Sự kiện. tháng 12/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: Phương pháp, cách thức triển khai giáo dục văn hóa và giáo dục để phát triển văn hóa

Tại Hội thảo Văn hóa 2022, PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đã có bài phát biểu tham luận với chủ đề “Giáo dục văn hóa và giáo dục để phát triển văn hóa”. Trong đó đã khẳng định, muốn thực hiện giáo dục văn hóa thì bản thân nền giáo dục phải là nền giáo dục mang đậm giá trị văn hóa. Trên cơ sở tư tưởng và triết lý giáo dục, nền giáo dục đó phải hiện hữu sinh động và đầy đủ các giá trị cốt lõi, sự trung thực, lương thiện, vì con người và vì những điều tốt đẹp.

Toàn cảnh Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa.

Giáo dục và văn hóa có sự thống nhất và giao thoa.

Phân tích mối quan hệ hữu cơ giữa giáo dục và văn hóa, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Giáo dục và đào tạo là một thiết chế văn hóa, là một lĩnh vực văn hóa, và bản thân nó cũng chính là văn hóa. Giáo dục và đào tạo là con đường để tạo dựng các giá trị văn hóa, bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa, sáng tạo văn hóa, và từ đó phát triển văn hóa.

Con người là chủ thể của văn hóa, sáng tạo văn hóa, duy trì văn hóa. Ở góc độ khái quát nhất, có thể định nghĩa: văn hóa là thuộc tính người, phương diện người thể hiện trong các loại hoạt động, trong mọi loại vật chất và quá trình, sự vật, hiện tượng. Nếu con người không còn thì văn hóa cũng không còn.

Giáo dục làm được tới đâu, văn hóa phát triển được tới đó. Giáo dục không chỉ bảo lưu, truyền thừa, kế thừa và tiếp nối ổn định cho văn hóa, mà còn tạo ra sự đổi mới và đột phá cho văn hóa. Giáo dục là lĩnh vực tạo dựng con người, xây dựng con người, vì vậy giáo dục tạo dựng chủ thể văn hóa, phát triển chủ thể văn hóa. Theo đó, giáo dục tác động sâu sắc, toàn diện đến văn hóa.

Muốn thực hiện giáo dục văn hóa thì bản thân nền giáo dục phải là nền giáo dục mang đậm giá trị văn hóa.

Theo PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, văn hóa giáo dục là sự biểu hiện chất lượng và sự tốt đẹp nằm trong các thành tố, các quá trình, các định hướng và các giá trị của giáo dục. Giáo dục văn hóa là nội dung, phương pháp, đối tượng, sản phẩm đầu ra của giáo dục. Giáo dục văn hóa tốt thì văn hóa giáo dục phải được tạo lập trên cơ sở bao quát, rộng lớn. Mỗi một lĩnh vực của đời sống, khi các thành tố, các quan hệ, các bình diện của nó đạt tới sự mẫu mực, đạt tới các chuẩn và các giá trị, thì nó đạt tới văn hóa của lĩnh vực đó. Văn hóa giáo dục là nền giáo dục được tổ chức, vận hành, tạo dựng đạt tới các chuẩn và các giá trị của giáo dục.

 PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục phát biểu tham luận tại Hội thảo Văn hóa 2022.

Triển khai văn hóa hóa giáo dục là làm cho các khâu, các thành tố, các hoạt động của giáo dục gia tăng các giá trị chân, thiện, mỹ và các giá trị đó hiển thị đầy đủ trong các phương diện và quá trình giáo dục. Biến cái chân thực, cái lương thiện và cái đẹp thấm nhuần, hiển thị và trở thành thuộc tính, thành thước đo, thành bản chất, thành tiêu chuẩn, thành diện mạo của toàn bộ hoạt động ngành giáo dục. Trong đó, các phương diện của giáo dục cần đạt đến sự mẫu mực, chuẩn xác như: tư tưởng giáo dục; triết lý giáo dục; mục tiêu giáo dục; thể chế, các quy phạm pháp luật; các nguyên tắc vận hành; hệ giá trị; các mối quan hệ giao tiếp; nhà giáo; học sinh; môi trường giáo dục, cơ sở giáo dục, hoạt động dạy và học; quản lý chất lượng; ... Khi tất cả các thành tố trên đạt tới chuẩn mực, đạt tới các giá trị thì khi đó nền giáo dục và đào tạo đạt tới tầm văn hóa.

Trong đó, các thành tố quan trọng nhất là nhà giáo, học sinh, trường học, nội dung và phương pháp. Mối quan hệ quan trọng nhất là mối quan hệ giữa thầy giáo và học sinh. Môi trường quan trọng nhất là môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Tính chất quan trọng nhất là phát triển con người. Giá trị quan trọng nhất là: cái đẹp, thực chất, lương thiện, tự do, bình đẳng, bác ái, trí tuệ và tình yêu thương. Các giá trị này quán xuyến mọi hoạt động của giáo dục.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Kim Sơn khẳng định, muốn thực hiện giáo dục văn hóa thì bản thân nền giáo dục phải là nền giáo dục mang đậm giá trị văn hóa. Trên cơ sở tư tưởng và triết lý giáo dục, nền giáo dục đó phải hiện hữu sinh động và đầy đủ các giá trị cốt lõi, sự trung thực, lương thiện, vì con người và vì những điều tốt đẹp.

Trung tâm của giáo dục phát triển văn hoá là con người.

