Sự kiện. tháng 12/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TS.Nguyễn Phương Hòa: Mô hình nhà nước là nhà đầu tư xã hội dự kiến giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa

Theo dõi "Hội thảo Văn hóa 2022" do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục phối hợp tổ chức vừa qua, TS.Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, mô hình Nhà nước là “nhà đầu tư xã hội” có thể là một hướng đi mới cho Việt Nam, qua đó giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và công bằng xã hội, tạo xung lực cho các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo Việt Nam phát triển...

ĐBQH NGUYỄN THỊ LỆ THỦY: ĐẦU TƯ CHO VĂN HÓA LÀ ĐẦU TƯ CHO SỰ THỊNH VƯỢNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG, GỐC RỄ CỦA DÂN TỘC

PGS.TS VŨ THỊ PHƯƠNG HẬU: PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA VĂN HÓA LÀ NGUỒN LỰC NỘI SINH QUAN TRỌNG

TS.Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 

Theo dõi Hội thảo Văn hóa 2022, TS.Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ một số quốc gia tiêu biểu đang dẫn dắt ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo hiện nay, một số điều cần lưu ý trong quá trình xây dựng và điều chỉnh mô hình đầu tư cho văn hóa cũng như đề xuất mô hình đầu tư văn hóa cho Việt Nam.

Phóng viên: Thưa bà, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo là một trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và được dự báo có đóng góp đáng kể cho GDP toàn cầu lên tới 10% vào năm 2030. Bà có thể nêu dẫn chứng một số mô hình đầu tư cho văn hóa của một số nước trên thế giới?

TS. Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Mô hình “Nhà bảo trợ” của Anh

Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy, Anh tiêu biểu cho mô hình đầu tư “Nhà bảo trợ”, Nước Anh là nơi phát triển và lan tỏa thuật ngữ “các ngành công nghiệp sáng tạo” ra toàn cầu. Bộ Văn hóa, Truyền Thông và Thể thao của nước này với mục tiêu vạch ra phương hướng thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo trở thành động lực của nền kinh tế đã ban hành Tài liệu Lập bản đồ Các ngành công nghiệp sáng tạo năm 1998. Bộ này cũng xác định 13 ngành thuộc các ngành công nghiệp sáng tạo gồm quảng cáo, đồ cổ, kiến trúc, thủ công, thiết kế, thời trang, điện ảnh, phần mềm giải trí, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, xuất bản, phần mềm, và truyền hình và phát thanh.

Theo tôi, nước Anh có mô hình đầu tư cho văn hóa được cho là thành công với sự kết hợp hài hòa giữa đầu tư công, doanh thu, nguồn tài chính tư nhân và hiến tặng. Chính nguồn lực đa dạng này đã tạo điều kiện để lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật có thể phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy tăng trưởng thông qua đầu tư và các biện pháp ưu đãi. 

Đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật được thực hiện thông qua Hội đồng Nghệ thuật Anh (Art Council of England, viết tắt là ACE) với ngân sách hàng năm lên tới hơn 600 triệu bảng từ Chính phủ và Quỹ Xổ số quốc gia nhằm tạo ra những trải nghiệm văn hóa làm giàu có thêm đời sống của người dân.

Bên cạnh đó, Chính phủ nước này đã có nhiều biện pháp ưu đãi để khuyến khích hiến tặng tư nhân, tài trợ của các doanh nghiệp và các nguồn tài trợ khác cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Từ nhiều năm, Anh áp dụng chính sách hoàn thuế VAT cho các bảo tàng và phòng trưng bày. Nhằm hỗ trợ cho văn hóa và công nghiệp sáng tạo chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, chính phủ Anh đã triển khai nhiều biện pháp như Chương trình cho vay phục hồi. Đặc biệt, tháng 7/2020, Chính phủ công bố “Quỹ phục hồi văn hóa” lên tới 1,57 tỷ bảng Anh - đóng vai trò là “gói giải cứu” cho nghệ thuật, văn hóa, và di sản.

