Sự kiện. tháng 12/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

PGS.TS Phạm Duy Đức: Tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa

Quan tâm đến nguồn lực phát triển văn hóa tại Hội thảo Văn hóa 2022, PGS.TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, việc đầu tư của Nhà nước để phát triển cơ sở hạ tầng văn hóa còn thấp, nguồn vốn đầu tư để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu… Từ đó kiến nghị một số giải pháp căn cơ nhằm tăng cường đầu tư nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đầu tư nguồn lực để phát triển văn hóa. PGS.TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, các nguồn lực này đóng vai trò trọng yếu để tạo nên động lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa ở tất cả các lĩnh vực, các thành tố và các hoạt động văn hóa từ cấp trung ương đến cơ sở, từng bước phát huy được vai trò, sức mạnh của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Theo PGS.TS Phạm Duy Đức, nguồn lực để phát triển văn hóa bao gồm nguồn lực nhà nước và nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nguồn lực quốc tế; nguồn lực tài chính, nguồn lực đất đai, nguồn lực khu vực công nghệ tổ chức bộ máy; nguồn lực con người tham gia hoạt động văn hóa… Sau 12 năm bước vào sự nghiệp đổi mới, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương năm khóa VIII (1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong Nghị quyết này, Đảng ta đã xác định phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (2014) đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước tiếp tục nhấn mạnh giải pháp "Tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa".

Ngày 04 tháng 6 năm 2020, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Trong bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: “Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao". Tổng Bí thư yêu cầu: "Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa…”

PGS.TS Phạm Duy Đức nhận thấy, nhìn chung, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với tăng cường đầu tư cho nguồn lực để phát triển văn hóa đã được nhận thức một cách toàn diện và sâu sắc, thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong việc tạo nên một bước chuyển biến để phát triển văn hóa, con người trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Đây chính là tiền đề chính trị và pháp lý cơ bản để khơi dậy các nguồn lực để phát triển văn hóa và xây dựng con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Thực tiễn triển khai thực hiện chính sách khơi thông nguồn lực phát triển văn hóa

Thực tiễn thời gian qua, nguồn lực đầu tư từ phía nhà nước và xã hội cho phát triển văn hóa, con người đã được nâng lên và sử dụng có hiệu quả. PGS.TS Phạm Duy Đức cho biết, đối tượng tiếp nhận và thụ hưởng các nguồn lực từ Nhà nước được mở rộng với diện bao phủ hầu hết các lĩnh vực hoạt động văn hóa, từ xây dựng các thiết chế văn hóa từ Trung ương tới cơ sở xã, phường đến phát triển các ngành văn hóa, nghệ thuật; từ đầu tư cho lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, tới các chương trinh, dự án phát triển văn hóa vùng Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam Bộ…

Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, Chính phủ đã hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương trên cả nước chống xuống cấp và tu bổ di tích với thứ tự ưu tiên: chống xuống cấp; tu bổ di tích; tôn tạo di tích.

Nhà nước đã tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy các hoạt động xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa và đổi mới, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp văn hóa Nhà nước. Nhiều đơn vị sự nghiệp văn hóa, báo chí, xuất bản, cơ sở đào tạo của Nhà nước đã chuyển sang cơ chế tự chủ có nguồn thu nhập tốt để tái đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật, áp dụng công nghệ tiên tiến trong tổ chức, quản lý và hoạt động nghiệp vụ. Nhân dân ở các địa phương đã góp sức người, sức của, đất đai, tài chính để nâng cao đời sống văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, đóng góp tích cực vào bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở cơ sở.

Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Duy Đức cho rằng, trong những năm đổi mới vừa qua, công tác đầu tư nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người còn một số những bất cập và yếu kém sau:

Thứ nhất, việc thể chế quan điểm của Đảng về đầu tư nguồn lực để phát triển văn hóa còn chậm, nhất là thể chế hóa quan điểm "đầu tư cho văn hóa tương đương với mức tăng trưởng kinh tế"; "Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế và phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư, đặc biệt là ở những nơi còn khó khăn. Khuyến khích hình thành các quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản" v.v… Ưu tiên đầu tư một số cơ sở đào tạo trọng điểm, chất lượng cao và một số ngành công nghiệp văn hóa chủ đạo" v.v…

Thứ hai, việc đầu tư của Nhà nước để phát triển cơ sở hạ tầng văn hóa còn thấp. Kinh phí bố trí mua sắm trang thiết bị hiện đại, tiên tiến, áp dụng công nghệ số và phần mềm thông minh vào tổ chức, quản lý còn hạn chế. Việc duy trì và bổ sung trang thiết bị cho hoạt động văn hóa tại các thiết chế văn hóa từ trung ương đến cơ sở gặp nhiều khó khăn. Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020 đầu tư mới chỉ đạt được một số việc, chưa làm thay đổi căn bản được diện mạo cơ sở hạ tầng văn hóa ở các vùng miền, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo.

Thứ ba, nguồn vốn đầu tư để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu. Chính sách đãi ngộ, sử dụng nhân tài trên lĩnh vực văn hóa còn tự phát, tùy vào mỗi địa phương, chưa trở thành chính sách chung của quốc gia.

PGS.TS Phạm Duy Đức chỉ rõ, nguồn vốn xã hội đầu tư phát triển văn hóa ngày càng gia tăng nhưng phần lớn tập trung vào các công trình phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và một số lĩnh vực văn hóa phục vụ cho mục đích kinh doanh. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển sản phẩm du lịch văn hóa và nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch gặp khó khăn.

