Sự kiện. tháng 12/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa: Công cụ hữu hiệu gìn giữ và nâng tầm các giá trị di sản, văn hóa truyền thống

Tại "Hội thảo Văn hóa 2022", vấn đề hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động nguồn lực cho nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa là một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Các giải pháp được đưa ra khá đồng bộ và tòan diện như triển khai chính sách ưu tiên phát triển nghiên cứu văn hóa, phát triển hạ tầng công nghệ đồng bộ, hiện đại; xây dựng hệ thống dữ liệu thống kê của ngành; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về văn hóa nghệ thuật.

Toàn cảnh Hội thảo

Tại “Hội thảo Văn hóa”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã bàn về các giải pháp khắc phục bất cập, tháo gỡ các điểm nghẽn trong thực thi thể chế thông qua xây dựng, hoàn thiện chính sách có khả năng tạo cơ chế để thúc đẩy phát triển văn hóa trong giai đoạn mới. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh giải pháp xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động nguồn lực cho nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa.

Theo Bộ trưởng, cần có các chính sách ưu tiên phát triển nghiên cứu văn hóa, phát triển hạ tầng công nghệ đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng hệ thống dữ liệu thống kê của ngành; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về văn hóa nghệ thuật; ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa. Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học về văn hóa nghệ thuật với các tổ chức nghiên cứu khoa học nước ngoài; đẩy mạnh công bố quốc tế các công trình khoa học về văn hóa nghệ thuật.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, bà Huỳnh Phương Lan, Viện Bảo tồn Di tích-Bộ VHTT&DL, để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa này đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, tham mưu thực hiện công tác bảo tồn di tích cũng như cần có những công cụ, phương thức quản lý khoa học, hiện đại để vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn, vừa khai thác và phát huy hiệu quả các giá trị của văn hóa, di sản, đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Do đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu nhất để duy trì, gìn giữ, phát huy và nâng tầm các giá trị di sản, văn hóa truyền thống.

Bà Huỳnh Phương Lan cho biết trước tác động của dịch bệnh COVID-19, hiện nay tại nhiều di tích, đặc biệt là các di tích lớn đã ứng dụng tốt công nghệ kỹ thuật số trong hoạt động thuyết minh giới thiệu, quảng bá giá trị di sản đem lại nhiều trải nghiệm mới mẻ cho người tham quan. Việc ứng dụng công nghệ trong việc giới thiệu di tích, tái hiện các sự kiện lịch sử là hướng đi đúng đắn, hiệu quả và giúp bảo tồn, phát huy giá trị di sản, cũng như mang đến các hình thức du lịch mới.

Theo đại diện Viện Bảo tồn Di tích, hiện nay tại nhiều địa phương, đã bước đầu triển khai thực hiện các giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số hóa 3D trong việc quản lý, khai thác, quảng bá và phát huy giá trị di sản, tiêu biểu như Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai app hướng dẫn tham quan "Di tích Huế", ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR 3D trong hoạt động tham quan tại Hoàng Thành Thăng Long…, số hóa các tài liệu Hán Nôm các văn bản, tư liệu Hán Nôm sưu tầm tại các di tích. Đây là thành tựu bước đầu, tạo cơ sở cho việc chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tồn di tích.

Các đại biểu tại Hội thảo

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả bước đầu đã đạt được, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa bảo tồn di tích cũng gặp phải nhiều khó khăn, thách thức bao gồm xây dựng các nội dung cần thực hiện số hóa, xác định các tiêu chí thực hiện, các di tích cần ưu tiên thực hiện chuyển đổi số; việc khảo sát, tập hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ số hóa; việc cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu lưu trữ, quản lý, tích hợp các nội dung số hóa, chuyển đổi số.

Bà Huỳnh Phương Lan nêu rõ, việc triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tồn di tích còn khá mới mẻ, chưa có đội ngũ nguồn nhân lực thành thạo công nghệ thông tin để đáp ứng công việc... Trong đó, thách thức lớn nhất là vấn đề kinh phí thực hiện các nội dung số hóa, chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tồn di tích.

