhiều nơi, văn hóa vẫn chưa được đặt đúng vị trí, chưa phát huy được vai trò tham gia thúc đẩy các lĩnh vực khác của đời sống xã hội và theo đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa còn rất khiêm tốn, chưa thật sự xứng tầm… Bởi vậy, Hội thảo là dịp để nhận diện rõ hơn không chỉ những thành tựu tự hào mà cả những hạn chế, bất cập trong việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam những năm qua.

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cũng chỉ rõ, cần tăng cường sức đề kháng văn hóa để chống lại mọi sự xâm lăng về văn hóa, bài trừ các hình thức văn hóa lai căng, đồi truỵ ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, miễn nhiễm với những luận điệu xuyên tạc lịch sử và truyền thống tốt đẹp của dân tộc…

Cần đổi mới cơ chế hỗ trợ đầu tư

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, cần đổi mới cơ chế hỗ trợ đầu tư, không cào bằng, có nhiều hình thức tôn vinh xứng đáng người giỏi, khuyến khích mọi tài năng, thực sự coi trọng động lực sáng tạo văn hóa.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa

Bên cạnh đó, phấn đấu có nhiều sản phẩm văn hóa có giá trị nghệ thuật cao, sức lay động lớn, cổ vũ sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước, làm lan tỏa các giá trị tốt đẹp của Đảng, của đất nước và con người Việt Nam. Tìm kiếm mọi điều kiện mở rộng đầu ra, tăng cường quảng bá tác phẩm, đưa sản phẩm văn hóa đến đông đảo mọi tầng lớp nhân dân...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, về cơ chế chính sách cho văn hóa, hiện nay, ngân sách nhà nước cần đầu tư nhiều hơn nữa cho văn hóa, cần huy động được nguồn lực của tư nhân vào lĩnh vực này. Đơn cử, Luật Đầu tư mới có ưu đãi cho bảo tồn văn hóa, chưa có ưu đãi cho các ngành văn hóa khác. Vì vậy, sắp tới, cần có những điều chỉnh, sửa đổi để khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực này.

Đề cập về hợp tác công – tư trong lĩnh vực văn hóa, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, cần nghiên cứu, sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để quy định rõ ràng, hợp lý về việc phối hợp nguồn lực công tư trong phát triển công nghiệp văn hóa.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tổng kết Hội thảo

Trên cơ sở các đề xuất của 9 nhóm chính sách, Hội thảo đã đồng thuận và thống nhất cao kiến nghị 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp cần tập trung làm ngay: 

Một là, sớm xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa với 9 nhóm chính sách đã được chỉ ra ở trên là các nội dung quan trọng để xây dựng khung chính sách cho Chương trình này.

Hai là, rà soát các nội dung về văn hóa trong 2 Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tiếp thu các ý kiến có giá trị tại Hội thảo để có những điều chỉnh phù hợp, đạt kết quả tốt hơn.

Ba là, tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược, chương trình, đề án về xây dựng văn hóa công sở, văn hóa học đường, văn hóa doanh nghiệp, ngoại giao văn hóa.

Bốn là, đầu tư các công trình văn hóa mang tính biểu tượng quốc gia và thời đại Hồ Chí Minh. Phát triển các sản phẩm văn hoá có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng, phấn đấu có các tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm. 

Năm là, đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa để thu hút, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.

Sáu là, đẩy mạnh thu hút đầu tư cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch, sản phẩm thương mại mang bản sắc văn hóa Việt Nam.

Bảy là, chú trọng các cơ chế, chính sách phát huy, tạo điều kiện, khuyến khích, năng lực sáng tạo của các chủ thể văn hóa./.

Thu Phương

Tác giả: Thu Phương