Sự kiện. tháng 12/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

PGS.TS Đặng Văn Bài: Cần đổi mới ứng xử với di sản văn hóa

Khẳng định “Di sản văn hóa” là một loại tài nguyên có thể “bán nhiều lần, cho nhiều người với giá thành cao”, PGS.TS Đặng Văn Bài- Nguyên Cục Trưởng Cục Di sản mong muốn Hội thảo Văn hóa 2022 năm nay sẽ đặt nền tảng, giúp chúng ta có ứng xử thực sự đổi mới đối với di sản văn hóa.  

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Văn hóa có ý nghĩa to lớn với sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc

PGS.TS Đặng Văn Bài- Nguyên Cục trưởng Cục Di sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

“Di sản văn hóa”- loại tài nguyên có thể “bán nhiều lần, cho nhiều người với giá thành cao”

Phóng viên: Theo ông, thực trạng bảo tồn di sản văn hóa ở nước ta ra sao? Ông nhận định về chính sách, pháp luật về bảo tồn các di sản văn hóa ở nước ta hiện tại thế nào?  Việc bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển mỗi quốc gia?

PGS.TS Đặng Văn Bài- Nguyên Cục Trưởng Cục Di sản: Chúng ta cũng biết, di sản văn hoá là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nhìn chung, các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về di sản văn hóa đã ngày càng hoàn thiện và chặt chẽ, từng bước xác định rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước từ Trung ương tới địa phương, quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức xã hội, qua đó tạo hành lang pháp lý và định hướng thống nhất cho các hoạt động trong lĩnh vực này trên phạm vi cả nước.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa có nhiều khởi sắc và đạt được những thành tựu quan trọng. Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa, tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có 28 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh, trong đó có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên, 13 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, 7 di sản tư liệu. Cả nước hiện có 3.551 di tích được xếp hạng cấp quốc gia (112 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt); 191 bảo vật quốc gia; 364 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhiều lễ hội truyền thống lớn được khôi phục, như: lễ hội đền Hùng, chùa Yên Tử, chùa Thầy, lễ hội Lam Kinh (Thanh Hóa), Tây Sơn (Bình Định), đền Bà Chúa Xứ (An Giang), chùa Bà Đen (Tây Ninh), lễ hội cầu ngư ở miền Trung…

Tôi cho rằng, việc bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc có ý nghĩa trong việc xây dựng nền tảng tinh thần, và kể cả ở góc độ vật chất, kinh tế. Bởi di sản văn hóa là một loại tài nguyên đặc thù, có thể bán nhiều lần, bán cho nhiều người với giá trị cao. Sự đóng góp ấy cho văn hóa cũng như kinh tế nước nhà là rất lớn. Chính vì vậy, nếu chúng ta nhìn di sản văn hóa dưới góc độ là tài sản quý giá của dân tộc, một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại thì chúng ta cần có sự ứng xử thật sự đổi mới đối với di sản văn hóa.   

Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ

Đảng ta luôn đặt văn hóa và con người là trung tâm của sự phát triển. Bác Hồ cũng cho rằng cần ứng xử công bằng giữa chính trị, kinh tế và văn hóa. Tôi cho rằng, nếu chúng ta làm tốt định hướng này thì văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng cũng sẽ thực hiện tốt được chức năng của mình, đó là chức năng nhận thức, giáo dục, giải trí, giao lưu… Chắc chắn nó sẽ có khả năng xây dựng, vun đắp một môi trường xã hội lành mạnh cho phát triển xã hội. Có như vậy sẽ loại bỏ được những hiện tượng xung đột tôn giáo, sắc tộc, khủng bố như các nước.

Di sản văn hóa hoàn toàn có khả năng chấn hưng văn hóa và nâng cao dân trí. Bởi vì di sản hàm chứa những giá trị mà chúng ta không bàn cãi nữa rồi nhưng đặc biệt nó còn có khả năng cung cấp những thông tin dưới dạng nguyên gốc, chân xác, nó có những bài học kinh nghiệm, nó cho ta bài học lịch sử để có thể hiểu được quá khứ, nhận thức rõ hiện tại và dự báo đúng về tương lai để chúng ta có những phương hướng hoạt động tốt.

Ẩn thu khổng lồ phía sau ngành du lịch

Phóng viên: Ông có thể cho biết rõ hơn về sự đóng góp của di sản văn hóa đối với nền kinh tế như thế nào?

PGS.TS Đặng Văn Bài- Nguyên Cục Trưởng Cục Di sản: Hiện nay, công nghiệp văn hóa ở Việt Nam xác định bao gồm 12 lĩnh vực: Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa.

Dưới cái nhìn của tôi, trong 12 ngành công nghiệp văn hóa này, du lịch văn hóa là ngành công nghiệp văn hóa có nhiều tiềm năng và cũng có thể là thế mạnh của Việt Nam. Vì chúng ta có thiên nhiên tươi đẹp, tài nguyên di sản văn hóa đa dạng.

Theo tổng kết của Tổng Cục Du lịch năm 2019, ngành du lịch đã đón được 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa, đóng góp vào ngân sách nhà nước 720 nghìn tỷ đồng. Mà thành công này nhờ không nhỏ vào việc khai thác các tài nguyên di sản văn hóa.

Như vậy, rõ ràng di sản văn hóa đã tạo ra nguồn thu to lớn cho nền kinh tế, nhưng được ẩn thu phí sau ngành du lịch. Nếu chúng ta nhìn nhận được vấn đề này, chúng ta sẽ có sự thay đổi trong cách ứng xử đối với các di sản văn hóa.

Thực tế, tất cả những si sản văn hóa được công nhận là di sản văn hóa thế giới, hoặc di tích quốc gia đặc biệt thì giá đất xung quanh khu vực di sản văn hóa đó rất cao. Như vậy, cộng đồng dân cư quanh khu vực di sản văn hóa cũng được hưởng lợi, tạo ra sinh kế, việc làm cho người dân địa phương khi phát triển du lịch quanh khu vực di sản văn hóa này. Tiêu biểu dư khu du lịch Tràng An ở Ninh Bình...

Lâu nay người ta vẫn cứ nhìn di sản văn hóa dưới góc độ tinh thần thôi. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhận thức thật đầy đủ, nó có cả tính hữu ích về tinh thần lẫn vật chất.

Thay đổi ứng xử với di sản văn hóa

Phóng viên: Ông có mong chờ gì ở Hội thảo Văn hóa 2022 sắp diễn ra?

PGS.TS Đặng Văn Bài- Nguyên Cục Trưởng Cục Di sản: Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” do Quốc hội tổ chức sắp diễn ra. Đây là một tin rất vui, về đi về phía Đảng đã có những chủ trương, đổi mới tư duy, nhận thức về văn hóa rồi. Ngay sau đó, Quốc hội cũng có những động thái rất khẩn trương tương ứng  nhằm thể chế hóa những đường lối, chủ trương của Đảng.

Tôi cho rằng, với số lượng người tham dự và thành phần tham dự không ít đại biểu cấp cao, Hội thảo Văn hóa 2022 là một hội thảo có quy mô toàn quốc tiếp nối kết quả của Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 để biến đường lối, chủ trương của Đảng về văn hóa thành hiện thực và đi vào đời sống xã hội.

Tại Hội thảo này, tôi mong muốn vấn đề ứng xử đối với di sản văn hóa, sự đóng góp của di sản văn hóa cho nền kinh tế sẽ được nhận diện đúng đắn. Từ đó, có những kiến nghị hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật về bảo tồn di sản văn hóa tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương

Tác giả: Thu Phương