Quan tâm tới vấn đề này, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT&DL Thừa Thiên Huế chia sẻ, Huế là vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa và đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 03 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 90 di tích cấp tỉnh; 03 di sản phi vật thể cấp quốc gia; 10 nhóm cổ vật với 35 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đặc biệt, Thừa Thiên Huế có 07 di sản được UNESCO vinh danh thuộc 3 loại hình khác nhau (Di sản vật thể: Quần thể di tích Cố đô Huế; Di sản phi vật thể: Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam, Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ; Di sản tư liệu: Mộc Bản, Châu Bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế).

Do đó, hệ thống các di tích, hiện vật, tư liệu, các lễ hội tiêu biểu, có giá trị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã được kiểm kê, chuẩn hóa thông tin, lý lịch khoa học kèm bản chụp các hình ảnh về di tích, hiện vật, tư liệu, lễ hội. Đây là tiền đề thuận lợi để đẩy mạnh việc thực hiện số hóa, chuyển đổi số các di sản văn hóa trong thời gian tới. Một số đơn vị đã bước đầu triển khai thực hiện các giải pháp chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số hóa 3D trong việc quản lý, khai thác, quảng bá và phát huy giá trị di sản.

Bà Lê Thị Thu Hiền-Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, trong thời gian qua, nhận thức của các cấp về việc số hóa, chuyển đổi số xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia đã được nâng cao, nhờ vậy, việc chuyển đổi số trong công tác bảo vệ, phát huy di sản đã đạt nhiều kết quả. Bước đầu tạo được kết nối liên thông thành hệ thống quản lý chung trên phạm vi rộng. Đẩy mạnh việc số hóa, chuyển đổi số, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa, tiến tới cập nhật nền tảng bản đồ số. Nâng cao năng lực cán bộ trong việc ứng dụng khoa học và công nghệ.

Theo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, di sản vẫn còn nhiều khó khăn như xây dựng kho dữ liệu chưa thường xuyên, liên tục và bền vững; chưa tính đến việc liên kết dữ liệu để cùng khai thác đáp ứng được nhu cầu phát triển. Phần mềm dùng chung có hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Cơ sở dữ liệu được xây dựng và vận hành độc lập với ứng dụng công nghệ khác nhau, quản lý và khai thác riêng, chưa có liên kết và phân cấp quản lý, khai thác.

Số hóa tiến tới chuyển đổi số di sản là xu hướng tất yếu và là một trong những giải pháp nhằm tối ưu lưu trữ, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản hiện nay và hướng tới phát triển du lịch thông minh, đưa di sản đến gần hơn với du khách và người dân. Để làm được điều này, các chuyên gia cho rằng, quá trình thực hiện số hóa di tích, di sản cần được triển khai một cách toàn diện đối với các đơn vị trong ngành, đặc biệt là các đơn vị trong khối di sản văn hóa của mỗi địa phương. Từ việc khảo sát, tập hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ số hóa, đến việc xây dựng kho dữ liệu số dùng chung cần được thực hiện bài bản, theo quy chuẩn phù hợp. Các đơn vị đã số hóa dữ liệu, có cơ sở dữ liệu riêng cần sớm thực hiện tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các bên liên quan.

Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, trước mắt để triển khai việc số hóa trong lĩnh vực bảo tồn di tích cần thực hiện việc xây dựng hệ thống các tiêu chí lựa chọn giải pháp số hóa với các di tích và hệ thống yêu cầu về kỹ thuật đối với từng loại hình dữ liệu.

Đồng thời, cần giải bài toán đầu tư kinh phí cho ứng dụng để công nghệ phát triển, cập nhật liên tục. Nhà nước cần đầu tư các nền tảng công nghệ lõi mang tính xương sống, cơ bản để doanh nghiệp, xã hội, địa phương có thể dựa trên đó hoàn thiện, đồng bộ và phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ; ban hành chính sách đa dạng hóa nguồn vốn, tạo điều kiện xã hội hóa nguồn tài chính cho phát triển công nghệ... Song song với đó, đầu tư phát triển nguồn lực con người cũng là yếu tố then chốt.

Hồ Hương

Tác giả: Hồ Hương