Sự kiện. tháng 12/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà: Kết hợp giữa phát triển văn hóa với phát triển du lịch để giữ gìn bản sắc dân tộc

Chia sẻ quan điểm trước thềm Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, cần kết hợp giữa phát triển văn hóa với phát triển du lịch để giữ gìn bản sắc dân tộc và tạo nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa Việt Nam.

Phóng viên: Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” với mục tiêu quan trọng, xuyên suốt là tiếp tục quán triệt của Đảng về văn hóa, con người Việt Nam, đặc biệt là các chủ trương tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 2022 sẽ diễn ra trong tháng 12 tới đây. Theo đại biểu, Hội thảo có tầm quan trọng như thế nào trong bối cảnh nước ta hiện nay?

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa”.

Để thực hiện mục tiêu đó yêu cầu, đòi hỏi sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhanh chóng thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người; đi đôi với đó là đảm bảo về nguồn lực, khai thác mọi nguồn lực (nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, nguồn lực ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội hóa…) để cùng tham gia phát triển văn hóa.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Về mặt thực tiễn có thể thấy, tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang đến thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, nhiều giải pháp quyết liệt nhằm thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” phục hồi và thúc đẩy kinh tế - xã hội; đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Tôi cho rằng, việc tổ chức Hội thảo Văn hóa 2022 là rất cần thiết, kịp thời trong bối cảnh hiện nay, trước những thời cơ, thách thức đặt ra với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, việc quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, hoàn thiện thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa chính là xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, giải quyết các vấn đề xã hội, để văn hóa thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức.

Phóng viên: Thể chế, chính sách là những yếu tố rất quan trọng để phát triển văn hóa. Theo đại biểu, chúng ta cần làm gì để có một hành lang pháp lý đủ thông thoáng, đủ tiến bộ để tạo bước phát triển mạnh mẽ cho văn hóa, nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc dân tộc?

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: Thể chế, chính sách và nguồn lực có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mọi lĩnh vực, trong đó có văn hóa, tuy nhiên, để có một hành lang pháp lý đủ thông thoáng, đủ tiến bộ để tạo bước phát triển mạnh mẽ cho văn hóa, nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc dân tộc, theo tôi cần quan tâm đến một số vấn đề sau:

Thứ nhất, Xây dựng thể chế, cơ chế trên quan điểm "văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội", Đại hội XIII của Đảng vừa qua đã xác định phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Đây là quan điểm chỉ đạo rất cơ bản cần được triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt trong nhiệm vụ của các ngành, các cấp.

Thứ hai, từ những khó khăn, vướng mắc bất cập hiện nay, những “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển văn hóa cần quan tâm rà soát các quy định của Luật, nghị định, thông tư, hướng dẫn có liên quan, đề xuất giải pháp về hoàn thiện thể chế, cơ chế phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục triệt để tư duy cơ chế chính sách dàn đều, thiếu hiệu quả.

Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Xác định rõ cơ chế phân công, trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tổ chức thi hành pháp luật, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Phóng viên: Phát triển văn hóa là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm chung chứ không phải chuyện riêng của ngành văn hóa. Theo đại biểu, chúng ta cần làm gì để khơi dậy tối đa các nguồn lực trong xã hội quan tâm và phát triển văn hóa?

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: Phát triển văn hóa là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm chung chứ không phải chuyện riêng của ngành văn hóa. Nếu chỉ xác định là của riêng ngành văn hóa thì sẽ không giải quyết được những khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, chính sách cho phát triển văn hóa. Do đó, để khơi dậy tối đa các nguồn lực trong xã hội quan tâm và phát triển văn hóa, theo tôi cần quan tâm đến một số vấn đề sau:

Thứ nhất, thể chế, cơ chế chính sách về phát triển văn hóa phải lấy con người làm trung tâm, cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa của Nhân dân, nghiên cứu có cơ chế, chính sách phù hợp giữa các khu vực, vùng miền. Qua đó, có thể phát huy được ý thức tự giác của toàn dân tham gia xây dựng và thực hiện các chế tài, quy định, quy ước xã hội, bảo đảm công bằng về cơ hội và thụ hưởng văn hóa. Khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và đời sống văn hóa giữa các vùng miền, các vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các khu công nghiệp…Đồng thời là điều kiện để huy động nguồn lực xã hội hóa trong xã hội tham gia vào phát triển văn hóa.

Thứ hai, thể chế, chính sách cho phát triển văn hóa phải tạo ra các giá trị cả về vật chất và tinh thần, quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải dẫn đến kém hiệu quả. Cần quan tâm đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa trên cơ sở phát huy các giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam. Kết hợp giữa phát triển văn hóa với phát triển du lịch để giữ gìn bản sắc dân tộc và tạo nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa. Đồng thời xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Thứ ba, để phát triển văn hóa cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng bộ về cơ chế, chính sách, quan tâm tới các nguồn lực đảm bảo một cách phù hợp, có trọng tâm: xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế và phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư, nhất là những vùng khó khăn; xây dựng các công trình văn hóa trọng điểm; tăng cường đầu tư để đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để nâng cao khả năng dự báo và định hướng phát triển văn hóa, con người; bố trí con người làm trong lĩnh vực văn hóa, chế độ đối với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa.

Phóng viên: Nếu được góp một ý kiến tâm huyết cho Hội thảo, đại biểu sẽ nói điều gì?

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: Tôi rất tâm đắc với chủ đề của Hội thảo Văn hóa 2022, đây là thời điểm thích hợp để chúng ta rà soát lại các thể chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển văn hóa. Bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa là điều kiện nền tảng để phát triển kinh tế. Đã lâu chúng ta khai thác, các giá trị của văn hóa để phát triển kinh tế mà quên đi trách nhiệm đầu tư ngược lại để văn hóa được bảo tồn và phát triển.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Ánh Nguyệt

Tác giả: Ánh Nguyệt