Sự kiện. tháng 12/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các vấn đề đặt ra đối với hoàn thiện thể chế cho phát triển văn hóa trong giai đoạn tới

Trên cơ sở nhìn nhận, phân tích thực trạng, nhận diện những cơ hội và thách thức, Hội thảo Văn hóa 2022 vừa qua đã nhấn mạnh quan điểm "thể chế, chính sách phải kiến tạo để chấn hưng, phát triển văn hóa và thúc đẩy hội nhập quốc tế", đồng thời đặt ra nhiều vấn đề trong hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa.

Trong thời gian tới, bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đan xen, tác động lớn đến sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Thuận lợi lớn nhất là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau hơn 35 năm đổi mới tạo nên thế và lực mới cho đất nước ta. Sức mạnh tổng hợp quốc gia và uy tín quốc tế được tăng cường; niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, những thiếu sót, khuyết điểm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng văn hóa vừa qua là những rào cản lớn đối với phát triển văn hóa. Bên cạnh đó, quá trình hội nhập quốc tế, sự phát triển của nền kinh tế tri thức và các thành tựu của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động mạnh mẽ đến nhận thức, phương thức vận hành và hoạt động bảo tồn, sáng tạo, truyền bá, tiếp cận, thương mại hóa các sản phẩm văn hóa. Cạnh tranh quốc tế và cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng trước các thách thức của an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống, như biến đổi khí hậu và dịch bệnh sẽ diễn ra quyết liệt, phức tạp hơn trước.

Phát biểu bế mạc tại Hội thảo Văn hóa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu của thế chế và chính sách về văn hóa, liên quan đến văn hóa phải kiến tạo cho việc chấn hưng và phát triển văn hóa. Chủ tịch Quốc hội làm rõ, nếu như thể chế phát triển chung của nước ta và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đều đặt ra yêu cầu phải kiến tạo phát triển và thúc đẩy hội nhập quốc tế thì thế chế và chính sách về văn hóa phải thực sự đáp ứng được yêu cầu kiến tạo cho việc chấn hưng và phát triển văn hóa; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng về văn hóa, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới và tiếp thu, chọn lọc tinh hoa thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Theo đó, việc hoàn thiện thể chế văn hóa phải bảo đảm các yêu cầu: Tạo hành lang pháp lý để tổ chức và triển khai thuận lợi mọi hoạt động văn hóa trong khuôn khổ pháp luật dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; Văn hóa phải là một trong các trụ cột để phát triển bền vững đất nước; Phát huy tối đa năng lực sáng tạo, sự đa dạng và năng động của các chủ thể văn hóa, tạo điều kiện hội nhập thị trường văn hóa quốc tế; Chú trọng tính đặc thù của văn hóa, vừa bảo đảm phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm tự do sáng tạo trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn; Giải quyết hài hòa 5 mối quan hệ: Giữa bảo tồn, phát triển văn hóa với tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội; giữa lợi ích kinh tế của chủ thể với lợi ích văn hóa của cộng đồng; giữa yếu tố dân tộc và quốc tế; giữa truyền thống và hiện đại; giữa văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa, bác học.

Hoàn thiện thể chế, chính sách về văn hóa phải được tiến hành đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, thực sự hiệu lực, hiệu quả. Quá trình xây dựng, ban hành pháp luật, chính sách phải thận trọng, chắc chắn, chuẩn bị sớm, làm tốt từng khâu; yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, lợi ích quốc gia - dân tộc làm trọng tâm.

Phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu; phân cấp, phân quyền minh bạch, xác định rõ quyền hạn, nghĩa vụ của các chủ thể thực hiện; quy định rõ trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; kiên quyết chống tiêu cực, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”, lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ trong pháp luật, chính sách. Trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách phải bám sát thực tiễn, giải quyết kịp thời những vấn đề mới nảy sinh; đồng thời, nghiên cứu thấu đáo những vấn đề thực tiễn đặt ra, không nóng vội, chủ quan, chạy theo dư luận. Những vấn đề đã rõ, được kiểm nghiệm trong thực tiễn, đạt được sự thống nhất cao thì xây dựng, ban hành luật, chính sách.

Trước hết, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn thiếu trong các lĩnh vực văn hóa như: Nghệ thuật biểu diễn, di sản văn hóa, quảng cáo, quyền tác giả và quyền liên quan…; tài trợ, hiến tặng trong lĩnh vực văn hóa; hướng tới xây dựng Luật Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học; Luật Nghệ thuật biểu diễn; Luật Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm…

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khắc phục bất cập trong các chính sách đã ban hành Nghiên cứu sửa đổi các luật: Luật PPP, Luật Đầu tư, Luật Thống kê, Luật Thuế giá trị gia tăng…; kịp thời hoàn thành việc thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong các lĩnh vực: văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, thông tin - truyền thông, tín ngưỡng - tôn giáo… Tiếp tục tập trung thể chế hóa đối với các vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn để đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa trong giai đoạn hiện nay: Cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Các vấn đề như: Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu gắn với việc tạo dựng và phát triển những động lực tăng trưởng mới, bao gồm yếu tố văn hóa; tăng cường sức mạnh mềm và lồng ghép hiệu quả các mục tiêu phát triển văn hóa gắn với tăng trưởng kinh tế; hội nhập quốc tế và sử dụng thành quả khoa học công nghệ trong việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội...; xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế; kinh tế trong văn hóa; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, sáng tạo văn hóa…

Thể chế quản lý nhà nước về văn hóa phải được đổi mới đồng bộ với quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý văn hóa, phù hợp với bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chú trọng vai trò của Nhân dân trong phát triển sự nghiệp văn hóa, nhất là xác lập cơ chế tự quản của các cộng đồng xã hội để tự tổ chức, trang bị cơ sở vật chất và vận hành các thiết chế văn hóa. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với chịu trách nhiệm, tạo cơ chế khuyến khích sự năng động, sáng tạo, chủ động trong quản lý các hoạt động văn hóa; đồng thời bảo đảm yêu cầu quản lý toàn diện, đa ngành, nhất là đối với các ngành công nghiệp văn hóa. Hệ thống quy định về thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đơn giản, thuận tiện, minh bạch hơn nữa.

Nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, cần khẩn trương xây dựng và ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa để tập trung nguồn lực thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030. Rà soát các nội dung về văn hóa trong 02 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược, chương trình, đề án về xây dựng văn minh đô thị, văn hóa công sở, văn hóa học đường, văn hóa gia đình, văn hóa doanh nghiệp, ngoại giao văn hóa…

Cần có kế hoạch cụ thể để đầu tư các công trình văn hóa mang tính biểu tượng quốc gia và thời đại Hồ Chí Minh. Phát triển các sản phẩm văn hoá có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng, phấn đấu có các tác phẩm văn học, nghệ thuật xứng tầm, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 100 năm ngày thành lập Ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Rà soát toàn diện và đề xuất đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa để thu hút, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn nữa. Có chính sách phù hợp cho các đơn vị sự nghiệp về văn hóa có khả năng cung ứng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa theo cơ chế thị trường và những đơn vị cung ứng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa không có tính chất kinh doanh. Nghiên cứu thí điểm hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa.

Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch, sản phẩm thương mại mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Chú trọng các cơ chế, chính sách phát huy, tạo điều kiện, khuyến khích năng lực sáng tạo của các chủ thể văn hóa.

Bảo Yến

Tác giả: Bảo Yến