Sự kiện. tháng 12/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo vệ, giữ gìn văn hóa gia đình- Một trong những cốt lõi của văn hóa Việt Nam

Vừa qua, “Hội thảo Văn hóa 2022” do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp. Tại Hội thảo, một số ý kiến đại biểu cho rằng, cần tiếp tục bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa gia đình gắn với giá trị văn hóa Việt Nam trên bước đường tiếp biến và hội nhập.

 

Toàn cảnh Hội thảo

“Hội thảo Văn hóa 2022” được tổ cức nhằm mục đích tiếp tục quán triệt và triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhất là các quan điểm, chủ trương mới trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Đồng thời, tạo diễn đàn để các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước thảo luận làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn, làm cơ sở kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa.

Tại Hội thảo, nhiều đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa được đươc ra. Trong đó, không ít đề xuất giải pháp hướng đến việc tiếp tục phát huy giá trị văn hóa gia đình gắn với giá trị văn hóa Việt Nam trên bước đường tiếp biến và hội nhập.

Bàn về vấn đề này, GS.TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, trên tiến trình hình thành và tồn tại của gia đình Việt Nam, đặc biệt là gần chục thế kỷ trải qua chế độ quân chủ phong kiến, người Việt Nam luôn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, tạo ra được sắc thái văn hóa độc đáo, phong cách riêng biệt trên cơ sở tiếp nhận, sàng lọc những yếu tố văn hóa Đông - Tây, thông qua những định hướng, thiết chế và chính sách phát triển văn hóa - xã hội của bộ máy nhà nước mới. Những chuẩn mực văn hóa của một giai đoạn lịch sử hàng nghìn năm luôn gắn với các mối quan hệ của gia đình, có chức năng điều tiết và định hướng theo phong cách dân tộc đã bước đầu kết hợp với những tinh hoa văn hóa thế giới.

GS.TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam

GS.TS. Bùi Quang Thanh cho rằng song hành với sự nối kết và vận động tri thức, hành vi từ văn hóa truyền thống sang chế độ xã hội mới, những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các nhà lãnh đạo, chí sĩ yêu nước đã sớm được truyền bá vào môi trường sinh hoạt văn hóa gia đình, góp phần tạo ra những quan hệ tiến bộ, giải phóng mọi ách áp bức thân thể và tư tưởng, khai thông cho tự do sáng tạo, đề cao nhân cách cá nhân để phục vụ nhiệm vụ cách mạng. Sự vận động hướng theo lối sống - đạo đức cách mạng đã được coi là khuôn mẫu của một thứ “gia phong mới” trong xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong quá trình phát triển, xã hội Việt Nam nói chung và gia đình Việt nói riêng đứng trước những thách thức trong phát triển kinh tế, chính trị và văn hóa thời hội nhập toàn cầu, đặc biệt là sự coi trọng phát triển kinh tế thuần túy đã vô tình làm cho một bộ phận không nhỏ cá nhân tự nhận thức và hành động vì đồng tiền, bỏ qua những quan hệ xã hội tuân theo nền nếp văn hóa truyền thống tích cực, những cặp quan hệ khuôn mẫu từ ông bà - cháu chắt đến cha mẹ - con cái, anh - em, bạn bè - đồng nghiệp, thầy - trò... Trong khi đó, sự hội nhập về văn hóa (qua các phương tiện truyền thông, sách báo) và hội nhập về giáo dục (qua con đường học tập, lao động, du lịch,...) là những tác nhân vừa đem lại những nhận thức hiện đại, tích cực, vừa lây lan những nhận thức và hành vi phản văn hóa, không phù hợp với truyền thống đạo đức và lối sống của dân tộc.