Nhấn mạnh mục tiêu căn bản của giáo dục là phát triển cá nhân, từ đó phát triển xã hội, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, văn hoá là sản phẩm của trải nghiệm và trí tuệ con người. Như vậy, ở trung tâm của giáo dục phát triển văn hoá chính là con người. Phát triển con người tập trung vào hai chiều hướng: tu dưỡng, bồi đắp tâm hồn bên trong – được coi là nền tảng của bản ngã, và dựa trên đó rèn luyện, nâng cao năng lực, hành vi bên ngoài.

Giáo dục văn hoá trước tiên cần phải bắt nguồn từ tu dưỡng nội tâm. Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đây thực chất là quá trình phát triển khả năng quan sát, cảm nhận và tư duy phân tích, năng lực phản tư từ chính những trải nhiệm của cá nhân. Từ khả năng quan sát, cảm nhận, việc tu dưỡng nội tâm chú trọng rèn luyện tất cả các giác quan trở nên tinh tế, nhạy bén đối với từng chi tiết. Từ cảm nhận tốt sẽ dần bồi đắp mỹ cảm – khả năng rung động trước cái đẹp, nhận ra và trân trọng những điều tinh tuý, và sự thấu cảm – khả năng kết nối bản thân với thế giới bên ngoài.

Năng lực quan sát, cảm nhận đồng thời phải được định hướng bởi khả năng tư duy logic độc lập cũng như óc phân tích nhạy bén. Học sinh cần phải được hướng dẫn và khuyến khích chủ động trong suy nghĩ, biết cách nhìn nhận, phân tích và đưa ra ý kiến, quyết định của bản thân. Các phạm trù của văn hoá rất rộng lớn và đa dạng, không thể gói gọn trong khuôn khổ thời gian và không gian trên lớp học. Kĩ năng tư duy độc lập và tự định hướng sẽ là công cụ hữu ích giúp học sinh tự do, chủ động lĩnh hội, cũng như thích nghi và đóng góp vào nền văn hoá dân tộc và nhân loại. Song song với vun đắp bồi dưỡng tâm hồn, giáo dục văn hoá không thể tách rời các trải nghiệm thực tế.

Thể chế có vai trò nền tảng trong định hướng văn hóa giáo dục.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cũng nêu các phương pháp và cách thức triển khai văn hóa giáo dục, trong đó nhấn mạnh đến tư tưởng, triết lý giáo dục; Xây dựng thể chế; Tạo dựng xã hội học tập; Củng cố và phát triển đội ngũ nhân lực làm giáo dục, đặc biệt là đội ngũ các nhà giáo; Triển khai thành công đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó, thực hiện thành công Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; Xây dựng văn hóa học đường.

Theo PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, giáo dục để phát triển con người, lấy con người làm trung tâm. Đó là nền giáo dục nhân ái, công bằng, phổ cập, cho mọi người, hỗ trợ người yếu thế, phát triển được các năng lực người học, phát triển nhân tài, đem lại sự hạnh phúc cho con người, hướng con người xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho mình. Hoạt động giáo dục được thực hiện trên cơ sở tôn trọng luật pháp, tôn trọng cá nhân, tôn trọng khác biệt, tôn trọng quyền tự do thể hiện ý tưởng, phù hợp với từng học sinh và khuyến khích thúc đẩy tinh thần sáng tạo.

Bên cạnh đề cao vai trò của thể chế là nền tảng trong định hướng văn hóa giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng cần thực hiện nhiều giải pháp như: tạo dựng xã hội học tập để ai cũng có cơ hội và điều kiện tiếp cận giáo dục, ai cũng có ý thức học tập thường xuyên, học tập suốt đời, học tập mọi nơi, mọi lúc. Củng cố và phát triển đội ngũ nhân lực làm giáo dục, đặc biệt là đội ngũ các nhà giáo. Triển khai thành công đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó, thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018.

Theo PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần xây dựng văn hóa học đường gắn liền với việc thực thi các quy tắc ứng xử trong trường học, các chuẩn giá trị của trường học.

Đặc biệt, xây dựng văn hóa học đường gắn liền với việc thực thi các quy tắc ứng xử trong trường học, các chuẩn giá trị của trường học. Lấy việc thực hiện kỷ cương trường học làm nền tảng, coi trọng phương diện tu dưỡng cá nhân của học sinh, và lấy đó là gốc cho phát triển văn hóa. Thầy và trò cần tuân thủ pháp luật, tuân thủ các nguyên tắc, triển khai tốt bộ quy tắc ứng xử, các chuẩn trong trường học, các chuẩn về đạo đức của nhà giáo, chuẩn trường học.

Trong đó, văn hóa học đường cần hội đủ các điều kiện quan trọng: Đạo lý thầy, trò đủ thiêng liêng; Nhà giáo đủ sống bằng thu nhập thông qua hoạt động giảng dạy chân chính; Trường học đủ cơ sở vật chất phụ vụ dạy học; Kỷ cương, nguyên tắc đủ mạnh để tất cả các cá nhân bộ phận phải thực thi nghiêm túc; Tài chính đủ chi trả cho các hoạt động của Nhà trường; Học trò có đầy đủ cơ hội học tập và phát huy năng lực cá nhân. Phụ huynh có đủ niềm tin vào Nhà trường; Mối quan hệ giữa nhà trường – gia đình – xã hội đủ chặt; Học liệu phục vụ hoạt động dạy học phải đầy đủ./.

Lan Hương

Tác giả: Lan Hương