Thứ tư, công tác quản lý, đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn lực để phát triển văn hóa còn nhiều bất cập, nhất là hiệu quả trong việc sử dụng kinh phí, đất đai, trong việc quản lý và thực thi chính sách, pháp luật, đề án, kế hoạch liên quan đến hoạt động văn hóa ở cơ sở.

Thứ năm, việc triển khai nguồn lực đầu tư để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan còn nhiều lúng túng, thiếu hành lang pháp lý để điều chỉnh, hướng dẫn.

PGS.TS Phạm Duy Đức cho rằng, những hạn chế và yếu kém này đã gây nên khoảng cách giữa quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước với thực tiễn tăng cường nguồn lực để phát triển văn hóa ở các cấp, các ngành. Thậm chí, có nơi, có lúc, nguồn lực đầu tư từ Trung ương về địa phương bị cắt giảm. Có địa phương chuyển nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực văn hóa vào khu vực khác, gây khó khăn cho cơ sở, nhất là trong nâng cấp các thiết chế văn hóa và đào tạo nguồn nhân lực văn hóa ở cơ sở. Có địa phương còn tùy tiện trong bố trí cán bộ quản lý văn hóa.

Nguyên nhân dẫn đến có độ chênh, trễ, thậm chí mâu thuẫn giữa chính sách đến thực tiễn trong đầu tư nguồn lực để phát triển văn hóa có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, tuy nhiên PGS.TS Phạm Duy Đức nhận thấy nguyên nhân chủ quan là chính. Trước hết một số cấp ủy và chính quyền địa phương chưa nhận thức rõ vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững đất nước, chưa thấy rõ đầu tư nguồn lực cho phát triển văn hóa là đầu tư để phát triển bền vững. Việc bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu đầu tư và sử dụng nguồn lực cho văn hóa còn bất cập. Việc thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành luật pháp và chính sách còn chậm. Một số chính sách ban hành rồi nhưng khó khả thi hoặc không phù hợp so với thực tiễn. Công tác bố trí ngân sách cho văn hóa còn hạn chế. Một số nơi sử dụng chưa hiệu quả, thậm chí lãng phí. Cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực từ xã hội cho phát triển văn hóa còn chưa đồng bộ và chưa thống nhất. Công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực thi chính sách từ trung ương đến cơ sở còn hạn chế.

Một số kiến nghị nhằm tăng cường đầu tư nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước

Qua phân tích một số bất cập, hạn chế nêu trên cùng những nguyên nhân dẫn đến sự mâu thuẫn giữa chính sách đến thực tiễn trong đầu tư nguồn lực để phát triển văn hóa, PGS.TS Phạm Duy Đức đã kiến nghị một số giải pháp căn cơ nhằm tăng cường đầu tư nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Thứ nhất, cần tiếp tục quán triệt Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về văn hóa. Thể chế hóa đồng bộ quan điểm tăng cường đầu tư cho văn hóa tương ứng với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư phát triển bền vững đất nước, khắc phục quan điểm coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư chống xuống cấp hay là chỉ là để đảm bảo duy trì phúc lợi xã hội.

PGS.TS Phạm Duy Đức nhấn mạnh, cần chú trọng đầu tư phát triển lực lượng nòng cốt, chủ đạo để có thể dẫn dắt, truyền cảm hứng, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp tới cộng đồng. Cần rà soát, đánh giá và sắp xếp lại công tác cán bộ làm văn hóa theo đúng tiêu chuẩn mà Ban Tổ chức Trung ương đã quy định.

Thứ hai, Chính phủ và các địa phương cần xây dựng chiến lược và kế hoạch đầu tư nguồn lực để phát triển văn hóa, con người gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ, coi đây là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển chung. Tăng mức đầu tư của Nhà nước cho văn hóa tương đương 2% tổng ngân sách, khuyến khích các địa phương và các doanh nghiệp đầu tư cho văn hóa. Đẩy mạnh xã hội hóa đúng hướng nhằm huy động các nguồn lực đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa, xây dựng con người.

Thứ ba, Nhà nước xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế và phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư, đặc biệt ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ tư, khuyến khích thành lập các quỹ văn hóa, quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học, nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản.

Thứ năm, xây dựng một số công trình văn hóa có trọng điểm. Các địa phương, cơ quan, công sở, trường học, khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị mới… Có thiết chế văn hóa phù hợp (thư viện, nhà văn hóa, công trình thể thao) tạo điều kiện cho người dân tham gia hoạt động và hưởng thụ văn hóa.

Thứ sáu, khuyến khích đầu tư các trung tâm công nghiệp văn hóa tại các địa phương. PGS.TS Phạm Duy Đức nhấn mạnh, Nhà nước đẩy mạnh đầu tư cho một số ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, có tính định hướng và dẫn dắt các hoạt động văn hóa, làm động lực xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội (nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, các loại hình nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật các dân tộc thiểu số…). Hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ tri thức văn nghệ sĩ, bồi dưỡng tài năng về văn học, nghệ thuật. Chú trọng đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo và hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống

Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động đầu tư cho phát triển văn hóa, con người. PGS.TS Phạm Duy Đức cho rằng cần thực hiện công khai, minh bạch từ Trung ương đến cơ sở. Tăng cường hiệu quả của đầu tư, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả sử dụng của các thiết chế văn hóa đã được xây dựng./.

Bích Ngọc

Tác giả: Bích Ngọc