Sự kiện. tháng 12/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TS. Trần Hữu Sơn: Vai trò của tôn giáo, tín ngưỡng, hương ước phải được bổ sung vào Luật Di sản văn hóa, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Du lịch

Theo dõi Hội thảo Văn hóa 2022, TS. Trần Hữu Sơn, Nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam quan tâm đến vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cho rằng hiện nay vai trò của tín ngưỡng, tôn giáo và hương ước chưa được coi trọng trong cộng đồng các dân tộc, TS.Trần Hữu Sơn kiến nghị cần bổ sung nội dung các thành tố này trong các Luật Di sản văn hóa, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Du lịch. 

 Theo dõi Hội thảo Văn hóa 2022, TS. Trần Hữu Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa là vấn đề quan trọng và cấp bách, đòi hỏi phải xây dựng được thể chế và chính sách phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng ở các bản làng vùng đồng bảo dân tộc thiểu số, ở vùng nông thôn Việt Nam vai trò của thể chế phi chính thức đang chi phối mạnh mẽ mọi mặt trong đời sống cá nhân và cộng đồng. Vì vậy TS.Trần Hữu Sơn đề nghị cần phải nghiên cứu các giải pháp cụ thể về xây dựng thể chế, chính sách chính thức và phi chính thức ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

TS. Trần Hữu Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Thể chế phi chính thức đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý xã hội và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa

Theo TS. Trần Hữu Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, hiện nay, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp quản lý và cộng đồng quan tâm thực hiện. Tuy nhiên trong quá trình chuyển đổi giá trị văn hóa đòi hỏi phải chuyển đổi các thể chế và chính sách. Mặt khác một số thể chế chính sách khi “va đập” với thực tiễn đã trở thành bất cập, thậm chí gây khó khăn cho vấn đề bảo tồn phát huy giá trị. Một số quan niệm cũ về giá trị văn hóa chậm được đổi mới, không phù hợp với thực tiễn gây cản trở cho thực tiễn.

TS.Trần Hữu Sơn cho rằng, thể chế với chính sách là một, chính sách là một bộ phận của thể chế. Trong thể chế có 2 loại hình quan trọng là thể chế chính thức và thể chế phi thức. Thể chế chính thức bao gồm hiến pháp, luật pháp, các chính sách, quy định của nhà nước và chính quyền địa phương. Thể chế phi chính thức bao gồm hương ước, luật tục, thế giới quan tộc người và các chuẩn mực ứng xử khác trong cộng đồng.

Nghiên cứu tác động của thể chế đối với vấn đề bảo tồn phát huy giá trị văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, TS.Trần Hữu Sơn kiến nghị cần chú ý một số đặc điểm như sau:

- Xã hội các dân tộc thiểu số có các thiết chế cơ bản như gia đình, dòng họ, cộng đồng làng bản, phum sóc với các nhóm xã hội (nhóm sở thích - câu lạc bộ múa Khèn, câu lạc bộ xòe, hát Then...; nhóm nghề nghiệp - làm thổ cẩm của phụ nữ; nhóm chế tác chạm khắc bạc; nhóm làm du lịch cộng đồng, vv…). Các thiết chế xã hội này đều được quản lý, điều chỉnh, định hướng bằng các thể chế chính thức và phi chính thức.

- Dư luận làng đóng vai trò quan trọng, là tiếng nói chính thức của cộng đồng nhằm bảo vệ thể chế phi chính thức. Dư luận làng trở thành lực lượng hướng dẫn và cưỡng chế các thành viên ứng xử theo đúng chuẩn mực của hương ước và tập quán pháp. Dư luận làng còn góp phần cổ vũ, khích lệ các thành viên chấp hành các thể chế trong làng.

- Thể chế phi chính thức còn được hình thành thông qua đặc điểm xã hội truyền thống của các thôn bản, buôn làng,... Bộ máy tổ chức và cơ chế vận hành của thôn bản, buôn làng miền núi (từ Tây Bắc vào Tây Nguyên) truyền thống bao gồm 3 thành tố tổ chức: Trưởng thôn; Hội đồng già làng; Hội nghị dân bản, buôn làng.

