Sự kiện. tháng 12/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của văn hóa

“Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa là nội dung lớn, quan trọng và thiết thực. Các chuyên gia cho rằng, thông qua Hội thảo Văn hóa 2022, tầm quan trọng của văn hóa được thể hiện rõ nét. Quá trình xây dựng thể chế, chính sách về văn hóa phải quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa.

Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu

Nền văn hóa giàu bản sắc của dân tộc ta là bệ đỡ, tạo sức mạnh nội sinh để đất nước ta vượt qua muôn vàn thử thác, gian nan, tiến lên theo dòng chảy của lịch sử. Những năm qua, đặc biệt là những năm đất nước đổi mới, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng và các cơ quan nhà nước; tham gia tích cực của Mặt trận tổ quốc, đoàn thể các cấp; sự chủ động, nỗ lực của ngành Văn hóa, nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người VIệt Nam đã có nhiều chuyển biến tich cực. Chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa từng bước được nâng cao; nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được kế thừa, phát huy. Việc đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu được chú trọng. Các giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái được phát huy cao độ, nhất là những thời điểm đất nước khó khăn, thiên tai, dịch bệnh.

Hội thảo văn hóa 2022

Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về văn hóa nói chung và các lĩnh vực cụ thể của văn hóa nói riêng từng bước được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu thực tiễn. Chủ trương của Đảng trên các lĩnh vực quan trọng của văn hóa đã được thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy văn hóa phát triển. Việt Nam đã phê chuẩn, tham gia và nội luật hóa hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có các quyền về văn hóa, thúc đẩy, bảo vệ các quyền về văn hóa phù hợp các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để giao lưu, hợp tác, quảng bá văn hóa, giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam ra thế giới.

Tuy nhiên, vị trí, vai trò của văn hoá chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Môi trường văn hoá có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chưa bị đẩy lùi. Văn hóa phẩm độc hại, thông tin tiêu cực trên internet, mạng xã hội tác động xấu đến giới trẻ, gia đình và xã hội. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn. Công tác đào tạo, bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá chưa ngang tầm nhiệm vụ. Chưa phát huy hết sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và tính tích cực xã hội của nhân dân tham gia xây dựng môi trường văn hóa...

Việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu. Một số cơ chế, chính sách chưa theo kịp sự phát triển của đời sống xã hội. Công tác tổ chức thi hành pháp luật, chính sách về văn hóa vẫn là khâu yếu. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Cơ chế, chính sách về kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế, về huy động, quản lý các nguồn lực cho văn hóa chưa cụ thể, rõ ràng. Một số lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chưa có luật để quản lý. Nhiều chính sách đối với văn nghệ sĩ đã lạc hậu nhưng chậm được sửa đổi.

Văn hóa là nguồn lực đặc biệt

Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, GS.TS. Từ Thị Loan nhấn mạnh, văn hóa là một nguồn lực đặc biệt. Phân tích trong lĩnh vực văn hóa dân gian, GS.TS. Từ Thị Loan nhận định đây là nơi lưu giữ đậm đặc nhất bản sắc văn hóa dân tộc. Trong khi văn hóa đương đại đang bị giao lưu, tiếp biến, văn hóa dân gian vẫn tiếp tục phát huy vai trò nguồn lực, đóng góp vào công cuộc phát triển bền vững trên nhiều khía cạnh.

Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, GS.TS. Từ Thị Loan

Việt Nam có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc đến từ các cộng đồng sinh sống khắp mọi miền đất nước. Lễ hội góp phần giáo dục truyền thống, văn hiến dân tộc, góp phần củng cố đời sống tinh thần, phát triển xã hội theo hướng nhân văn, nhân bản. Đồng thời, lễ hội cũng thúc đẩy phát triển du lịch, đóng góp trực tiếp vào ngân sách địa phương. Nhiều lễ hội như đền Hùng, chùa Hương… từ lâu đã nổi tiếng cả nước. Có lễ hội như Vía Bà Chúa Xứ núi Sam ở An Giang, mỗi năm đem lại doanh thu trên 90 tỷ đồng, hay Lễ hội Đền Trần đóng góp cho ngân sách tỉnh Nam Định trên dưới 40 tỷ đồng/năm…

