SÁNG NGÀY 17/12: TỔNG THUẬT ‘’HỘI THẢO VĂN HÓA 2022’’
Toàn cảnh Hội thảo Văn hóa 2022
Trước hết, biến đổi văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới tác động tích cực, góp phần hình thành lớp nông dân thế hệ mới với tư duy năng động, hiện đại. Các chương trình phát triển nông nghiệp - nông thôn - nông dân của Nhà nước và địa phương có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người nông dân. Người nông dân chuyển từ phương thức kiếm sống dựa vào nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sang kết hợp nhiều hoạt động mưu sinh khác, từ việc chỉ quanh quẩn kiếm sống và giao lưu, làm việc bên lũy tre làng thì nay đã có sự hợp tác, liên kết với nhau theo chuỗi, hội để tạo giá trị cao hơn trong phát triển sản xuất. Ngoài ra, biến đổi văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn góp phần thay đổi suy nghĩ, nếp sống, lối sống người nông dân.
Khi được chủ động lựa chọn nghề nghiệp, thích ứng với bối cảnh mới, người nông dân có điều kiện tham gia nhiều hơn vào các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, nhờ đó, đời sống văn hóa tinh thần của người nông dân trở nên đa dạng, phong phú hơn. Một bộ phận người dân đi làm ăn xa hoặc sinh sống ở vùng khác, song gia đình và người thân vẫn ở làng quê, mỗi dịp lễ tết trở về quê hương mang theo những thực hành và giá trị văn hóa mới của vùng, miền họ sinh sống, dẫn đến văn hóa - xã hội của làng quê chịu sự ảnh hưởng nhất định. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng trong các khu dân cư được đẩy mạnh và ngày càng sôi động. Người nông dân ngày càng quan tâm hơn đến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đầu tư nâng cấp các thiết chế văn hóa cơ sở, như cổng làng, nhà văn hóa, đình, chùa... Nhiều vùng nông thôn được trồng cây xanh, tạo cảnh quan đẹp, vừa làm đẹp thôn làng, vừa làm đẹp cho gia đình, thậm chí người dân coi đó là niềm tự hào.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, biến đổi văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới còn diễn ra ở chiều phức tạp xen lẫn tác động tiêu cực. Ở nhiều vùng làng quê, nhất là ở nơi có tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, cuộc sống của người dân tuy giàu có hơn nhưng lối sống cũng biến đổi nhanh hơn, tệ nạn xã hội, như lô đề, cờ bạc, rượu chè, ma túy, mại dâm, bạo lực xã hội… diễn ra phức tạp hơn. Nhiều nhà hàng, quán karaoke mọc lên tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự, an toàn xã hội, gây xáo trộn làng quê. Mặc dù cơ cấu kinh tế thay đổi dẫn tới xuất hiện các ngành, nghề mới năng động, bảo đảm duy trì cuộc sống của người nông dân, tuy nhiên đôi lúc khiến họ trở nên bị động, lúng túng trước những thay đổi trước mắt; một bộ phận nông dân kém thích ứng, năng động, dễ sa vào các tệ nạn xã hội, bị lôi kéo, dẫn đến những thói hư tật xấu. Bên cạnh đó, những tác động từ quá trình đô thị hóa làm phai nhạt dần những giá trị cốt lõi của làng được tích tụ và lưu truyền qua bao thế hệ.
Các đại biểu tham dự Hội thảo Văn hóa 2022
Nông thôn không chỉ là địa bàn cư trú của cư dân nông thôn và sản xuất nông nghiệp mà còn đảm nhiệm những chức năng mà thành phố không đáp ứng được, trong đó có vấn đề bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa truyền thống, gìn giữ và khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các giá trị nhân văn và tài nguyên con người, các giá trị truyền thống lịch sử…
Tuy nhiên, trong những năm qua, “chức năng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống chưa được thực hiện tốt. Tính gắn kết cộng đồng có xu hướng lỏng lẻo, không gian văn hóa truyền thống dần bị phá vỡ, nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp bị xói mòn. Văn hóa chưa được chú trọng khai thác để trở thành động lực và nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội nông thôn”. Các tiêu chí nông thôn mới, nhất là tiêu chí về văn hóa, còn mang tính “chung chung, hình thức, thiếu phù hợp, đẩy cao tính đồng dạng, làm giảm tính đặc thù văn hóa làng/thôn/buôn/bản”. Thậm chí có cả biểu hiện áp đặt nếp nghĩ, cách làm cho người dân, mà nguyên nhân sâu xa chính là chưa thật sự phát huy đầy đủ vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới. Việc áp dụng các quy định trong Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới cho tất cả các vùng, miền trên toàn quốc vô hình trung gây ra “những ảnh hưởng không mong đợi là suy giảm đa dạng văn hóa và tạo ra nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững của nhiều nhóm cộng đồng, tộc người”.
Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, để xây dựng nông thôn mới thực chất, hiệu quả, bền vững, gắn chặt với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, cần thực hiện tốt chủ trương kinh tế trong văn hóa và văn hóa trong kinh tế; làm kinh tế để có kinh phí hoạt động, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Đa dạng hóa các thiết chế văn hóa nông thôn, lựa chọn và sử dụng hiệu quả nhất các thiết chế văn hóa truyền thống và thiết chế văn hóa mới. Văn hóa không chỉ là những giá trị, những cái trừu tượng, vô hình mà còn là hoạt động, sản phẩm cụ thể; là phương thức sinh hoạt, phương thức ứng xử của cá nhân, cộng đồng, gắn liền với hành vi, suy nghĩ, cách ứng phó của con người với môi trường tự nhiên, xã hội.
Bên cạnh đó, để chủ thể văn hóa thực sự phát huy và khẳng định vai trò của mình trong việc vận hành các thiết chế văn hóa ở cơ sở, trong thực hành, thích nghi và sáng tạo các yếu tố văn hóa mới, cần chú ý tạo điều kiện để nông dân được tham gia vào việc xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, bước đi xây dựng nông thôn mới; triển khai thực hiện các chương trình đó phải cần có sáng kiến và sự đóng góp, tham gia quản lý của nông dân. Cần tăng cường phân cấp, trao quyền cho cấp xã, cấp thôn, bản, tích cực chủ động trong việc phát huy dân chủ, huy động sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng nông thôn được thực sự làm chủ trong xây dựng nông thôn mới; giao quyền cho cộng đồng thực hiện các hoạt động quy mô nhỏ, không phức tạp và có sự huy động đóng góp của cộng đồng, chịu sự giám sát của cộng đồng, bảo đảm tính công khai, minh bạch.
Ngoài ra, cần tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, các ngành, các cấp và các tổ chức liên quan, cộng đồng nông thôn, cá nhân nhằm tạo sự đồng thuận của chính cộng đồng, dòng họ, gia đình và các chủ thể văn hóa để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa trong xây dựng nông thôn mới. Phát huy giá trị của hương ước, quy ước cộng đồng, quy ước nông thôn mới để góp phần bồi đắp ý thức tự giác và sự đồng lòng của người dân. Có chính sách đầu tư hợp lý và chính sách bồi dưỡng cán bộ phụ trách lĩnh vực văn hóa, nghệ nhân văn hóa dân gian. Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch nông thôn, chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động không gian sản xuất nông nghiệp với quan điểm phát triển bền vững môi trường sinh thái và giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa của từng vùng, miền, dân tộc.