Sự kiện. tháng 12/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TS.Phan Thanh Hải: Sớm sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa để nâng cao hiệu quả thực thi chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống

Nhấn mạnh thể chế, chính sách và nguồn lực cho bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, TS.Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia kiến nghị cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa để khắc phục sự chồng chéo, vướng mắc trong vấn đề khoanh vùng bảo vệ đối với các di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam...

GS.TS TỪ THỊ LOAN: HỘI THẢO VĂN HÓA 2022 – RẤT CẦN ĐƯỢC DUY TRÌ THƯỜNG NIÊN

Những bất cập, khó khăn trong thực hiện chính sách và huy động nguồn lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bàn về thể chế, chính sách và nguồn lực cho bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tại Hội thảo Văn hóa 2022, TS. Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế đã chỉ rõ một số bất cập, khó khăn trong thực hiện chính sách và huy động nguồn lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Tiêu biểu là những bất cập liên quan đến việc khoanh vùng bảo vệ di tích; Nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thực tế các di tích cần chống xuống cấp kịp thời. Bên cạnh đó là khó khăn trong việc huy động các nguồn lực để thực hiện công tác thu hồi (hồi hương) các di vật, cổ vật, bảo vật có nguồn gốc từ Việt Nam bị lưu lạc ra nước ngoài...

TS. Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế

Những bất cập liên quan đến việc khoanh vùng bảo vệ di tích: Theo TS.Phan Thanh Hải, Pháp lệnh số 14-LCT/HĐNN7 ngày 04/4/1984 của Hội đồng Nhà nước về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hoá và danh thắng ban hành quy định “mỗi di tích lịch sử, văn hoá là bất động sản và danh lam, thắng cảnh có từ một đến ba khu vực bảo vệ”. Do vậy, những hồ sơ di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam được UNESCO vinh danh và những di tích đã được cấp có thẩm quyền xếp hạng trước năm 2001 sẽ lập và tiến hành khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích theo quy định của Pháp lệnh này. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện, đặc biệt đối với các hồ sơ di tích là di sản văn hóa thế giới.

Thực tiễn cho thấy có nhiều khu di sản thế giới, di tích có diện tích, phạm vi rộng lớn (ví dụ như Quần thể di tích Cố đô Huế) và có nhiều hộ dân, cộng đồng dân cư địa phương đã sinh sống ổn định từ lâu. Trong đó, có nhiều hộ dân đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước thời điểm tiến hành khoanh vùng khu vực bảo vệ di sản thế giới, di tích và thời điểm Luật Di sản văn hóa năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, quy định tại Khoản 3 Điều 32 làm ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của người dân địa phương và rất khó để các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương có thể cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

Bên cạnh đó, TS.Phan Thanh Hải cho rằng, khoản 4 Điều 33 quy định tổ chức thực hiện kiểm kê di tích và công trình, địa điểm được đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương, được bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa chưa đảm bảo tính toàn diện giữa bảo tồn các giá trị di sản văn hóa với tính pháp lý của Luật Đất đai. Bởi vì việc kiểm kê không được lập thành hồ sơ khoa học có xác nhận của các cấp có thẩm quyền và yêu cầu có đơn tự nguyện của cá nhân, tổ chức sở hữu công trình, địa điểm như hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích để làm cơ sở pháp lý về sau.

Cùng với đó, các công trình, địa điểm thuộc danh mục kiểm kê di tích cấp tỉnh trong quá trình muốn sửa chữa, cải tạo sẽ chịu sự chi phối các quy định của Luật Di sản văn hóa tương tự như một “di tích cấp tỉnh”; trường hợp công trình, địa điểm chứa đựng những giá trị lịch sử văn hóa được đưa vào danh mục kiểm kê di tích cấp tỉnh nhưng không có sự đồng thuận của cá nhân, tổ chức sở hữu công trình, địa điểm sẽ dễ dẫn đến việc khiếu nại liên quan đến các quy định của Luật Đất đai.

Du khách tham quan khu di sản Đại Nội Huế (Nguồn ảnh: Internet)

Nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thực tế các di tích cần chống xuống cấp kịp thời:  TS.Phan Thanh Hải cho biết, tỉnh Thừa Thiên Huế là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử nên hệ thống di tích đã được xếp hạng phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh với nhiều loại hình khác nhau (lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ...), do trải qua quá trình tồn tại dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt với nhiều yếu tố tác động nên rất nhiều di tích đã và đang bị xuống cấp cần được tu bổ, tôn tạo kịp thời.

Tuy nhiên, TS.Phan Thanh Hải cho rằng, nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách Nhà nước và nguồn huy động xã hóa để thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi hệ thống di tích trong thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn vì đòi hỏi nguồn lực lớn. Hiện còn rất nhiều công trình di tích quan trọng ở khu di sản Hoàng cung Huế, các lăng tẩm đang xuống cấp, hư hại nghiêm trọng.