GS.TS. Từ Thị Loan cho biết, rõ ràng, bên cạnh giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, cố kết cộng đồng, lễ hội còn là nguồn lực lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong văn hóa dân gian, các điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, phong tục tập quán đều là các nguồn tài nguyên nhân văn phong phú có thể khai thác phục vụ du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Nhiều hình thức trình diễn dân gian, đặc biệt là sân khấu truyền thống có khả năng giúp thu hút công chúng nước ngoài, định vị bản sắc Việt Nam trên bản đồ văn hóa, du lịch thế giới. Ví dụ, múa rối nước là đặc sắc riêng có của Việt Nam, đã chinh phục bạn bè năm châu, đưa lại ấn tượng về đất nước hình chữ S giàu văn hóa đặc sắc. Hay tri thức bản địa đến nay vẫn phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng, như tri thức lao động sản xuất trong nông nghiệp, ngư nghiệp; y học cổ truyền… “Ngay các làng nghề truyền thống cũng là một nguồn lực rất lớn để phát huy tài khéo, sự sáng tạo của nghệ nhân dân gian. Rồi ẩm thực truyền thống với nhiều món ăn dân dã cũng được thế giới yêu thích… Tất cả đều là sức mạnh để quảng bá văn hóa Việt Nam cũng như khai thác để đem lại giá trị kinh tế, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước”, GS.TS. Từ Thị Loan nói.

Các khía cạnh đa dạng của văn hóa đang mang lại nguồn lợi không nhỏ song tài nguyên ấy đến nay chưa được nhìn nhận đầy đủ, có chính sách khuyến khích phát huy, khai thác phù hợp. GS.TS. Từ Thị Loan chỉ ra thủ công mỹ nghệ Việt Nam đang xuất khẩu đến 163 nước và đáp ứng khoảng 10% nhu cầu toàn cầu. Thế nhưng hiện nay vẫn chưa có luật làng nghề, trong khi các sản phẩm này gắn chặt với làng nghề thủ công truyền thống. Điều đó gây nên tình trạng các làng nghề phát triển tự phát, manh mún, mạnh ai nấy làm và giẫm chân lên nhau, tự làm khó nhau trong cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Nhìn sang lĩnh vực điện ảnh, năm 2022 đánh dấu bước tiến quan trọng khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) chính thức được Quốc hội thông qua, cập nhật nhiều phương pháp quản lý mới, tiếp thu kinh nghiệm phát triển điện ảnh của các nước châu Á và thế giới. Nhiều kỳ vọng tháo gỡ điểm nghẽn, huy động nguồn lực cho phát triển điện ảnh Việt Nam, trong đó có quy định liên quan đến hậu kiểm, tiền kiểm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sẽ còn tiếp tục khó khăn nếu chúng ta không thể hiện tư duy mới, phù hợp xu thế thời đại khi can thiệp vào văn hóa.