Qua thực tiễn, TS.Trần Hữu Sơn nhận thấy, thể chế phi chính thức đang còn chi phối mạnh mẽ ở thôn bản. Thể chế phi chính thức đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Khảo sát ở một số làng miền núi phía Bắc, TS.Trần Hữu Sơn nêu rõ, thể chế chính thức (luật pháp, chính sách...) được vận hành ở trong đội ngũ cán bộ đảng viên và một bộ phận người dân. Trong khi đó, thể chế phi chính thức lại chi phối, quản lý các thành viên, tạo thành các chuẩn mực cả thôn bản tuân theo. Thể chế phi chính thức vẫn còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc quản lý xã hội và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Do đó, trong thực tiễn cần tôn trọng thể chế phi chính thức. Chính quyền cơ sở cũng xác định thể chế phi chính thức là công cụ quản lý xã hội ở các thôn bản miền núi.

Xác định tôn giáo, tín ngưỡng các dân tộc không chỉ là di sản văn hóa mà còn là môi trường hình thành và phát triển di sản văn hóa

Thể chế phi chính thức đóng vai trò quan trọng nhưng trong thực tiễn ngành Văn hóa - Thể thao - Du lịch và chính quyền ít coi trọng thể chế phi chính thức. Vì vậy, TS.Trần Hữu Sơn kiến nghị cần nghiên cứu một số loại hình quan trọng của thể chế phi chính thức vận dụng vào công tác quản lý xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa hiệu quả.

TS.Trần Hữu Sơn cho rằng, thế giới quan tộc người đóng vai trò rất quan trọng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, nhưng trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo không có điều luật cụ thể về thế giới quan tộc người, chỉ gộp chung tín ngưỡng, lễ hội vào trong các điều luật cụ thể. Thế giới quan các tộc người cũng ít được các nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá vai trò của nó với quản lý xã hội. Nhưng thực tế, hầu hết các di sản văn hóa nổi tiếng của các dân tộc thiểu số đều liên quan đến thế giới quan các tộc người như di sản thực hành Then của người Tày, Thái, di sản xòe của người Thái, di sản tranh cắt giấy, tranh thờ, di sản múa thiêng, âm nhạc... trong các sinh hoạt tín ngưỡng và tang ca.

Thực tế ở các thôn bản, những điệu múa hay nhất, hấp dẫn nhất của đồng bào các dân tộc như múa khèn của người Hmông, múa chuông của người Dao, nhảy lửa của người Pà Thẻn, người Dao. Đặc biệt, các sử thi hoặc dân ca nghi lễ mang tính sử thi nổi tiếng như Bàn vương thư của người Dao, Khúa kê của người Hmông, Đẻ đất đẻ nước của người Mường giàu giá trị văn hóa. Các loại tranh thờ, tranh cắt giấy của các dân tộc Nùng, Tày, Dao... đều là tranh tôn giáo, tín ngưỡng.

Nhấn mạnh không có thế giới quan bản địa, không có tôn giáo, tín ngưỡng riêng của từng tộc người thì không sản sinh ra các di sản văn hóa nổi bật như vậy, TS.Trần Hữu Sơn đề nghị, những đặc điểm này cần được bổ sung vào nhận thức của chính quyền và người dân, cũng như các chính sách cụ thể.

Trước hết, ở vùng dân tộc thiểu số trong nhận thức của mọi người cần phải tôn trọng tôn giáo, tín ngưỡng các dân tộc. Xác định tôn giáo, tín ngưỡng các dân tộc không chỉ là di sản văn hóa mà còn là môi trường hình thành và phát triển di sản văn hóa.

Hiện nay, nhiều yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, TS.Trần Hữu Sơn đề nghị cần đánh giá lại vai trò của thầy cúng trong trong hoạt động tín ngưỡng, vai trò của tôn giáo, tín ngưỡng trong cộng đồng các dân tộc. Do trong quá trình bảo tồn di sản, ở vùng người Kinh và dân tộc thiểu số chưa nhận thức đúng vai trò của tôn giáo, tín ngưỡng với di sản. Do đó, nhiều địa phương chỉ chú trọng truyền dạy di sản trong lớp trẻ, trong lớp học.

Vai trò của tôn giáo, tín ngưỡng phải được bổ sung vào Luật Di sản văn hóa và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

Cho rằng mai một tôn giáo, tín ngưỡng thì các di sản này cũng mai một hoặc bị biến dạng, TS.Trần Hữu Sơn kiến nghị muốn bảo tồn các di sản này thì phải tôn trọng môi trường sản sinh ra các di sản này như tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng (hát Xoan, hát Trống quân), tín ngưỡng saman gắn với Then (di sản Thực hành Then), tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên - diễn xướng chặng đường về với tổ tiên (di sản múa khen Hmông). Tôn giáo, tín ngưỡng thực chất vừa là môi trường gốc, vừa là điều kiện để thăng hoa các di sản nghệ thuật.