Mô hình xuất khẩu văn hóa của Hàn Quốc

Đóng góp cho sự nhảy vọt thần kỳ của nền kinh tế Hàn Quốc, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy vai trò của nền công nghiệp nội dung văn hóa với làn sóng K-pop, K-drama...xuất khẩu văn hóa ra toàn thế giới. Một trong những chuyển biến cấp tiến làm nên thành công là việc chuyển hướng chính sách công nghiệp văn hóa từ kiểm soát về chính trị sang coi công nghiệp văn hóa là trọng tâm của các chiến lược phát triển kinh tế hướng về xuất khẩu vào đầu những năm 1990. Chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được triển khai đồng bộ cùng đầu tư của Chính phủ Hàn Quốc vào các ngành chiến lược khác như công nghệ thông tin và truyền thông, hướng nền công nghiệp này theo hướng “xuất khẩu” các sản phẩm văn hóa mang thương hiệu Hàn Quốc ra thế giới.

Chúng ta thấy rằng, thay đổi quan trọng trong cơ chế quản lý văn hóa của Hàn Quốc là xu hướng phi tập trung hóa. Xu hướng chuyển từ “chính phủ ra quyết định và quản lý” sang việc “hợp tác giữa chính phủ và các khu vực tư nhân”. Tôi cho rằng, xu hướng này đảm bảo cho việc chính sách văn hóa không phải được áp đặt từ trên xuống mà chính sách phản ánh được nhu cầu của mọi tầng lớp xã hội. Quá trình phân cấp, phân quyền trong quản lý văn hóa có thể làm cho khu vực văn hóa nghệ thuật tự chủ và năng động hơn, đồng thời cũng là tiền đề cho sự phát triển lành mạnh của khu vực này.

Hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc tập trung nhiều hơn theo hướng hỗ trợ gián tiếp cho văn hóa nghệ thuật. Nhà nước có các biện pháp ưu đãi để xã hội đầu tư và tiêu thụ văn hóa nghệ thuật như ban hành các quy định, giảm và miễn thuế cho việc mua bán các tác phẩm nghệ thuật và doanh thu từ các sự kiện văn hóa nghệ thuật. Bên cạnh đó, tôi nhận thấy, Chính phủ Hàn Quốc tiến hành các phương thức đa dạng hóa các nguồn lực tài chính cho văn hóa để khuyến khích sự thích ứng với môi trường và chủ động phát triển của các tổ chức văn hóa nghệ thuật trong nước.

Ngoài các mô hình của Anh và Hàn Quốc, tôi có thể kể đến mô hình “kiến trúc sư” của Phápmô hình “Người tạo điều kiện” của Hoa Kỳ. Tại Hoa Kỳ, hệ thống ưu đãi thuế và truyền thống hiến tặng cá nhân đã trở thành một đặc trưng riêng, cùng với kỹ năng “gây quỹ” chuyên nghiệp của các tổ chức văn hóa nghệ thuật đã huy động được nguồn lực lớn cho lĩnh vực này. Đặc biệt, Chính phủ Hoa Kỳ bảo vệ mạnh mẽ bản quyền và sở hữu trí tuệ thông qua hệ thống pháp luật từ Hiến pháp cho đến các đạo luật riêng và cơ chế thực thi, tòa án các cấp, coi đây là vấn đề cốt lõi để phát triển ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, động lực phát triển của nền kinh tế Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, còn có mô hình phát triển văn hóa XHCN mang đặc sắc Trung Quốc. Theo đó Chính phủ Trung Quốc rất chú trọng đến phát triển công nghiệp văn hóa trong kế hoạch chung về phát triển kinh tế xã hội; tăng đầu tư hàng năm cho công nghiệp văn hóa với mức độ không thấp hơn tốc đầu đầu tư tài chính nói chung. Bên cạnh việc ưu tiên tăng đầu tư tài chính cho công nghiệp văn hóa nói chung, Trung Quốc còn ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa ở các vùng kém phát triển ở miền Trung và phía Tây Trung Quốc cũng như các khu vực thiểu số.

Phóng viên: Từ kinh nghiệm một số quốc gia tiêu biểu đang dẫn dắt ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trên thế giới vừa nêu, bà có thể chỉ ra một số bài học kinh nghiệm để nước ta nghiên cứu, tham khảo?