Ngoài ra, cùng với việc thực hiện đề án di dời dân cư khu vực I Kinh thành Huế, cũng cần nguồn kinh phí cho công tác trùng tu, bảo tồn hệ thống di tích Thượng Thành, hộ Thành Hào…

Khó khăn trong việc huy động các nguồn lực để thực hiện công tác thu hồi (hồi hương) các di vật, cổ vật, bảo vật có nguồn gốc từ Việt Nam bị lưu lạc ra nước ngoài:  Theo TS.Phan Thanh Hải, hiện chưa có một điều luật hay một văn bản dưới luật nào quy định và hướng dẫn cụ thể việc đưa cổ vật của Việt Nam về nước. Vì vậy, khi các tổ chức, cá nhân muốn đưa cổ vật hồi hương, phải đối diện với nhiều thủ tục hành chính, nhiều khi còn là sự quản lý chồng chéo của các ngành hải quan, thuế, quản lý văn hóa…

Từ thực tiễn, Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài cách đây hàng chục năm, có cả thất bại và thành công, có thể thấy thủ tục, quy định phải tuân thủ khi mua cổ vật phải trải qua rất nhiều khâu, công đoạn như: thành lập hội đồng xét duyệt, thẩm định giá trị, niên đại, lai lịch của hiện vật, đàm phán về mức giá… tạo nên sự chậm trễ, khó khăn trong quá trình sưu tầm, đấu giá để đưa các cổ vật về nước cũng như khuyến khích, huy động hiệu quả các cá nhân, tổ chức cùng tham gia vào công tác thu hồi (hồi hương) các di vật, cổ vật, bảo vật có nguồn gốc từ Việt Nam bị lưu lạc ra nước ngoài.

Một số kiến nghị, đề xuất nâng cao hiệu quả thực thi chính sách và huy động nguồn lực trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Để khắc phục những bất cập, khó khăn trên, TS. Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực thi chính sách và huy động nguồn lực trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống như sau:

Thứ nhất, cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa (đồng thời cũng xem xét sửa đổi một số nội dung của các Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Tài nguyên môi trường...) để khắc phục sự chồng chéo, vướng mắc trong vấn đề khoanh vùng bảo vệ đối với các di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam và di tích đã được lập theo các quy định trước khi Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 có hiệu lực thi hành; công tác quản lý, triển khai dự án ở các khu vực lân cận hoặc tiếp giáp các khu vực bảo vệ di tích. Đồng thời bổ sung nội dung khuyến khích hồi cố cổ vật; xã hội hóa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích... để đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội.

Sau nhiều năm xuống cấp nghiêm trọng, di tích Điện Thái Hòa (Đại Nội Huế) đang được trùng tu để bảo tồn và phát huy giá trị di sản. (Nguồn ảnh: Internet)

Thứ hai, các Bộ, ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ bố trí kinh phí để thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế và các dự án tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, di tích thuộc hệ thống di sản thế giới mà Tỉnh có đề nghị sự hỗ trợ từ nguồn vốn Trung ương như Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND của  Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc hỗ trợ đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng (nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế) trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Đồng thời, sớm nghiên cứu ban hành quy định về định mức tài chính và quy định cụ thể nguồn kinh phí cho công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Thứ ba, Chính phủ đã ban hành Nghị định thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế vì vậy TS. Phan Thanh Hải kiến nghị cần nhanh chóng có các văn bản hành chính để hướng dẫn về nguyên tắc hỗ trợ, cách thức hỗ trợ, tiếp nhận hỗ trợ và thanh quyết toán khoản hỗ trợ cho Quỹ Bảo tồn di sản Huế từ nguồn vốn ngân sách của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác làm cơ sở tổ chức thực hiện, sớm tiếp nhận các nguồn hỗ trợ để đầu tư thực hiện công tác trùng tu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế, mua cổ vật và các tác phẩm nghệ thuật hiện lưu lạc ở nước ngoài...

Thứ tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ việc đào tạo nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa nhằm thu hút nhiều nguồn lực xã hội tham gia mạnh mẽ trong công cuộc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Đồng thời, các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu việc tham gia sâu rộng vào các Công ước quốc tế về di sản văn hóa để tạo tiền đề cho việc thu hồi (hồi hương) các di sản vật thể (di vật, cổ vật, bảo vật) trên thế giới.

Thứ năm, tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế bảo tàng, ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp để kịp thời phát triển hệ thống bảo tàng Việt Nam. Xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực và nhân lực phù hợp để triển khai hiệu quả hoạt động bảo tàng từ trung ương đến các tỉnh. Mặc dù, Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 đã triển khai và bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực, tuy nhiên một số nội dung của quy hoạch vẫn chưa được triển khai đồng bộ, vì vậy cần tiếp tục xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống Bảo tàng Việt Nam đến 2030, định hướng 2050; trong đó có định hướng nội dung, giải pháp trưng bày cụ thể để tránh trùng lặp giữa các Bảo tàng công lập cũng như bảo tàng ngoài công lập.

TS.Phan Thanh Hải nhấn mạnh, việc nâng cao hiệu quả thực thi chính sách và huy động các nguồn lực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống sẽ giữ gìn, phát huy những di sản văn hóa vô cùng quý báu, trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội Thừa Thiên Huế theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Bích Ngọc

Tác giả: Bích Ngọc