Vì vậy, TS.Trần Hữu Sơn nhấn mạnh, vai trò của tôn giáo, tín ngưỡng phải được bổ sung vào Luật Di sản văn hóa và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Đặc biệt, trong Luật Di sản văn hóa được công bố năm 2001 và Sửa đổi, bổ sung năm 2009 đều không đề cập đến vai trò của tôn giáo, tín ngưỡng với di sản văn hóa. Đây là một “khoảng trống” lớn của thể chế chính thức.

TS. Trần Hữu Sơn cũng chỉ rõ, trong thực tiễn, nhiều cơ sở đảng, chính quyền ở các xã vùng dân tộc thiểu số coi các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của người dân là mê tín dị đoan, thậm chí bài xích, ngăn cấm. Nhiều địa phương không phân biệt được giữa tín ngưỡng và mê tín. Ngay ở các công trình nghiên cứu, các văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chưa phân biệt một cách khoa học tín ngưỡng và mê tín. Do đó, ở cấp dưới càng lúng túng khi chỉ đạo thực tiễn.

Hương ước - thể chế phi chính thức quản lý xã hội và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa

Vấn đề quản lý xã hội là vấn đề quan trọng và cấp bách ở khu vực nông thôn nhưng TS.Trần Hữu Sơn cho rằng, chế tài quản lý hiệu quả trong xã hội truyền thống là hương ước của các thôn bản lại chưa được chú trọng hoặc biên soạn thực hiện mang tính chất hình thức. Trong xã hội truyền thống, các hương ước đóng vai trò như một nguyên tắc định hướng chung của cả cộng đồng. Đây cũng là văn bản thể hiện chuẩn mực, chế tài thực hiện mà cộng đồng thôn bản, buôn làng phải tuân theo. Các hương ước này đã định hướng những nội dung cần phải thực hiện của thôn bản, buôn làng.

Hương ước được thông qua trong cúng các vị thần chung của làng có các vị thần làng về chứng giám. Do đó, hương ước cũng mang tính thiêng. TS.Trần Hữu Sơn cũng nêu rõ, hương ước không chỉ cư dân làng ủng hộ mà còn được sự bảo trợ của các thần linh của làng. Nhờ có tính thiêng, trong một không gian bối cảnh thiêng (người trưởng làng đọc hương ước và toàn dân làng xin thề thực hiện) nên hương ước càng được tôn vinh trở thành một cương lĩnh, một lời thề thiêng của cả thôn bản, buôn làng. Mỗi hương ước đều có điều khoản mang tính chất chế tài xử lý các hành vi vi phạm. Nhưng điều quan trọng hơn của hương ước là tiếng nói chung của cả thôn bản, buôn làng được thiêng hóa nên mọi thành viên đều nghiêm ngặt tuân theo hương ước. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề xây dựng hương ước theo tiêu chuẩn danh hiệu làng văn hóa có biến đổi và nảy sinh nhiều điều bất cập. Chuẩn mực nếp sống văn hóa của thôn bản, buôn làng không được cộng đồng thực hiện nghiêm túc mà chủ yếu là thực hiện lấy lệ.

Qua những phân tích nêu trên, TS.Trần Hữu Sơn nhận thấy, trong vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số các thể chế phi chính thức đóng vai trò rất quan trọng. Trong thể chế phi chính thức có hai thành tố nổi bật là tôn giáo, tín ngưỡng chi phối thế giới quan của người dân và cộng đồng là môi trường sản sinh và thực hành của các di sản văn hóa; hương ước là công cụ định hướng chuẩn mực quản lý xã hội, quản lý vấn đề bảo tồn di sản. Tuy nhiên, TS.Trần Hữu Sơn nhận thấy trong thực tiễn hiện nay, cả hai thành tố thể chế phi chính thức này lại không được coi trọng.

Do đó, TS.Trần Hữu Sơn kiến nghị cần bổ sung nội dung các thành tố này trong các Luật Di sản văn hóa, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Du lịch. Mặt khác, đội ngũ cán bộ quản lý và người dân phải thay đổi quan niệm, nhận thức về vai trò tôn giáo, tín ngưỡng, vai trò của hương ước trong hoạt động thực tiễn. Đây là “khoảng trống” cần được các nhà khoa học, nhà quản lý thực tiễn nghiên cứu, quan tâm để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số./.

Bích Ngọc

Tác giả: Bích Ngọc