TS. Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Từ kinh nghiệm một số quốc gia tiêu biểu đang dẫn dắt ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trên thế giới, có thể thấy Chính phủ các nước đều tiến hành các biện pháp, chính sách ở các cấp độ khác nhau để hỗ trợ sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, bao gồm việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, cung cấp hỗ trợ tài chính công trực tiếp hoặc gián tiếp cho các thiết chế văn hóa công, các nghệ sỹ, các tổ chức phi chính phủ, huy động nguồn lực và sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân... trong việc tiếp cận các phương tiện sản xuất, phân phối các hoạt động văn hóa, hàng hóa và dịch vụ văn hóa, triển khai các chương trình đào tạo, ươm mầm nghệ sỹ trẻ tài năng, cơ chế bảo vệ bản quyền tác giả...

(Nguồn ảnh: Internet)

Tôi cho rằng, trong bối cảnh hậu công nghiệp và sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin và cách mạng 4.0, các nước đều quan tâm đầu tư chuyển đổi số, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế để tăng cường ảnh hưởng, mở rộng thị trường, nâng cao vị thế và hình ảnh quốc gia.

Do vậy, một số yếu tố quan trọng và xu thế mà chúng ta cần lưu ý trong quá trình xây dựng và điều chỉnh mô hình đầu tư cho văn hóa nhằm hỗ trợ sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo bao gồm:

Trước hết, thay vì quan niệm đơn thuần chính sách văn hóa chỉ là chính sách tài trợ cho nghệ thuật, lấy nghệ sỹ - người sáng tạo làm trung tâm, thì tôi nhận thấy rằng, chính sách văn hóa trong thời đại ngày nay hướng đến công chúng, quan tâm đến thị hiếu của công chúng, đặt trọng tâm vào các loại hình văn hóa, nghệ thuật hiện đại, cần tập trung vào các khâu phân phối, phát hành, tiêu thụ.

Thứ hai, để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thành công, tôi cho rằng cần có sự gắn kết giữa chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo với các chiến lược khác có liên quan, trở thành một bộ phận trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, gắn kết và có sự tương hỗ với các chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiến lược đào tạo nghề...

Thứ ba, cần có sự điều phối thống nhất các sáng kiến và hành động giữa các Bộ, ngành khác nhau trong Chính phủ vì mục tiêu chung, lý tưởng nhất là hình thành một cơ quan chỉ đạo liên ngành để huy động tối đa các nguồn lực nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo.

Thứ tư, Nhà nước cần tạo môi trường thuận lợi, hệ sinh thái để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Các doanh nghiệp sáng tạo được tiếp cận nguồn hỗ trợ tài chính phù hợp và khu vực tài chính nhận thức được cơ hội lợi nhuận khi đầu tư vào các ngành công nghiệp sáng tạo.

Thứ năm, tôi nghĩ rằng, cần thúc đẩy sáng tạo và đổi mới sáng tạo trong thanh niên để có nguồn cung về nhân lực sáng tạo trong tương lai và phải đảm bảo khả năng phát hiện và nuôi dưỡng các tài năng sáng tạo từ các cấp học phổ thông.

Thứ sáu, cần phải công nhận, tận dụng và phát huy quan hệ tương hỗ giữa khu vực được Nhà nước trợ cấp và khu vực thương mại, giữa các ngành công nghiệp sáng tạo và các lĩnh vực văn hóa khác, đẩy mạnh hợp tác công - tư, nhằm thúc đẩy đời sống văn hóa đa dạng.

Phóng viên: Bà có gợi mở, đề xuất như thế nào về mô hình đầu tư văn hóa cho Việt Nam phù hợp với thực tiễn nước ta hiện nay?

TS. Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tôi cho rằng, Nhà nước đóng vai trò là “nhà đầu tư xã hội” có thể là một hướng đi mới cho Việt Nam nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đất nước, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hạnh phúc. Mục tiêu của mô hình chính sách này lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam toàn diện vì sự phát triển bền vững. Con người vừa là nguồn vốn đầu tư, vừa là động lực cho sự phát triển.

