Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững đất nước, tăng dần mức chi ngân sách cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, đầu tư cho văn hóa đang thấp so với yêu cầu thực tiễn và còn phân tán, hiệu quả chưa cao. Nhìn một cách tổng quát, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với tăng cường đầu tư cho nguồn lực để phát triển văn hóa đã được nhận thức một cách toàn diện và sâu sắc. Tuy nhiên, từ thực tiễn đến triển khai vẫn còn khoảng cách.
GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam
Theo GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, mặc dù nguồn lực đầu tư cho văn hóa nói chung đã tăng lên so với giai đoạn trước, song vẫn còn rất thấp so với yêu cầu thực tiễn. Tổng hợp báo cáo của 55/63 tỉnh, thành cho thấy chi cho các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao chỉ đạt 1,72% tổng chi ngân sách nhà nước cấp. Đầu tư công cho văn hóa thông tin giai đoạn 2021 - 2025 chỉ chiếm 0,95% tổng kế hoạch vốn đầu tư công của cả nước. Công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác còn rất nhiều hạn chế. Thêm vào đó, cách đầu tư cho văn hóa cũng dẫn tới dàn trải, lãng phí.
Điều này cũng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng,: "Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao"; và yêu cầu "Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa. Trong quá trình đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, Nhà nước cần chú trọng đầu tư vào dòng chủ lưu của văn hóa cách mạng để làm nòng cốt và dẫn dắt, truyền cảm hứng chủ đạo trong việc bồi dưỡng, tâm hồn, tình cảm trong sáng, lành mạnh, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội".
Nhà nước quy định hàng năm chi cho hoạt động văn hóa chiếm 1,8% tổng chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, tổng hợp báo cáo của 55/63 tỉnh, thành phố cho thấy tỷ lệ chi cho các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch chỉ đạt 1,72% tổng chi ngân sách nhà nước cấp về các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Báo cáo số 16/BC-BVHTTDL ngày 22/1/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2020). Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, nguồn ngân sách Trung ương (bao gồm cả vốn trong nước và vốn nước ngoài) cho lĩnh vực văn hóa - thông tin chỉ chiếm 0,95% tổng kế hoạch vốn đầu tư công của cả nước.
Không đâu xa, ngay tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, đầu tư cho văn hóa còn rất thấp, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước.
Khẳng định nguồn lực là yếu tố đầu vào, phân bổ như thế nào cho hiệu quả chịu sự quy định của tư duy, quan điểm đầu tư, sử dụng vào mục tiêu gì thì chịu sự dẫn dắt của các quy hoạch, định hướng, chỉ tiêu phát triển văn hóa, PGS.TS. Đoàn Minh Huấn, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn phân tích: Quan niệm dân giàu không chỉ về thu nhập mà còn giàu về văn hóa thì sẽ phải định hình chi tiêu phát triển văn hóa bao trùm; nước mạnh không chỉ về kinh tế, quốc phòng, an ninh mà cả quốc lực văn hóa thì đầu tư sẽ khác. Công bằng xã hội không chỉ về phân phối thu nhập mà cả tiếp cận, thụ hưởng văn hóa thì tư duy cũng khác. Hay giảm nghèo, nếu chỉ hướng vào cải thiện thu nhập, không xóa được tập tục lạc hậu thì chỉ một đám hiếu, hỉ, mổ bò, mổ lợn rất tốn kém ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, có thể đẩy các hộ rơi vào tái nghèo.
PGS.TS. Đoàn Minh Huấn, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn
Khẳng định phát triển văn hóa cần khơi dậy, phát huy tổng hợp cả nguồn lực nhà nước, doanh nghiệp và xã hội được kết nối sử dụng dựa trên kết hợp cơ chế phân bổ của Nhà nước, cơ chế thị trường và cơ chế cộng đồng, PGS.TS. Đoàn Minh Huấn kiến nghị 4 nhóm vấn đề:
Thứ nhất, xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa cho giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với xác định mục tiêu, quy hoạch, chỉ tiêu các sản phẩm và dịch vụ văn hóa cụ thể để hướng dẫn, thu hút đầu tư một cách có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm nguồn lực nhà nước dẫn dắt nguồn lực ngoài nhà nước. Chỉ tiêu quốc gia giàu mạnh về văn hóa, người dân được công bằng thụ hưởng văn hóa, quốc gia hạnh phúc là chỉ báo cho đầu tư các nguồn lực vào lĩnh vực văn hóa.