Phải quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa

Đảng ta đã xác định: “Phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên“. Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, một trong những yêu cầu bức thiết được đặt ra là cần sớm hoàn thiện thể chế, chính sách về văn hóa, đáp ứng các yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Đại hội XIII của Đảng đã quyết định, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển đất nước là một trong ba đột phá chiến lược, trong đó nhấn mạnh phải “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy; xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, môi trường.., kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi bàn về nội dung này đã nhấn mạnh: “Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - một nhà nước thực sự kiến tạo khung khổ thể chế, pháp luật cho sự phát triển của đất nước, của dân tộc. Do đó, hệ thống pháp luật phải đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, bảo đảm cho bộ máy nhà nước vận hành trôi chảy, vừa tiếp nhận, phát triển những giá trị đã được khẳng định của văn minh nhân loại, vừa phù hợp với những giá trị tốt đẹp của văn hoá Việt Nam, phù hợp với yêu cầu của chế độ ta, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước nhanh và bền vững. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, rất hệ trọng, một trong những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, quá trình xây dựng thể chế, chính sách về văn hóa phải quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa. Phải hiểu đúng, đầy đủ, toàn diện về văn hóa. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước, văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Bên cạnh đó, thể chế, chính sách phát triển văn hóa vừa phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, coi trọng các yếu tố đặc thù của văn hóa, vừa phải giữ gìn, kế thừa hồn cốt, các giá trị cao đẹp của văn hóa dân tộc; đồng thời, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm giàu thêm kho tàng văn hóa Việt Nam. Thể chế, chính sách văn hóa phải vừa tạo động lực phát triển văn hóa, con người Việt Nam, vừa để giới thiệu, truyền bá văn hóa Việt Nam với thế giới. Đặc biệt, đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật, thể chế, cơ chế, chính sách phải chú trọng tính đặc thù, bảo đảm phát triển đúng định hướng của Đảng, vừa bảo đảm tự do sáng tạo của cá nhân với mục đích đúng đắn. Bên cạnh đó, phải tập trung nghiên cứu, xây dựng thể chế, chính sách cho những lĩnh vực mới như phát triển công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa; tiếp thu, ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ mới phục vụ cho phát triển đất nước; ngăn chặn sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động...

Việc thể chế, chính sách về văn hóa phải đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, thực sự hiệu lực, hiệu quả, tạo lập môi trường thuận lợi cho phát triển văn hóa; phân cấp, phân quyền minh bạch, xác định rõ quyền hạn, nghĩa vụ của các chủ thể thực hiện; quy định rõ trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Quá trình xây dựng, ban hành pháp luật, chính sách phải thận trọng, chắc chắn, chuẩn bị sớm, làm tốt từng khâu, yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, lợi ích quốc gia - dân tộc làm trọng tâm. Phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu; kiên quyết chống tiêu cực, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”, lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ trong pháp luật, chính sách.

“Trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách phải bám sát thực tiễn, giải quyết kịp thời những vấn đề mới nảy sinh; phải bình tĩnh, nghiên cứu thấu đáo những vấn đề thực tiễn đặt ra, không nóng vội, chủ quan, chạy theo dư luận, nhưng cũng không được bỏ qua hoặc để chậm làm ảnh hưởng đến sự phát triển. Những vấn đề đã rõ, được kiểm nghiệm trong thực tiễn, có sự thống nhất cao thì xây dựng, ban hành luật, chính sách”, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng lưu ý.

Nguồn lực cho phát triển văn hóa không chỉ là tài chính, cơ sở vật chất, mà còn là nguồn lực con người, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, truyền thống dân tộc...; không chỉ là nguồn lực của nhà nước, mà còn nguồn lực của toàn xã hội. Vì thế, nếu có được thể chế, chính sách đúng đắn, phù hợp, bao quát, sẽ khơi thông được nguồn lực to lớn của đất nước cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đương nhiên, với trách nhiệm của mình, bên cạnh chăm lo xây dựng nguồn nhân lực văn hóa, Nhà nước phải tăng cường nguồn lực vật chất cho phát triển văn hoá, tương xứng với tăng trưởng kinh tế; nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa. Thực tiễn, kinh nghiệm thế giới cho thấy, nếu có được thể chế, chính sách và tổ chức thực hiện tốt, hoạt động văn hóa không chỉ là “tiêu tiền" mà còn đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia.

Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị phải nhận thức đầy đủ, xác định rõ trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng pháp luật, chính sách văn hóa; phải phối hợp chặt chẽ, thực chát trong quá trình xây dựng pháp luật, chính sách; nghiêm túc lấy ý kiến, tiếp thu và giải trình ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của luật pháp, chính sách về văn hóa.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát việc thi hành pháp luật. Phát huy tính năng động, tích cực, trách nhiệm của các cơ quan, nhất là Chính phủ trong quá trình xây dựng pháp luật, chính sách. Nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách về văn hóa và giám sát việc thực hiện./.

Thu Phương

Tác giả: Thu Phương