Trong mô hình “Nhà đầu tư xã hội”, theo tôi, Nhà nước sẽ tập trung đầu tư cho công tác đào tạo, giáo dục một cách bài bản, có hệ thống, chú trọng từ giáo dục cho trẻ em, cho đến tạo điều kiện cho người trưởng thành được “học tập suốt đời”, giúp hình thành những con người có đủ kiến thức, năng lực, kỹ năng, tư duy sáng tạo, hỗ trợ các tài năng trẻ trở thành những nghệ sỹ chuyên nghiệp, tiến hành các chương trình khởi nghiệp, đặt hàng sáng tác các tác phẩm có chất lượng cao, đưa giáo dục nghệ thuật vào các trường phổ thông để giúp định hướng thẩm mỹ, hình thành nhân cách, xây dựng khán giả và những khách hàng tương lai cho thị trường văn hóa, nghệ thuật... 

Quang cảnh Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề: “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì và phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Ninh tổ chức.

Tôi nhận thấy, Nhà nước phải đóng vai trò kiến tạo môi trường pháp luật và hình thành hệ sinh thái văn hóa đa dạng nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng về văn hóa cho mọi người. Trong môi trường văn hóa đó, quyền tự do sáng tạo được đảm bảo, Nhà nước có các chính sách an sinh, xã hội, bảo hiểm cho các nghệ sỹ, những người làm sáng tạo hoạt động trong và ngoài hệ thống công lập, có các chính sách ưu đãi, khuyến khích phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa tham gia các hoạt động văn hóa.

Bên cạnh đó, Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa lớn biểu tượng quốc gia, tiến hành các Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn di sản, bảo tồn và phát triển văn hóa du lịch các dân tộc thiểu số, Chương trình chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 trong các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo, hình thành các Quỹ bảo trợ nghệ thuật, Quỹ phát triển điện ảnh,... đặt hàng các tác phẩm đỉnh cao, bảo trợ các giải thưởng trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo để định hướng thẩm mỹ và khắc phục những khiếm khuyết của cơ chế thị trường khi chỉ chạy theo sản xuất các hàng hóa, dịch vụ có khả năng sinh lời, thị hiếu dễ dãi của đám đông. Về khía cạnh xã hội, tôi cho rằng, văn hóa cần trở thành một hàng hóa công, phục vụ người dân, đảm bảo quyền hưởng thụ văn hóa của người dân các vùng miền một cách bình đẳng.

Không những thế, Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” cho thị trường hình thành và phát triển, có sự liên kết, hội nhập vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Nhà nước có các chính sách ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế đất, hình thành các gói vay ưu đãi, tín dụng...tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư và hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa và sáng tạo, từng bước hỗ trợ hình thành các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ văn hóa có thương hiệu quốc gia, tạo ra giá trị gia tăng lớn, được phân phối, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần hạn chế hoạt động quản trị và can thiệp trực tiếp vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tập trung thực hiện chức năng quản lý Nhà nước. Lấy thị trường làm cơ sở để phân bổ các nguồn lực, kết hợp điều tiết vĩ mô thông qua các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các nguồn lực, biện pháp, chính sách hướng quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hệ thống kinh doanh vào những lĩnh vực công nghiệp văn hóa và sáng tạo và địa bàn cần được ưu tiên tập trung đầu tư, mạnh dạn “xã hội hóa” một số nhiệm vụ của Nhà nước, mở ra một số lĩnh vực trước đây được coi là độc quyền Nhà nước (dịch vụ thư viện, bảo tàng, nhà hát...) để mở ra cho khu vực kinh tế tư nhân và các doanh nghiệp xã hội nhằm đạt hiệu quả kinh tế.

Tôi cho rằng, mô hình Nhà nước là nhà đầu tư xã hội dự kiến giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và công bằng xã hội, vừa cung cấp dịch vụ công về văn hóa cho công chúng, vừa giải phóng sức sáng tạo, sự năng động của thị trường và huy động được các nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa, tạo xung lực cho các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo Việt Nam phát triển với các thương hiệu quốc gia, tiếp cận được thị trường quốc tế.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

Bích Ngọc

Tác giả: Bích Ngọc