Thứ hai, bảo đảm dành 1,8% tổng chi ngân sách cho văn hóa như Nghị quyết Trung ương V Khóa VIII đã xác định, hướng tới mục tiêu 2% tổng chi ngân sách vào năm 2030. Nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa của Nhà nước phải có trọng tâm, trọng điểm, hướng vào những sản phẩm và dịch vụ văn hóa mang giá trị tư tưởng, đạo đức, thẩm mỹ phi thương mại thuộc trách nhiệm của Nhà nước, mà tư nhân không làm hoặc tư nhân làm sẽ méo mó, biến dạng; những thiết chế văn hóa khẳng định tầm vóc quốc lực văn hóa của quốc gia, mang biểu tượng sức mạnh mềm của đất nước như nhà hát, thư viện, công viên, sân vận động thể thao, bảo tàng, không gian văn hóa Việt Nam nước ngoài; các không gian công cộng đạt tỷ lệ tiêu chuẩn văn minh đô thị mà mọi người dân được thụ hưởng một cách công bằng như quảng trường, công viên thân thiện, không gian xanh đô thị…
Kết nối nguồn lực luôn là điểm yếu của chúng ta. Do đó cần xác định cơ sở cho kết nối chính là quy hoạch phát triển các sản phẩm và dịch vụ văn hóa với chỉ tiêu cụ thể. Động lực dẫn dắt cho kết nối chính là nguồn lực nhà nước thông qua đầu tư công, miễn thuế, chính sách đất đai, tín dụng ưu đãi, một số ngành ưu tiên làm cho tư nhân cũng thấy có lợi ích và sau đó sẽ tham gia, nhất là khi đã định hình thị trường. Kết nối bao gồm cả nguồn lực của địa phương trong vùng hỗ trợ nhau. Trên thực tế hiện nay nhiều địa phương có thể dùng ngân sách hỗ trợ nhưng cơ chế lại là rào cản không được thực hiện, không được kết nối.
Thúc đẩy chuyển đổi số cũng khiến tài nguyên văn hóa được dữ liệu hóa, chia sẻ, kết nối phục vụ hiệu quả cho phát triển du lịch, quảng bá văn hóa.
Cơ chế sử dụng nguồn lực tài chính công chuyển mạnh sang hình thức đấu thầu cạnh tranh hoặc đặt hàng, hỗ trợ trực tiếp vào nhân tố con người, vào sản phẩm và dịch vụ văn hóa như tác phẩm, đào tạo nhân lực (đạo diễn, nhân lực ngành về kinh tế sáng tạo, nhà thiết kế thời trang, phần mềm, nghệ nhân…) Chính sách thuế phải điều chỉnh, nhất là miễn thuế cho khu vực phi lợi nhuận phát triển văn hóa, miễn thuế cho doanh nghiệp tài trợ cho phát triển văn hóa.
Nguồn lực đất đai cho phát triển văn hóa phải được hoàn thiện theo hướng quy hoạch đất đủ tỷ lệ cho phát triển thiết chế văn hóa, công viên, không gian công phải thực hiện theo đúng quy hoạch, nhất là ở các vị trí đẹp của đô thị. Kiên quyết không di dời các thiết chế văn hóa ở vị trí trung tâm đô thị để xây dựng khu thương mại; định hình cơ chế tài phán, khởi kiện để bảo vệ không gian công cộng khi bị xâm lấn.
Đầu tư cho nhân lực, chú ý nhân lực trong khu vực sáng tạo các sản phẩm văn hóa và thúc đẩy văn hóa liêm chính nghề nghiệp, nhân lực trên phạm vi xã hội rộng lớn hơn.
Thứ ba, có thể chế vượt trội thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài cho phát triển lĩnh vực văn hóa. Quy hoạch chi tiết các lĩnh vực làm cơ sở dẫn dắt nguồn lực tư nhân đầu tư phát triển như công nghiệp văn hóa, kinh tế sáng tạo, các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có giá trị gia tăng cao, phục vụ phát triển du lịch, văn hóa giải trí, điện ảnh, du lịch game online, giải trí trên nền tảng số. Thu hút các nhà đầu tư nước ngoài phát triển các ngành nghề mới như đua xe công thức 1 gắn với mua sắm dịch vụ giải trí theo chuỗi toàn cầu, đáp ứng nhu cầu một bộ phận người dân, cũng nhờ đó mà hạn chế đua xe trên đường phố.
Có cơ chế thu hút, thu hút, thúc đẩy tư nhân dịch chuyển nguồn lực, phát triển dịch vụ văn hóa phi lợi nhuận hoặc kết hợp phục vụ công chúng ở các chuỗi giá trị khác nhau. Phát triển văn hóa không chỉ cần vốn, tư duy doanh nghiệp mà còn phải biết làm kinh tế bằng văn hóa trên nền tảng văn hóa, đam mê nghệ thuật.
Thứ tư, về huy động, phân bổ nguồn lực xã hội, chú ý đến khía cạnh: các nguồn lực tài nguyên văn hóa như di tích danh thắng, di vật lịch sử… cần được gắn liền với khai thác, quản lý của cộng đồng và tổ chức khai thác phục vụ du lịch. Phát triển kinh tế phải phân định, phân bổ lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng với quy hoạch rõ ràng để đảm bảo lợi ích của cộng đồng gắn với sinh kế của họ, họ có khả năng bảo vệ và huy động nguồn lực để phát triển. Có biện pháp bảo vệ tri thức cộng đồng, tránh bị đánh cắp kiểu dáng thiết kế công nghiệp, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, các bài thuốc gia truyền…
Nguồn lực văn hóa tôn giáo cần được nhận thức mới và có cơ chế đột phá để khai thác tốt hơn từ kiến trúc, hội họa, âm nhạc kinh sách, ngôn ngữ, lịch sử, tôn giáo phục vụ cho phát triển du lịch. Rà soát tổng thể, có chính sách xứng đáng với nghệ nhân dân gian để bảo vệ, phát huy, trao truyền các bí kíp nghề nghiệp cho hệ trẻ.../.