Từ sự vận động của thực trạng đời sống xã hội, gắn với các không gian văn hóa gia đình - nhà trường - xã hội, các thiết chế văn hóa cũng thường xuyên được sửa đổi để ứng xử phù hợp với môi trường văn hóa nhân văn của xã hội hiện tại. Giờ đây, văn hóa trong phạm vi không gian gia đình lại càng có vai trò quan trọng, giữ vị thế hạt nhân cho quá trình thực hiện hương ước, quy ước văn hóa mới gắn với chiến lược xây dựng nông thôn mới, vừa đảm trách nhiệm vụ bảo vệ những giá trị văn hóa vốn có, vừa tiếp thu những nét văn minh, hiện đại, những tinh hoa văn hóa từ nước ngoài để làm cho đời sống văn hóa gia đình, dòng họ, làng bản thêm sinh động, văn minh. Tình yêu làng xóm, gia đình giờ đây không còn bó hẹp trong sinh kế và môi sinh văn hóa hạn hẹp làng, bản, mà trở thành ý thức cống hiến để tăng cao thu nhập kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương đất nước. Những giá trị được chưng cất từ lòng hiếu thảo, tình làng nghĩa xóm, ý thức cộng đồng đến giai đoạn vận động hội nhập và phát triển của xã hội đã kết tinh thành “sức mạnh mềm”, góp phần tạo nên động lực xây đắp cho giá trị văn hóa quốc gia - dân tộc, hiện tại và lâu dài.

GS.TS. Bùi Quang Thanh cũng nhấn mạnh, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra tại Hà Nội ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu đặc biệt quan trọng, trong đó, thêm một lần khẳng định sự đúng đắn trong quan điểm chỉ đạo, lãnh đạo sự nghiệp phát triển văn hóa của Đảng những năm qua, đồng thời nêu ra sáu giải pháp thiết thực, trong đó, giải pháp thứ hai đã được nhấn mạnh: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia - dân tộc và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”

Để phát huy giá trị văn hóa gia đình và đạt được mục tiêu “gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh” gắn với xây dựng, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, Đại hội lần thứ XIII của Đảng chủ trương: “Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam”; cũng là tinh thần của “Hội thảo Văn hóa 2022”,  ThS.Nguyễn Hạnh Quyển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, công tác tuyên truyền các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam cần được tăng cường, nâng cao nhận thức của mỗi người về vị trí, vai trò của gia đình cũng như những giá trị của văn hóa gia đình đối với sự phát triển đất nước. Cần tuyên truyền, lan tỏa những giá trị đạo đức truyền thống, gia phong, lễ giáo và văn hóa ứng xử trong gia đình.

Hai là, đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ, đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.

Ba là, tiếp tục xây dựng đời sống văn hóa và đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng môi trường và đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh”. Đồng thời, cần tăng cường xây dựng đời sống văn hóa theo hướng tôn vinh giá trị truyền thống của gia đình, cộng đồng, dân tộc. Gắn xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư với Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong đời sống; xây dựng nếp sống văn hóa từ các gia đình đến khu dân cư, cơ quan, đơn vị,... Chú trọng xây dựng “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”,... tạo môi trường tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình. Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc, ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, ngày Gia đình Việt Nam với những chủ đề thiết thực.

Cùng quan tâm về vấn đề này, PGS.TS Đặng Thị Hoa - Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, văn hóa gia đình là một trong những cốt lõi của văn hóa Việt Nam. Trong văn hóa gia đình Việt Nam, các yếu tố văn hóa mới, các yếu tố văn minh, hiện đại tác động đến gia đình, làm thay đổi nếp sống, thói quen mang ý nghĩa tích cực hơn, đồng thời cũng làm giảm đi đáng kể những giá trị được coi là bảo thủ, truyền thống và trì trệ.

PGS.TS Đặng Thị Hoa nhận định, trước những hỗn dung về văn hóa xâm nhập vào mỗi gia đình Việt Nam, việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị văn hóa gia đình truyền thống cần được coi trọng với những thuần phong, mỹ tục của gia đình. Cách đối xử trọng già, thương trẻ; anh em hòa thuận, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển; cách thức coi trọng chữ hiếu trong gia đình, nuôi dưỡng đức tính hiếu thuận và nhân nghĩa của con trẻ đã làm cho gia đình Việt Nam có tính bền vững và trường tồn.

Theo TS Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới công tác chăm lo xây dựng gia đình bằng nhiều chủ trương, chính sách cụ thể, thể hiện quan điểm là muốn có một xã hội phát triển lành mạnh thì trước hết, từng tế bào gia đình phải phát triển bền vững. Hiện nay, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đang dần tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của mỗi người dân.

Bộ tiêu chí nhằm góp phần xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.

Hồ Hương

Tác giả: Hồ Hương